Nếu PVC Land phá sản, nguy cơ khách hàng mất tiền rất cao!

(Dân trí) - Theo luật sư, khi PVC Land phá sản, số tiền mà khách hàng mua nhà đã đóng cho chủ đầu tư sẽ là khoản nợ không có bảo đảm, thuộc nhóm ưu tiên trả nợ thứ 4. Tức là, tài sản của doanh nghiệp sau khi chi trả hết cho 3 nhóm trên, nếu còn mới đến phiên khách hàng mua nhà.

Vừa qua, Tòa án TPHCM đã quyết định mở thủ tục phá sản đối với PVC Land do mất khả năng thanh toán. Thông báo này khiến các khách hàng đã trót mua căn hộ tại dự án PetroVietnam Landmark (quận 2) do PVC Land làm chủ đầu tư hết sức lo lắng vì sợ mình sẽ trắng tay. PV Dân trí đã có buổi trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh, giám đốc công ty luật Đức Chánh, về vấn đề này.


Luật sư Nguyễn Đức Chánh

Luật sư Nguyễn Đức Chánh

Thưa luật sư, hành động Tòa án TPHCM đã thông báo việc mở thủ tục phá sản đối với chủ đầu tư PVC Land chỉ từ yêu cầu của 1 cá nhân khách hàng mua nhà ở dự án này thì có đúng không?

- Tòa án TPHCM ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với PVC Land từ yêu cầu của 1 cá nhân là bà Châu Giang, 1 khách hàng mua nhà của công ty này là đúng quy định pháp luật. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản năm 2014 thì : “Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.

Nên cho dù chỉ là yêu cầu từ 1 chủ nợ nhưng sau khi xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và các chứng cứ do người yêu cầu mở thủ tục phá sản cung cấp cũng như thực hiện các bước tố tụng theo quy định mà Tòa xét thấy doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì Tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản theo Điều 42 Luật Phá sản năm 2014.

Việc Tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản có phải là PVC Land đã bị phá sản không, thưa ông?

- Việc Tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phá sản mà chỉ là thủ tục trong quá trình thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của những người có quyền nộp đơn.

Sau khi Tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản thì trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại, Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định mở thủ tục phá sản.

Sau đó, Tòa án Nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định Tổ Thẩm phán gồm 3 Thẩm phán xem xét, giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị và gửi hồ sơ vụ việc phá sản cho Viện kiểm sát Nhân dân cùng cấp.

Tổ Thẩm phán có quyền ra một trong các quyết định sau: Giữ nguyên quyết định mở thủ tục phá sản; Hủy quyết định mở thủ tục phá sản và thông báo cho Tòa án Nhân dân đã ra quyết định mở thủ tục phá sản và những người tham gia thủ tục phá sản. Quyết định của Tổ Thẩm phán là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.


Khách hàng mua nhà tại dự án PetroVietnam Landmark (quận 2) do PVC Land làm chủ đầu tư đang hết sức lo lắng (ảnh: Công Quang)

Khách hàng mua nhà tại dự án PetroVietnam Landmark (quận 2) do PVC Land làm chủ đầu tư đang hết sức lo lắng (ảnh: Công Quang)

Giả sử Tòa quyết định tuyên bố phá sản thì thứ tự ưu tiên để thanh toán công nợ trong trường hợp PVC Land phá sản là như thế nào? Theo ông thì khi chủ đầu tư dự án PVC Land phá sản, khả năng khách hàng lấy lại được số tiền mình đã đóng để mua nhà tại đây có cao không?

- Theo Điều 54 Luật Phá sản, trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự sau: Thứ 1 là chi phí phá sản; Thứ 2 là khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; Thứ 3 là khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; Thứ 4 là nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Các khách hàng mua nhà tại dự án PVC Landmark mà đã chuyển quyền sở hữu, sang tên thì đó là tài sản của họ (trường hợp này khó xảy ra vì đến nay dự án này chưa hoàn thành). Còn các khách hàng đã đóng tiền mua nhà nhưng chưa chuyển quyền sở hữu sang tên mình thì số tiền đó coi như là khoản nợ, họ thuộc nhóm chủ nợ có khoản nợ không có bảo đảm phải trả, tức là nhóm ưu tiên thứ 4.

Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán cho tất cả 4 nhóm trên thì sẽ lần lượt thanh toán cho từng nhóm ưu tiên. Chỉ sau khi số tài sản của doanh nghiệp chi trả hết 3 nhóm ưu tiên trên mà còn thì mới thanh toán công nợ cho nhóm thứ 4 này.

Trong trường hợp mà tài sản của PVC Land vẫn còn để chi trả cho nhóm 4 nhưng không đủ để thanh toán cho tất cả chủ nợ thuộc nhóm này, thì từng đối tượng trong nhóm này được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ. Tức là gộp hết số tiền nợ của nhóm này rồi tính ra số nợ của từng cá nhân, tổ chức chủ nợ chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trên tổng số nợ trong nhóm sẽ được trả bấy nhiều phần trăm số tài sản còn lại.

Với tình hình mất khả năng thanh khoản của PVC Land thì rất có thể nhóm chủ nợ này không lấy lại được bao nhiêu. Vậy không lẽ khách hàng phải chịu thiệt thòi quá lớn như vậy? Ông có lời khuyên các khách hàng nên làm gì để đảm bảo quyền lợi cho họ không?

- Nhiều người hay ví thủ tục phá sản như 1 hình thức cho doanh nghiệp, hợp tác xã trốn nợ hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế là việc phá sản không ai mong muốn, vì không có bên nào được lợi cả. Vì vậy, lúc này chính là thời điểm các bên phải ngồi lại với nhau để cơ cấu lại công nợ, tìm cách vực dậy doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm này, tòa chỉ mới tuyên mở thủ tục phá sản, tức là còn rất nhiều bước phải tiến hành. Cụ thể là sau khi mở thủ tục phá sản, quản tài viên sẽ thống kê số liệu khoản nợ, danh sách chủ nợ, tài sản…. Sau đó, thẩm phán phụ trách tổ chức hội nghị chủ nợ để bàn phương án giải quyết. Nếu hội nghị chủ nợ biểu quyết đồng ý cho doanh nghiệp phá sản thì thẩm phán mới ra quyết định tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Còn nếu hội nghị chủ nợ đồng ý với phương án phục hồi kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì sẽ thực hiện theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ.

Các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh gồm: Huy động vốn; Giảm nợ, miễn nợ, hoãn nợ; Thay đổi mặt hàng sản xuất, kinh doanh; Đổi mới công nghệ sản xuất; Tổ chức lại bộ máy quản lý, sáp nhập hoặc chia tách bộ phận sản xuất; Bán cổ phần cho chủ nợ và những người khác; Bán hoặc cho thuê tài sản; Các biện pháp khác không trái quy định của pháp luật.

Do đó, việc khách hàng đã mua nhưng chưa chuyển quyền sở hữu tại dự án PetroVietnam LandMark phải làm bây giờ là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng đăng báo, đăng tải thông tin về thủ tục quyết định mở thủ tục phá sản, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên do tòa chỉ định. Hết thời hạn này mà các chủ nợ không gửi giấy đòi nợ thì coi như từ bỏ quyền đòi nợ.

Vì vậy, trước mắt các chủ nợ phải làm thủ tục gửi giấy đòi nợ còn mọi việc diễn ra như thế nào tiếp theo sẽ tùy thuộc vào diễn biến của quá trình giải quyết thủ tục phá sản mà có bước đi phù hợp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Tùng Nguyên ghi