1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

PVCLand, chủ đầu tư dự án "tai tiếng" mở thủ tục phá sản vì nợ đầm đìa

(Dân trí) - Tòa án Nhân dân TPHCM chính thức có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty Cổ phần Bất động sản Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVCLand), chủ đầu tư dự án PetroVietnam Landmark (khu đô thị An Phú, Q.2, TPHCM).

Sau khi xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của bà Trần Thị Châu Giang (địa chỉ 18/7 Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TPHCM) đối với Công ty Cổ phần Bất động sản Xây lắp dầu khí Việt Nam (địa chỉ tại Lầu 6, số 11Bis Nguyễn Gia Thiều, quận 3, TPHCM) và các giấy tờ, tài liệu liên quan đến yêu cầu mở thủ tục phá sản, TAND TPHCM xét thấy có đủ căn cứ chứng minh PVC Land mất khả năng thanh toán. Do đó, ngày 24/2 vừa qua, toà án đã ban hành Quyết định số 52/2017/QĐ-MTTPS mở thủ tục phá sản đối với PVC Land.

Quyết định số 52/2017/QĐ-MTTPS nêu rõ, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng đăng báo, đăng tải thông tin về quyết định mở thủ tục phá sản này, các chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên quản lý, thanh lý tài sản - bà Nguyễn Thuỵ Anh - địa chỉ 197/3 Nguyễn Kim, phường 7, quận 3, TPHCM.

Dự án PetroVietnam Landmark, chủ đầu tư đã chậm bàn giao căn hộ cho khách hàng gần 6 năm, vì mất khả năng tài chính
Dự án PetroVietnam Landmark, chủ đầu tư đã chậm bàn giao căn hộ cho khách hàng gần 6 năm, vì mất khả năng tài chính

Toà án yêu cầu các chủ nợ nêu cụ thể các khoản nợ, số nợ phải trả, kèm theo giấy đòi nợ là các tài liệu chứng minh về các khoản nợ đó. Giấy đòi nợ phải do chủ nợ hoặc người đại diện hợp pháp của chủ nợ ký tên. Hết thời hạn này, các chủ nợ không gửi giấy đòi nợ đến Toà án thì được coi là từ bỏ quyền đòi nợ.

Được biết, tại dự án PetroVietnam Landmark, chủ đầu tư đã chậm bàn giao căn hộ cho khách hàng gần 6 năm, vì mất khả năng tài chính. Đến cuối năm 2016, khách hàng mua dự án là bà Trần Thị Châu Giang đã yêu cầu Toà án mở thủ tục phá sản đối với PVCLand do dự án chậm trễ quá lâu trong khi người mua đã đóng tiền đầy đủ.

Dự án PetroVietnam Landmark là khu tổ hợp cao ốc – thương mại – dịch vụ với tổng diện tích hơn 19.00 m2. Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2010 với tổng vốn đầu tư hơn 1000 tỷ đồng. Sau thời gian dài “trùm mền” do chủ đầu tư thiếu vốn. Đến cuối năm 2016, dự án tái khởi động và dự kiến hoàn thành vào quý 2/2017. Tuy nhiên, dự án này trong nhiều năm qua dính nhiều "tai tiếng" khi khách hàng nhiều lần căng băng rôn phản đối chủ đầu tư, cầu cứu đến Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng.

Trước đó, Dân trí cũng từng thông tin về việc hàng trăm khách hàng có nguy cơ trắng tay khi Dự án Petro Landmark bị Chi cục Thi hành án dân sự quận 2 ban hành quyết định số 66/QĐ đình chỉ vì chủ đầu tư đã mang tài sản đi thuế chấp.

Trong quyết định số 66/QĐ nêu rõ “tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của Công ty cổ phần bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land) tại dự án cao ốc - thương mại - dịch vụ PetroVietnam Landmark tại tiểu khu số 7, khu đô thị phát triển An Phú, Q.2, TPHCM”.

Quyết định của Chi cục THADS quận 2 cho biết sẽ “phong tỏa” hơn 15.000m2. Trong đó có 4.708,5 m2 đất ở, gần 3.500 m2 đất công trình công cộng, có kinh doanh và 6.165,28m2 đất công viên cây xanh, mặt nước, giao thông sân bãi. Riêng diện tích đất đã thế chấp cho Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Chi nhánh TPHCM thì không tạm dừng.

Trao đổi với Dân trí tối qua (1/3), một lãnh đạo của Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí (PVC), Công ty mẹ của PVCLand cho biết, PVCLand phá sản là việc mà PVC đã thấy từ trước do công nợ của công ty này quá lớn mà các chủ nợ đã nhiều năm kiện tụng, đòi đưa ra toà phán quyết phá sản để xiết nợ.

Việc dự án này bị đình chỉ khiến khách hàng mua dự án đối diện với nguy cơ “trắng tay”.

Công Quang