Mùa xe "đứt gãy" vì tháng cô hồn?
(Dân trí) - Trong khi xu thế tiêu dùng xe tăng mạnh vào thời điểm tháng 5, 6 và 7, đến tháng 8, nhiều đại lý xe hơi cho biết họ đã chuẩn bị tâm lý sẽ phải "ngồi chơi" ít nhất hết 15 ngày đầu tháng 8 (tức là qua rằm tháng 7) để qua tháng cô hồn, khách mua xe mới có thể quay trở lại được.
Còn với các doanh nghiệp lớn, hãng nhập khẩu, khái niệm tháng cô hồn dường không có tác động nhiều, việc nhập khẩu vẫn diễn ra bình thường để chuẩn bị cho nhu cầu xe trong các tháng cuối năm.
Điều này đồng nghĩa các xe của người tiêu dùng mua từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ được nhập về trong tháng cô hồn.
Một đại lý xe hơi tại phố Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay, người tiêu dùng vẫn mặc định không mua đồ có giá trị lớn trong tháng cô hồn, tháng ngâu để tránh đen. Tuy nhiên, cũng có khác hàng không bận tâm và vẫn đặt xe trong tháng cô hồn.
Lý do được người bán hàng lý giải là nếu mua xe trong tháng cô hồn, khách đều được hãng chiết khấu thêm, giao xe nhanh hơn, làm thủ tục cũng dễ dàng... điều này cũng giúp hãng, đại lý tránh tụt giảm doanh số.
Tuy nhiên, cũng có đại lý thừa nhận "doanh số" lao dốc nhanh trong tháng cô hồn. "Càng người có tiền, doanh nghiệp lại có tâm lý mê tín, sợ mua nhà, giao xe trong tháng cô hồn, nhất là với xe hơi, phương tiện di chuyển hàng ngày và có rủi ro không lường trước được. Tuy nhiên, không hẳn là tất cả, vẫn có những người không quan tâm về điều này, họ vẫn sẵn sàng chi tiền mua xe vì lợi thế giao xe tháng này nhanh hơn, đăng ký cũng nhanh chóng. Quan trọng nhất là phục vụ công việc và hiệu quả", anh Mạnh, một người bán xe hơi cho biết.
Ở thị trường khác là xe cũ, tháng cô hồn thường rất ít đại lý phát sinh doanh số bán ra, chủ yếu mua vào xe là chính. "Phải giảm nhiều mới có thể đẩy được xe trong tháng cô hồn, nếu không sẽ cực khó. Khách đến bên tôi chủ yếu đặt câu hỏi vì sao xe giảm sâu và nếu quyết định mua trong tháng cô hồn, họ sẽ đòi phải giảm thêm. Đặc biệt hầu hết người đặt mua, cam kết mua ở mức giá trong tháng cô hồn nhưng yêu cầu qua tháng mới giao xe để tránh xui", ông Việt, chủ showroom xe cũ trên phố Nguyễn Văn Huyên, Q. Cầu Giấy cho biết.
Trên thực tế, ở tháng 7 âm lịch, xu hướng giảm giá xe hơi không nhiều nhưng cũng được nhiều hãng, đại lý tận dụng nhằm gia tăng doanh số trong các tháng tiếp theo.
Một môi giới bán xe ở showroom Thaco trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội cho hay: Tháng này, các hãng, đại lý giảm giá chủ yếu vào mẫu xe có doanh số thấp từ vài chục triệu đồng/chiếc; khách mua ký hợp đồng cho tháng sau nhưng chưa giao tiền đợi qua tháng "Ngâu".
"Trong tháng Ngâu, nếu khách mua xe có thể được giảm giá hàng chục triệu đồng, vừa được xe, vừa được giá. Hãng thì tận dụng tâm lý này để "chiều khách hàng" để có doanh số tốt, cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường", môi giới bán xe cho biết.
Tuy nhiên, không phải các hãng xe đều giảm giá trong tháng này bởi tâm lý tiêu dùng khiến cầu hàng hóa giảm mạnh, đồng nghĩa với khuyến mại, chiết khấu giá xe sẽ thất bại.
Trong ba tháng gần đây 5, 6 và tháng 7, doanh số tiêu thụ tại thị trường xe hơi Việt Nam tăng khá mạnh. Tuy nhiên, cả các hãng xe, đại lý và người môi giới đều thừa nhận trong tháng 8 dương (tháng 7 âm), chắc chắn doanh số các hãng đều giảm đi, đây là quy luật thị trường.
Dù chưa ai chứng minh được việc mua bán những thứ đắt tiền trong tháng cô hồn như nhà cửa, xe cộ là đen, xui, song tâm lý người dân đều có chung là tránh mua những đồ giá trị lớn, điều này cũng khiến doanh số thực tế trên thị trường những năm trước giảm khá mạnh, nhiều hãng không có ý định hoặc phải tạm ngừng ra mắt mẫu xe mới trong thời điểm này.
An Linh