Áp giá trần dầu Nga ảnh hưởng ra sao đến giá dầu thế giới?

Nhật Linh

(Dân trí) - Việc áp giá trần đối dầu Nga có thể làm giảm giá dầu trên toàn cầu trong dài hạn, nhưng nó vẫn sẽ tiếp tục biến động mạnh trong những tháng tới.

Mặc dù giá dầu đã giảm về mức như trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nhưng dầu thô vẫn biến động do những yếu tố nền tảng của thị trường. Mới đây, các nhà lãnh đạo nhóm G7 gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Italy và Canada đã đề xuất áp giá trần đối với dầu thô của Nga nhằm làm giảm nguồn thu từ dầu của nước này. Tuy nhiên, với việc nguồn cung ngoài OPEC đang giảm xuống và cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, giá dầu sẽ tiếp tục biến động.

Áp giá trần dầu Nga ảnh hưởng ra sao đến giá dầu thế giới? - 1

Việc G7 áp giá trần đối với dầu thô Nga có thể đưa giá dầu xuống mức 40-60 USD/thùng (Ảnh: Reuters).

Mục tiêu của G7 khi đề xuất đặt giới hạn đối với dầu Nga, dự kiến đưa về mức giá khoảng 40-60 USD/thùng, nhằm cắt giảm khả năng của Nga trong việc tài trợ cho các hoạt động quân sự tại Ukraine. Biện pháp chưa từng có tiền lệ này, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12 tới, sẽ làm giảm nguồn thu từ dầu của Nga mà không làm giảm xuất khẩu của nước này ra thị trường toàn cầu.

Nhóm này cũng muốn Ấn Độ và Trung Quốc thực hiện, nhưng The Economic Times cho rằng, điều này rất khó xảy ra bởi hai nước này vẫn đang tranh thủ mua dầu Nga chiết khấu cao. Thực tế, sau lệnh cấm vận dầu Nga của phương Tây, Nga vẫn duy trì nguồn thu từ dầu mỏ bằng cách tăng lượng bán cho Ấn Độ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, The Economic Times cho rằng việc áp giá trần đối với dầu Nga có thể làm giảm giá dầu trên toàn cầu trong dài hạn, nhưng nó vẫn sẽ tiếp tục biến động mạnh trong những tháng tới.

Về phía Nga, nước này tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp trả đối với những nước thực thi giới hạn giá đối với dầu Nga. Họ có thể ngừng chuyển các lô hàng dầu đến các nước đó hoặc sử dụng một số cách sáng tạo để trừng phạt các nước tham gia.

Trong khi đó, theo báo cáo hàng tháng mới nhất của OPEC, các nhà sản xuất dầu dự báo nhu cầu về dầu sẽ tăng mạnh trong năm nay và năm sau khi những dấu hiệu phục hồi vượt dự báo ở các nền kinh tế lớn bất chấp lạm phát tăng vọt. Giá năng lượng cao cùng với các biện pháp hạn chế Covid-19 ở Trung Quốc đã làm giảm lượng tiêu thụ dầu toàn cầu trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lại cho rằng giá dầu thô sẽ thấp hơn trong quý IV năm nay. Cơ quan này dự báo nhu cầu dầu sẽ sụt giảm do kinh tế đang suy thoái và nhu cầu khiêm tốn ở Trung Quốc.

Trong khi đó, các nước OPEC+, bao gồm Nga, đã tăng sản lượng dầu kể từ đầu năm nay. Trước đó, các nhà sản xuất dầu đã giảm sản lượng xuống mức kỷ lục khi đại dịch làm giảm nhu cầu về dầu.

Liên minh châu Âu (EU) đang vật lộn để kiểm soát cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi Nga đóng cửa đường ống dẫn khí đốt chính sang châu Âu (Nord Stream 1) nhằm ép lục địa này dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Giá khí đốt cao đã thúc đẩy các nước châu Âu chuyển sang sử dụng dầu để sưởi ấm.

Hồi tháng 3, giá dầu đã lập kỷ lục cao nhất trong 14 năm khi đạt mốc 130 USD/thùng khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đe dọa cấm vận dầu Nga của phương Tây đã làm rung động thị trường năng lượng toàn cầu bởi Nga đóng vai trò rất lớn trong thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, giá dầu đã giảm xuống khi Nga bắt đầu tăng dần sản lượng bất chấp lệnh trừng phạt.

Theo The Economic Times, trong thời gian tới, giá dầu sẽ tiếp tục biến động, có thể trong khoảng 122-66 USD/thùng. Và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, mức sản lượng của Mỹ và OPEC+ vẫn sẽ là những yếu tố tác động chính. Tuy nhiên, các nhà giao dịch có thể sẽ thận trọng hơn do những yếu tố nền tảng khó dự đoán.

Hiện giá dầu giao ngay trên trang OilPrice đang ở mức 85,8 USD/thùng đối với dầu WTI của Mỹ và 92,16 USD/thùng đối với dầu Brent. Cả hai đều tăng nhẹ so với chốt phiên ngày hôm qua.

Theo The Economic Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm