Lập Ban chỉ đạo và tổ công tác bán vốn tại Sabeco, Habeco
(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Ban chỉ đạo có một Trưởng ban là Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và 10 thành viên là lãnh đạo các phòng ban chuyên trách tại Bộ Công Thương, lãnh đạo Sabeco, Habeco.
Ban chỉ đạo có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng giao, lựa chọn tư vấn bán cổ phần cho hai doanh nghiệp hàng đầu ngành bia này. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng đề án và tổ chức thực hiện thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và quy định pháp luật.
Theo kế hoạch, Sabeco và Habeco sẽ được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong nước trước khi xem xét bán cổ phần cho các nhà đầu tư quan tâm. Ước tính, Chính phủ có thể thu về khoảng 2,2 tỷ USD nếu thoái hết 89,6% cổ phần tại Sabeco và 82% cổ phần tại Habeco.
Trả lời một hãng thông tấn nước ngoài mới đây, ông Lê Hồng Xanh, Tổng giám đốc Sabeco cho biết, các phương án thoái vốn Nhà nước vẫn đang được xem xét và Chính phủ chưa phê duyệt phương án cụ thể nào.
Kể từ khi Chính phủ thông báo chủ trương cổ phần Sabeco, một số hãng bia ngoại đã tỏ ý quan tâm đến việc mua cổ phần. Kirin, Asahi, Thai Bev và Heineken đều đã bày tỏ sự quan tâm. Tuy nhiên ông Xanh nói rằng tiến trình cổ phần hóa đã được khởi động lại và các nhà đầu tư quan tâm sẽ phải tham gia đấu giá một lần nữa.
“Có rất nhiều nhà đầu tư gồm các định chế tài chính, các quỹ và các hãng bia ngoại muốn mua cổ phần nhưng chúng tôi vẫn chưa bắt đầu đàm phán cụ thể với bên nào cả. Tất cả đều phải chờ chủ trương từ Chính phủ”, ông Xanh nói.
Còn theo ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng – Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, theo kế hoạch, Nhà nước sẽ thoái 53,59% cổ phần tại Sabeco trong năm nay để thu về 1 tỷ USD trong năm nay và phần còn lại trong năm 2017. Tuy nhiên, kế hoạch này đang được xem xét lại.
Habeco cũng được dự kiến bán toàn bộ cổ phần trong năm 2016 để thu về 400 triệu USD. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào được công bố.
Trong khi đó, về kế hoạch niêm yết, đối với Sabeco vẫn chưa rõ thời điểm cụ thể doanh nghiệp này có thể chính thức lên sàn. Theo ông Lê Hồng Xanh, Sabeco có thể lên sàn vào ngay cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tới nhưng theo lãnh đạo phía Bộ Công Thương, kế hoạch này có thể lùi lại vào đầu năm 2017.
Theo dự báo của BMI, thị trường tiêu thụ bia Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khá tốt trong các năm tới với tỷ lệ tăng trưởng là 10%/năm trong giai đoạn 2015 - 2019. Hiện nhu cầu tiêu thụ bia đang phát triển khá tốt và ổn định. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu sản xuất bia giảm và được kỳ vọng sẽ duy trì đến hết năm, cùng với chính sách thuế ưu đãi đối với một số mặt hàng nguyên liệu chỉ tăng nhẹ so với năm 2015, tạo điều kiện thuận lợi trong việc ổn định chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, các hãng bia trong nước cũng vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thương hiệu bia nước ngoài nổi tiếng như Heneiken, Budweiser, Sapporo …. Việc gia nhập Hiệp định TPP và các Hiệp định tự do thương mại khác khiến thuế nhập khẩu bia giảm xuống 0%. Điều này có thể gây nên những lo ngại, thách thức khi phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm nhập khẩu trực tiếp. Trong khi đó, khả năng gia tăng xuất khẩu bia vào thị trường các nước khác vẫn chưa cao do gặp rào cản từ các yếu tố về khẩu vị, gu tiêu dùng, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Phương Dung