“Mua máy khử độc Ozone làm gì cho tốn tiền”

Đó là lời phát biểu thẳng thắn của ông Nguyễn Hồng Anh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội.

Chiều 30/7, tại tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho hay, mưa liên tiếp kéo dài nhiều ngày qua đã khiến việc sản xuất rau xanh của nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội gặp khó khăn.

“Thiệt hại nhiều nhất là các loại rau ăn lá ngắn ngày như rau cải, rau gia vị. Ở nhiều nơi, bà con nông dân trồng rau ngoài trời, không có nhà lưới hoặc ni long che chắn rau bị dập nát nhiều”, ông Hồng nói.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đồng thời khẳng định, trong thời gian tới, giá rau xanh trên thị trường chắc chắn sẽ tăng nhẹ.

“Tuy nhiên, mức tăng cụ thể chưa thể dự báo được bởi ở những tình huống như thế này, phần tăng giá thu mua cho người nông dân bao giờ cũng ít hơn phần tăng giá do tiểu thương lợi dụng đẩy giá”, ông Hồng nhấn mạnh.

“Mua máy khử độc Ozone làm gì cho tốn tiền”
Tại một số chợ nội thành Hà Nội, nhiều loại rau, đặc biệt là rau ăn lá và rau gia vị đã tăng giá khá mạnh.

Theo khảo sát của phóng viên trong chiều cùng ngày tại một số chợ nội thành Hà Nội, nhiều loại rau, đặc biệt là rau ăn lá và rau gia vị đã tăng giá khá mạnh.

Tại chợ Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), mấy ngày nay, rau muống đã tăng từ 4.000 đồng/mớ lên 7.000 – 8.000 đồng/mớ, rau cải vẫn giữ nguyên giá 4.000 đồng, nhưng mớ được bó nhỏ hơn trước rất nhiều. Rau ngót có giá khoảng 5.000 đồng mớ, các loại lá thơm có giá cao gấp đôi so với trước.

Đắt nhất là ở các chợ cóc ven phố buổi chiều. Mớ rau cải nhỏ xíu cũng bị “chém” 5.000 đồng, khoai tây tăng giá lên 22.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, trả lời thăm dò của PV về sự an toàn khi mua thực phẩm, đặc biệt là các loại rau ăn lá, hầu hết các bà nội trợ đều cho rằng họ mua rau về ăn trong tâm thế "lo sợ". Hầu hết các mặt hàng rau, củ quả tại các chợ cóc hiện nay đều có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc có sản xuất trong nước thì cũng lo lắng về tồn dư chất bảo vệ thực vật do nông dân phun, sử dụng chất bảo vệ thực vật một cách tràn lan, thiếu an toàn.

Chị Kim Thoa (Mai Động) cho hay, để bảo vệ sức khỏe gia đình và cũng là làm công tác tư tưởng bản thân, nhà chị đã tiết kiệm để mua một chiếc máy khử độc Ozone để xử lý rau, củ, quả trước khi ăn. Và chị cảm thấy hài lòng vì sau khi đưa vào xử lý qua máy Ozone, nước thải trông "rất kinh". "Chắc chắn loại được không 100 thì cũng 90% chất độc rồi", chị Kim Thoa nói.

Không cần thiết phải mua máy Ozone

Ông Nguyễn Hồng Anh - Phó Chi cục
trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội (Ảnh: Minh Quân)
Ông Nguyễn Hồng Anh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội (Ảnh: Minh Quân)

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Hồng Anh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội thẳng thắn: “Theo tìm hiểu của chúng tôi, máy Ozone chỉ có tác dụng vệ sinh bề mặt rau củ quả. Tức là chúng có tác dụng làm sạch các vết bẩn có thể nhìn thấy được và một số vi sinh vật trên bề mặt rau củ quả thôi.

Nhưng với những sản phẩm rau củ quả an toàn thì chúng còn phát huy tác dụng chứ với những sản phẩm không đảm bảo an toàn hoặc có vấn đề thì việc xử lý bằng máy Ozone không có nghĩa lý gì.

Các chất độc hại một khi đã thẩm thấu vào trong rau củ quả rồi thì sử dụng máy Ozone cũng không hiệu quả trong việc làm sạch.

Theo chúng tôi, không cần thiết phải sử dụng các sản phẩm Ozone này. Mua máy khử độc Ozone làm gì cho tốn tiền?!”.

Đáng lo ngại, theo báo cáo của chi cục này, họ đã tiến hành kiểm tra 89 cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố, phát hiện tới 23 trường hợp vi phạm. Thanh tra Sở đã xử lý 16 trường hợp với số tiền 17,8 triệu đồng, thu giữ 102,87 kg (lít) thuốc vi phạm chờ tiêu hủy.

Không chỉ thế, tại 5 chợ đầu mối, họ cũng lấy 144 mẫu rau để kiểm tra chất lượng, hiện tại có kết quả 94 mẫu, phát hiện 3 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn tối đa cho phép (chiếm 3,2%).

Theo Minh Quân
VTCNews