Mỹ tiếp tục "liệt" Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ

Hương Vũ

(Dân trí) - Công bố báo cáo ngoại hối cuối cùng gửi Quốc hội trước khi chính quyền Trump rời nhiệm sở, Bộ Tài chính Mỹ cho biết vẫn giữ Trung Quốc trong danh sách theo dõi các nước có khả năng thao túng tiền tệ.

Mỹ tiếp tục liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ - 1

Trung Quốc là đối tác thương mại duy nhất của Mỹ bị "gắn mác" thao túng tiền tệ vào năm 1994 và năm 2019. Ảnh: SCMP

Vào tháng 1 năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã xóa tên Trung Quốc khỏi danh sách thao túng tiền tệ mà nước này áp đặt vào năm ngoái nhằm giảm căng thẳng trước khi ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn I.

Đáp lại, Trung Quốc hứa sẽ không thao túng tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong báo cáo ngoại hối bán niên trên, sự tăng giá mạnh của đồng Nhân dân tệ so với đồng USD kể từ tháng 5 đã gây khó khăn cho giới chức Mỹ trong việc lập luận rằng Trung Quốc đang gây ảnh hưởng "không công bằng" đến đồng bạc xanh.

Tuy nhiên, việc thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ quá lớn là nguyên nhân chính khiến cho Mỹ tiếp tục liệt Trung Quốc vào danh sách theo dõi này.

"Sự gia tăng gần đây trong thặng dư thương mại của Trung Quốc có thể sẽ gây khó khăn và đè nặng lên sự cân bằng của toàn cầu", theo báo cáo được Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 16/12.

"Khi con đường phục hồi kinh tế toàn cầu đang dần ổn định, điều quan trọng là phải áp dụng các chính sách cho phép rút ngắn khoảng cách giữa mất cân bằng thặng dư và thâm hụt", báo cáo cho biết.

Về nguyên tắc, các đối tác thương mại của Mỹ nhìn chung sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi một khi thỏa mãn hai trong ba tiêu chí. Tuy nhiên, dù Trung Quốc chỉ thỏa mãn một tiêu chí nhưng vẫn có tên trong danh sách vì, Bộ Tài chính cho biết, mức thặng dư thương mại song phương chạm mốc 20 tỷ USD là quá lớn.

Bất chấp giá trị của đồng Nhân dân tệ tăng đột biến - có xu hướng khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc kém cạnh tranh hơn ở Mỹ - thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng lên đột biến do nhu cầu mạnh mẽ đối với vật tư y tế, thuốc men và đồ điện tử tiêu dùng trong đại dịch Covid-19.

Mỹ tiếp tục liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ - 2

Khi còn là ứng cử viên tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Donald Trump từng tuyên bố sẽ gắn mắc "thao túng tiền tệ" lên Trung Quốc ngay trong "ngày đầu tiên" tại nhiệm một khi ông đắc cử. Ảnh: Getty

Mặc dù thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc dưới 3% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, thặng dư của họ tính theo USD, đạt 157 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020.

Theo số liệu hải quan Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ghi nhận thặng dư thương mại 287 tỷ USD chỉ trong 11 tháng đầu năm, tăng so với mức 272 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo, Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng, Trung Quốc rất hạn chế và minh bạch trong việc cung cấp các đặc điểm chính của cơ chế tỷ giá hối đoái, bao gồm các mục tiêu chính sách; mối quan hệ giữa ngân hàng trung ương và hoạt động ngoại hối của các ngân hàng quốc doanh; và các hoạt động của nước này trên thị trường Nhân dân tệ ở nước ngoài.

Hơn nữa, việc Trung Quốc không công bố dữ liệu can thiệp ngoại hối đã buộc các nhân viên của Bộ Tài chính Mỹ phải ước tính quy mô của nó.

Bộ Tài chính Mỹ nhận định rằng, do nguồn vốn đầu tư và thương mại đáng kể của Trung Quốc trong quý II năm 2020, kết hợp với việc thiếu tích lũy dự trữ ngoại hối chính thức cùng với sự ổn định tương đối của đồng Nhân dân tệ trong thời gian này đã làm gia tăng lo ngại về việc thao túng tiền tệ.

Steve Englander - Trưởng bộ phận nghiên cứu tiền tệ G10 toàn cầu và chiến lược vĩ mô Bắc Mỹ tại Standard - cho biết, mục tiêu của việc chỉ định một số quốc gia thao túng tiền tệ đóng vai trò là đòn bẩy của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại và mở ra cánh cửa cho Bộ Thương mại Mỹ sử dụng thuế đối kháng.

Ngoài Trung Quốc, có 9 quốc gia khác đã bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ vào danh sách theo dõi (Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ là ba sự bổ sung mới).