Hậu Formosa: "Hãy ngừng gọi vốn vào lọc dầu, thép và xi măng"
(Dân trí) - Theo GS Nguyễn Mại, những hệ lụy của Formosa đối với môi trường miền Trung Việt Nam đã được cảnh báo trước bởi công nghệ thép lò cao lạc hậu, trong khi đó việc dừng dự án “bánh vẽ” lọc dầu Nhơn Hội hơn 20 tỷ USD là bài học lớn về việc quy hoạch dự án, chiến lược phát triển của Việt Nam.
Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE), hệ quả của hai dự án trên là lời cảnh báo cho Việt Nam cần ngừng ngay gọi vốn vào các dự án xi măng, thép và lọc hóa dầu, đồng thời các cơ quan liên quan cần xem lại và đánh giá toàn diện các dự án trong lĩnh vực trên.
Ông Mại cho rằng, những vấn đề của các dự án đầu tư nước ngoài đang gây nhiều hệ lụy và dư luận, do đó cần có cái nhìn đúng để có cách xử lý vấn đề chính xác. Trong vài năm trước người ta đã nói đến việc cần phải cơ cấu lại danh mục đầu tư các dự án trọng điểm, đánh giá tác động của nó. Tuy nhiên, quyết tâm này mới chỉ “gạn” được các dự án nhỏ, lẻ, còn các dự án lớn, có tính phức tạp lại không lường trước được.
Ông Mại dẫn chứng, trong ngành công nghiệp xi măng, chúng ta có chủ trương hạn chế đầu tư mới các nhà máy nhỏ chỉ khi được cảnh báo xi măng ô nhiễm môi trường, sản xuất trong nước dư thừa không thể xuất khẩu. Còn đối với các dự án sản xuất phôi thép, cán thép, một thời ồ ạt các nhà máy mọc lên, tư nhân có, liên doanh và cả 100% vốn nước ngoài cũng có. Tuy nhiên, sự ồ ạt cấp phép dự án do tỉnh phê duyệt, sử dụng công nghệ lò cao – công nghệ cũ rất ô nhiễm môi trường… đã khiến nhiều doanh nghiệp thép ngừng hoạt động, phá sản do chi phí sản xuất quá cao, không cạnh tranh với phôi và sắt thép của Trung Quốc.
Theo ông Mại, không chỉ một mình dự án sắt thép của Formosa đang gây ô nhiễm mà các dự án sắt thép hiện nay cũng cần được đưa vào tầm ngắm vì đa số sử dụng công nghệ lò cao, một công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, là nỗi sợ của nhiều nước sản xuất thép trên thế giới.
“Các cường quốc sản xuất sắt thép như Trung Quốc, Mỹ đang rất khổ sở vì sự phá hủy môi trường nghiêm trọng của các nhà máy sắt thép. Nhất là Trung Quốc, với năng lực sản xuất toàn ngành đạt hơn 800 triệu tấn/năm, công nghệ lò cao đã và đang tàn phá hết sức nghiêm trọng môi trường của nước này. Trong khi đó, các nhà máy sắt thép trong nước đã phần nào đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí khi mua sắt thép nước ngoài còn rẻ hơn mặt hàng trong nước sản xuất. Do đó, không cần thiết có những dự án sắt thép mới quy mô lớn, kiểu như Formosa thêm trong thời gian tới”, ông Mại khuyến cáo.
Trước năm 2010, có thực tế là hàng loạt địa phương, đặc biệt các tỉnh ven biển mở khu công nghiệp, khu chế xuất. Điều đáng nói, các khu này có lợi thế tương đồng, do đó để cạnh tranh nguồn lực, các địa phương đưa ra nhiều chính sách phá rào, xé rào để thu hút dự án vào tỉnh mình, điều này thấy rõ ở hàng loạt dự án sắt thép được cấp trong thời gian từ năm 2005 – 2012 khi Luật Doanh nghiệp vừa được ra đời.
