1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mua ô tô nhập trước Tết, mất hàng chục triệu sắm phụ kiện

Thị trường ô tô nhập khẩu đang bước vào một đợt khủng hoảng khi các mẫu xe nhập khẩu gần như vắng bóng.

Thị trường ô tô nhập khẩu đang bước vào một đợt khủng hoảng khi các mẫu xe nhập khẩu gần như vắng bóng trên thị trường. Tình trạng khan hàng đã tiếp tay cho các đại lý làm giá, ép mua phụ kiện đối với khách mua xe.


Khách xem xe Honda CR-V tại một đại lý tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh - Ảnh: Lovecar

Khách xem xe Honda CR-V tại một đại lý tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh - Ảnh: Lovecar

Khách hàng bị ép mua phụ kiện, đánh tháo thời hạn giao xe

Ngày 29/1, trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Hòa ở Cầu Giấy (Hà Nội) than thở: “Tôi đang muốn mua một chiếc xe Honda CR-V nhưng hỏi mấy đại lý đều hết hàng. Tôi như vớ được cọc khi biết một đại lý còn xe. Tuy nhiên, khi đến nơi nhân viên đại lý này đưa ra điều kiện phải mua một gói phụ kiện đi kèm trị giá 60 triệu đồng. Nản quá nên đành phải hoãn kế hoạch mua xe đưa vợ con đi chơi Tết”.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 1/2018, cả nước chỉ nhập khẩu 60 ô tô nguyên chiếc các loại. Trong đó, xe 9 chỗ ngồi trở xuống chỉ có 6 chiếc. Theo nhận định, 6 chiếc ô tô con này không phải xe thương mại, có thể nhập theo diện quà biếu tặng hoặc phi mậu dịch theo diện xe ngoại giao hay tài sản di chuyển.

Trao đổi về việc xe CR-V đang bị “làm giá”, đại diện một showroom Honda cho biết: “Mỗi showroom chỉ được cung cấp một lượng xe rất hạn chế buộc đại lý phải điều chỉnh giá bán để đảm bảo quyền lợi của đại lý. Nếu như nguồn cung xe nhiều như xe lắp ráp thì giá xe sẽ giảm thôi”.

Thực tế cho thấy, tình trạng khan hàng đang được các đại lý tận dụng để “móc túi” thượng đế của mình. Nhiều đại lý yêu cầu khách hàng phải chi thêm tiền hoặc mua thêm các bộ phụ kiện với giá trên trời. Theo một bảng báo giá phụ kiện Honda CR-V 2018 mà phóng viên được một khách hàng cung cấp, giá bán một số loại phụ kiện cao bất thường so với giá thị trường như: Viền che mưa có giá tới 5,307 triệu đồng, đèn sàn xe có giá 4,711 triệu đồng hay phủ Nano thân vỏ có giá gần 9 triệu đồng... Nhận định về mức giá trên, chủ một cơ sở chuyên kinh doanh phụ kiện, đồ chơi ô tô tại Hà Nội cho biết, tại cơ sở của anh, một bộ viền che mưa cho Honda CR-V 2018 xuất xứ Trung Quốc, vào thời điểm cao nhất cũng chỉ có giá khoảng 400 nghìn đồng, hay đèn sàn xe lắp thêm có giá chỉ khoảng 1 triệu đồng…

Nhiều khách hàng cho biết, nếu không lấy thêm phụ kiện theo yêu cầu của đại lý sẽ không được mua những mẫu xe nhập khẩu khan hàng hiện nay như: Ford Explorer, Honda CR-V và trước đó là Toyota Fortuner.

Trao đổi với PV, nhân viên đại lý Toyota Long Biên cho biết, hiện tại, lượng xe Toyota Fortuner nhập khẩu tại đại lý không còn và số lượng xe trên cả nước còn rất ít. Tuy nhiên, trước đây, khi Fortuner rơi vào tình trạng khan hàng, đại lý này cũng có bán cộng thêm 50 - 70 triệu đồng tiền phụ kiện. “Khi đặt vấn đề phải mua thêm phụ kiện mới được mua xe, nhiều khách biết xe đang khan hàng, chấp nhận mua thêm nhưng cũng có những khách quyết định không mua xe nữa”. Cũng theo nhân viên này, số tiền phụ kiện khách mua thêm sẽ được ghi rõ vào trong hợp đồng mua bán xe, chia rõ thành 2 mục là giá xe và giá phụ kiện. Sau đó, riêng phụ kiện khách mua thêm sẽ được xuất hóa đơn đỏ riêng vì còn liên quan đến việc đóng thuế.

