Mùa Vu Lan, các nhà hàng đồ ăn chay tấp nập đón khách
(Dân trí) - Mùa Vu Lan, nhiều người có ý định ăn chay cho cuộc sống thanh tịnh, bớt sầu lo và tưởng nhớ người đã khuất. Nắm bắt được tâm lý này, rất nhiều hàng quán chuyên bán đồ ăn chay đã chuẩn bị kỹ càng nhiều thực đơn, đồng thời đưa ra nhiều món ăn nhằm thu hút lượng khách tăng cục bộ so với ngày thường.
Theo chị Phạm Thu Hương (chủ nhà hàng chay trên phố Ngọc Khánh, Ba Đình) cho biết: Nếu như trước đây khách ăn chay chỉ vài người theo đạo Phật, người hay đi chùa ăn kiêng ngày rằm, mồng 1 thì nay đối tượng những người ăn chay được mở rộng hơn. Quán chay mở cả tuần và người ăn chay cũng ăn bất cứ lúc nào họ muốn. Giá đồ ăn chay dù phải chế biến cầu kỳ, lâu nhưng đều rẻ hơn so với đồ mặn.
Theo chủ một quán chay có tiếng tại Phủ Tây Hồ, cứ mồng 1 và ngày rằm, quán rất đông khách, ngoài khách đặt lễ ở đền - chùa, còn có khách quen đặt cho gia đình ăn ngày rằm. "Cơm suất 7 món, 9 món thường có giá từ 35 - 45.000 đồng/suất ngày thường. Còn nếu chế theo mâm 6 người ăn, khoảng 700.000 đồng/mâm chay, dù phải làm nhiều công phu hơn, công đoạn hơn nhưng mức giá rẻ hơn so với giá mâm mặn ngoài thị trường. Tuy nhiên, những dịp ngày lễ, tết, do có quá nhiều khách nên thường các quán chay tăng giá khoảng 30% mỗi suất ăn và mâm chay", chủ quán trên cho hay.
Do xu hướng ăn chay ngày càng nhiều nên không chỉ các bếp ăn chay ở chùa đông khách, các cửa hàng, nhà hàng bán đồ chay tại Hà Nội cũng được mở ra rất nhiều ở các quận nội thành. Ngoài món chay Việt, nhiều quán còn có món chay theo kiểu Nhật, Hàn, Trung Quốc và Thái Lan, thậm chí có cả Buffet chay các món.
Chị Thu Hương cho hay: "Làm món chay cũng rất cầu kỳ, để làm được giò, chả, hay nem lụi y như thật, không chỉ cách chọn nguyên liệu mà còn cách pha trộn gia vị, màu và bột khá kỳ công. Những món ăn tưởng chỉ có thịt, cá mới tạo nên được hương vị thì ở những món chay người ăn nem lụi chay, chả hay giò chay cũng dai, cũng ngon không kém gì hương vị của các loại thịt ăn thường ngày".
Theo chị Hương, nhiều người cho rằng, người người đổ xô đi ăn chay là vì lo sợ thực phẩm như thịt, cá hay gia cầm có chất bảo quản, có chất kích thích. Nhưng không phải vậy, khách đến với món chay vì thực phẩm này được chế biến cầu kỳ, ngon, hướng thiện và tốt cho sức khỏe.
Tại nhà hàng đồ ăn chay có tiếng trên phố Nguyễn Khuyến, Đống Đa, theo chủ quán từ đầu tháng 7 âm lịch đã có lượng khách rất đông đảo, khách ăn chay lẻ 1 mâm thường là dân công sở trẻ tuổi, phụ nữ vì vừa thích thưởng thức vừa ăn theo thói quen. Còn nếu những người muốn tận hưởng không khí thư thái thường đặt cơm về nhà để tránh xô bồ, huyên náo của nhịp sống đời thường.
Chủ quán cho hay, xu hướng ăn chay đang thịnh hành. Ngày bình thường quán cũng cung ứng ra ngoài thị trường khoảng 40 mâm tiệc, 20 mâm cúng tại gia đình và rất nhiều mâm lẻ, suất đơn thực khách ăn tại nhà hàng. Còn mùa Vu Lan số lượng khách đặt mâm có thể lên đến hàng trăm mâm từ các chùa chiền, gia đình.... Lượng khách lẻ đặt trong mùa Vu Lan cũng tăng mạnh so với các tháng trước. Giá mâm chay gói gọn từ 600.000 đến 1,2 triệu đồng/mâm, tùy theo món lựa chọn.
Được biết, ngoài nhu cầu mâm chay để thờ cúng tại chùa chiền tháng 7 âm, những tháng được lễ cưới, hỏi khá nhiều tiệc cưới, hỏi ở những gia đình theo đạo Phật cũng tổ chức ăn chay tại chùa hay nhà riêng, do đó đây là thị trường tốt cho các nhà hàng chay đón khách.
Theo chị Vũ Bích Hạnh (Yên Hòa, Cầu Giấy), một thực khách thường xuyên ăn chay cho biết: "Cứ đều đặn tuần 2 lần, tôi và gia đình đi ăn chay, mọi người trong nhà, cả kể các con cũng rất thích hương vị của các món chay. Hiện xuất hiện xu hướng dân văn phòng đi ăn chay khá nhiều, không phải họ tín mà bởi các món chay rất ngon, đa dạng và an toàn. Nhiều món chay bây giờ chế biến rất kỳ công, khá đa dạng để chọn lựa lại rất ngon và được chế biến theo hình thức không khác gì món mặn".
Nguyễn Tuyền