Nếu EVFTA thất bại: “Tiệc người khác ăn, nợ Việt Nam phải gánh!”

(Dân trí) - “Việt Nam bắt đầu cuộc đua chứ không phải là bắt đầu bữa tiệc. Nếu không thành công, Việt Nam có thể ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình và khi đó tiệc thì người khác ăn còn nợ chúng ta phải gánh”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn TPHCM - cho biết như vậy trong phiên thảo luận chiều nay (20/5) về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU) và các nước thành viên EU (EVIPA).

Cuộc đua, không phải bữa tiệc!

Ông Trương Trọng Nghĩa bày tỏ sự trân trọng với nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan đã làm việc rất nhiều, rất chuyên nghiệp trong 10 năm qua để đạt được thoả thuận với EU về hiệp định này. HIệp định này EU đã phê chuẩn trước, thể hiện niềm tin của EU đối với nhà nước ta. Hai hiệp định này tạo ra thời cơ vàng để Việt Nam vươn lên ra nhập đội ngũ các quốc gia phát triển trong vài thập kỷ tới.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn TPHCM cho rằng muốn trở thành một nước phát triển có hai vấn đề lớn mà tôi tin rằng hai hiệp định này sẽ giúp chúng ta vượt qua: Thứ nhất, phải có những bước phát triển nhất định trong công nghiệp 4.0, trong nền kinh tế số và trí tuệ nhân tạo. Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam phải có đủ năng lực để đối phó với các nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống như đại dịch toàn cầu Covid-19 đang diễn ra.

Nếu EVFTA thất bại: “Tiệc người khác ăn, nợ Việt Nam phải gánh!” - 1
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - đoàn TPHCM

“Với 27 nước EU bao gồm những quốc gia đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư, công nghệ, pháp luật, quản lý nhà nước… Chúng ta sẽ có cơ hội nâng tầm của mình ở những lĩnh vực này. Điểm nổi bật là không được phụ thuộc quá nhiều vào 1 quốc gia nào ở bất cứ lĩnh vực nào. Trận đại dịch hiện nay buộc chúng ta phải thay đổi phương thức hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội về mọi mặt.” - ông Nghĩa nói và cho rằng hai Hiệp định này tạo điều kiện cho chúng ta đa phương, đa dạng hoá, tối ưu hoá quan hệ thương mại, đầu tư với thế giới trong điều kiện toàn cầu hoá…

Đại biểu đoàn TPHCM cho rằng, thời cơ đang đến, nhưng có tận dụng, phát huy biến thời cơ thành hiện thực được không thì lại là vấn đề. Kinh nghiệm hội nhập 20 năm qua cho thấy chúng ta có những ưu điểm nhưng cũng có những điểm yếu trong việc biến thời cơ thành hiện thực.

Ông Nghĩa đề nghị Chính phủ có chiến lược, kế hoạch cụ thể để toàn xã hội, toàn nền kinh tế, toàn bộ hệ thống chính trị phải nỗ lực phấn đấu, triển khai nhất là các cam kết và những thời hạn cụ thể. Nội dung hai hiệp định là những cam kết giữa các nhà nước với nhau, nghĩa là những vi phạm có thể bị chế tài, thậm chí là trừng phạt theo thoả thuận trong Hiệp định.

“Chúng ta bắt đầu cuộc đua chứ không phải là bắt đầu bữa tiệc. Nếu không thành công, chúng ta vẫn có thể tụt hậu. Chúng ta có thể ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình và khi đó, với hai hiệp định này, tiệc thì người khác ăn còn nợ thì chúng ta phải gánh” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Con đường cao tốc Việt Nam - EU

Trong phiên thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc - đoàn Thái Bình - cho biết, Hiệp định EVFTA có giá trị lớn hơn tất cả các Hiệp định khác. Việc phê chuẩn trong bối cảnh Covid-19 sẽ tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam, giúp đẩy mạnh xuất khẩu, khai thông, đẩy mạnh Hiệp định thương mại tự do và điều kiện tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu cao hơn, chất lượng hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân.

Nếu EVFTA thất bại: “Tiệc người khác ăn, nợ Việt Nam phải gánh!” - 2

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết tháng 6/2019

“Đây như một con đường cao tốc từ Việt Nam nối tới EU, con đường hội nhập với EU. Thương mại Việt Nam - EU giúp chúng ta có những cơ hội để hiện thực hóa các kỳ vọng bứt phá của thời kỳ sau dịch Covid-19, Việc Quốc hội chính thức bấm nút thông qua Hiệp định giống như bấm nút thông xe tuyến cao tốc, nhưng bấm nút thông xe là chỉ tạo 1 lối đi thôi và nếu chỉ như vậ thì vẫn chưa đi được, cần phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đường gom, quy định đảm bảo an toàn... thì xe mới có thể chạy được và tuyến đường cao tốc được khai thác tốt nhất” - ông Vũ Tiến Lộc nói.

Để tránh những vướng mắc như với Hiệp định CPTPP đã được thông qua và không đạt được hiệu quả, ông Lộc đề nghị với EVFTA phải xem xét hoàn thiện hệ thống luật.

“Không chỉ riêng con đường cao tốc Việt Nam - EU mà còn con đường thể chế của Việt Nam cũng phải hoàn thiện để con đường này được khai thác đạt chất lượng cao” - ông Lộc nói và cho biết cần ban hành các chính sách và các chương trình “yểm trợ” cho doanh nghiệp Việt Nam tới thị trường lớn và chất lượng như châu Âu.

Đại biểu đoàn Thái Bình cũng nhấn mạnh rằng, con đường cao tốc mở ra với EVFTA không phải con đường miễn phí mà phải trả phí, phải nâng cấp toàn diện để tận dụng được tốt nhất cơ hội trên con đường này.

Cũng trong phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội - đánh giá Hiệp định sẽ tạo chuỗi cung ứng khép kín cho các ngành hàng nông sản, thủy sản, may mặc của Việt Nam.

“Để vào được thị trường châu Âu thì hàng hóa Việt Nam đòi hỏi rất cao về chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh vì thị trường này khó tính. Đây vừa là cơ hội, vừa là sức ép đối với Việt Nam” - ông Cường cho biết.

EVFTA được khởi động từ năm 2012 khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký hiệp định đối tác toàn diện, là khung hợp tác quan trọng về chính trị, đối ngoại.

Đến tháng 6/20219, Việt Nam và EU hoàn tất việc ký kết Hiệp định. Đây là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích.

Châu Như Quỳnh