Sau đó năm 2013 một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng chuyên gia cảnh báo tình trạng nhiều dự án FDI quy mô vốn chỉ mấy chục triệu USD nhưng chiếm dụng đất. Vì vậy, chỉ những dự án có số vốn lớn, hiệu quả mới được chấp nhận, cấp phép đầu tư.
Tuy nhiên, sự cố Formosa gây ô nhiễm môi trường, bánh vẽ dự án lọc dầu hơn 20 tỷ USD tại Bình Định một lần nữa cho thấy, việc sàng lọc dự án, quy hoạch dự án đầu tư nước ngoài cần đánh giá lại, nhìn nhận lại.
Ông Mại cho biết: “Bản thân dự án Formosa ngay khi được cấp phép cũng là quá tham vọng, bởi chủ đầu tư định đầu tư nhà máy thép 20 triệu tấn (tương đương 20 tỷ USD). Nhưng sau nhiều tư vấn thì chúng ta chỉ cho phép họ đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10 triệu tấn. Đến nay, sau khi Formosa gây hậu quả, chúng ta phải xem lại giai đoạn 2 của chủ đầu tư này, khi dự định đầu tư nhà máy lọc dầu cũng nằm trong khi liên hợp nói trên”.
“Về lọc hóa dầu, chúng ta đã có quy hoạch các nhà máy lọc hóa dầu công suất từ 55 - 60 triệu tấn sau Dung Quốc, Nghi Sơn, Vũng Rô... Trữ lượng dầu thô của chúng ta khai thác mỗi năm chỉ đạt 10 – 15 triệu tấn. Để duy trì hoạt động của các nhà máy lọc dầu trong tương lai, chúng ta buộc phải nhập dầu thô về, xuất khẩu dầu tinh, trong khi giá trị gia tăng chỉ tăng10%. Trong bối cảnh giá dầu thế giới thấp như hiện nay, rất khó để tính toán lợi ích đầu tư”, ông Mại nhận định.
Bên cạnh đó, ông Mại cũng nhấn mạnh rằng: “Lọc dầu là công nghiệp hóa chất có khả năng gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng nhiều lao động, thu ngân sách của địa phương cũng không nhiều, giá trị gia tăng của Việt Nam so với thế giới ít do Việt Nam không chủ động được về công nghệ, nguồn hàng xuất. Việc các dự án bánh vẽ như Lọc dầu Nhơn Hội với số vốn rất lớn sẽ khiến cho quy hoạch ngành và địa phương ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng ta cần xem xét lại chủ trương phát triển ngành, lĩnh vực này”.
Ngoài sắt thép, lọc hóa dầu, vị chuyên gia về đầu tư nước ngoài cũng khuyến cáo Việt Nam không nên nhận thêm các nhà máy sản xuất xi măng, kiểm soát chặt về chất lượng đầu tư và công nghệ của các dự án dệt may (đặc biệt là nhuộm) vì có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Do đó, theo GS Nguyễn Mại, Việt Nam cần ngừng kêu gọi các dự án vào sản xuất xi măng bởi hiện nay năng lực sản xuất đã dư thừa so với năng lực tiêu thụ của thị trường, trong khi đó không ai xuất khẩu xi măng cả, vì giá trị thấp, là xuất khẩu tài nguyên. Để sản xuất xi măng, mỗi năm cần khai thác hàng chục triệu tấn đá vôi. Như vậy, nếu cứ mở rộng, Việt Nam sẽ không còn những dãy đá vôi như ở Ninh Bình, Kiên Giang nữa.
“Tôi đã vào Kiên Giang, hàng chục km2 của địa phương này đang ô nhiễm tiếng ồn, bụi bởi ngành khai thác đá vôi và sản xuất xi măng thủ công. Chúng ta tăng trưởng nhưng mất quá nhiều đa dạng sinh học, trong khi sản xuất xi măng dư thừa không thể xuất khẩu được”, ông Mại lo ngại.
Nguyễn Tuyền