Không những yêu cầu khách hàng phải mua thêm phụ kiện, nhiều đại lý hiện nay còn liên tục hủy hợp đồng đặt cọc của khách mà không có bất cứ sự bồi thường nào.


Do chưa thể đáp ứng các thủ tục theo quy định mới nên nhiều mẫu xe nhập khẩu chưa về Việt Nam dẫn đến tình trạng khan hàng, tăng giá bán - Ảnh: Hoàng Cường

Do chưa thể đáp ứng các thủ tục theo quy định mới nên nhiều mẫu xe nhập khẩu chưa về Việt Nam dẫn đến tình trạng khan hàng, tăng giá bán - Ảnh: Hoàng Cường

Giữa năm 2018 xe nhập khẩu mới có hàng

Khi được hỏi về nguồn cung tiếp theo của những chiếc Honda CR-V, đại diện Honda Việt Nam (HVN) cho biết: “Tuy đã có thông tư hướng dẫn Nghị định 116 nhưng để đáp ứng được các giấy tờ theo quy định hãng vẫn đang cố gắng hết sức. Tuy nhiên, đến nay chưa thể biết khi nào mới nhập được xe, dự kiến sẽ phải mất từ 2-3 tháng sau khi Thông tư 03/2018 có hiệu lực (tháng 3/2018) mới có thể tiếp tục nhập khẩu xe”.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ford Việt Nam cũng cho biết: “Hiện tại, Ford Việt Nam chưa thể thông báo chính thức thời điểm các mẫu xe nhập khẩu của Ford như Ranger hay Explorer. Nhiều khả năng các mẫu xe nhập khẩu của Ford chỉ có thể xuất hiện ở nửa cuối năm 2018”. Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng ban Hoạch định chiến lược Toyota Việt Nam: “Thời gian xe nhập khẩu có thể về nước trở lại rất khó đoán”.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Thông tư 03 và Nghị định 116 ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được mua ô tô nhập khẩu với chất lượng tốt nhất. Tuy nhiên ở thời điểm này, đây lại là hàng rào khiến ô tô nhập khẩu khó có thể về nước trong thời gian tới. Tại Việt Nam hiện nay, khách hàng khi mua xe quan tâm duy nhất đến hai điều là giá cả và chất lượng xe. Về mặt giá cả, đối với xe lắp ráp trong nước hiện có chi phí lắp ráp cao hơn 20% so với xe cùng kiểu loại tại nước ngoài mà chất lượng có thể không bằng nên nhiều khách hàng có nhu cầu chuyển sang mua xe nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài, có chất lượng cao hơn. Trong khi đó, chất lượng cuộc sống ngày càng tăng cao, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tăng lên, nhu cầu mua một chiếc ô tô nhập khẩu chất lượng cao theo đó xuất hiện nhiều hơn.

Trước thực tế hiện nay, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mới đây Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã phải đưa ra khuyến cáo người dân về việc đặt cọc mua xe. Theo khuyến cáo, Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Đối với vấn đề thay đổi giá khi giao xe, cơ quan này cho biết, khi gặp những tình huống trên, người tiêu dùng thường làm theo hướng dẫn của đại lý như: Viết đơn tự nguyện rút tiền đặt cọc hoặc chấp nhận mua xe với giá cao hơn giá được quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, làm như thế là người tiêu dùng đã chấp nhận cho các đại lý xâm hại quyền lợi chính đáng của mình.

Theo quy định tại Điều 16, Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì doanh nghiệp không được phép quy định trong các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung khi giao kết với người tiêu dùng các điều khoản có nội dung: “Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ”.

Chính vì vậy, trước khi ký hợp đồng với đại lý, người tiêu dùng cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, nếu phát hiện các điều khoản với nội dung cho phép thay đổi giá tại thời điểm giao xe, người tiêu dùng có thể yêu cầu đại lý loại bỏ các điều khoản này ra khỏi hợp đồng.

Theo Thanh Tùng - Hoàng Cường
Báo Giao thông

Mua ô tô nhập trước Tết, mất hàng chục triệu sắm phụ kiện - 3