Mua đắt của Sông Đuống, tăng giá nước bán cho dân là không hợp lý
(Dân trí) - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch.
Hiện giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội được tính theo Quyết định 38 của Thành phố, ban hành năm 2013. Thời điểm đó, TP Hà Nội quyết định tăng giá nước sinh hoạt trong 3 năm liên tiếp từ 2013-2015. Mỗi năm Hà Nội tăng giá nước một lần trong 3 năm liên tiếp, tính từ ngày 1/10.
Tăng giá bán nước cho dân là không hợp lý
Việc Hà Nội gấp rút tăng giá nước sạch do áp lực bù lỗ hàng trăm tỷ đến từ việc giá mua buôn chênh lệch từ các đơn vị cung cấp đang gặp phải những dư luận trái chiều, nhất là khi người dân Hà Nội vừa trải qua "cơn khủng hoảng" về nước sinh hoạt do nhiễm dầu thải.
Trao đổi với Dân Trí về đề xuất tăng giá nước sinh hoạt của Hà Nội, chị Nguyễn Thanh Hoài ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) đặt câu hỏi: “Tăng giá nước sinh hoạt liệu chất lượng có tăng?”.
“Tôi nghe nói vừa rồi nhà máy nước Sông Đuống chưa nghiệm thu đã đưa bán nước cho dân cả năm trời. Như vậy nước sinh hoạt đó ai đứng ra đảm bảo được chất lượng? Ngay cả việc tăng giá như thế nào cũng cần công khai minh bạch các thông tin. Không thể cứ mua nước của nhà máy nước Sông Đuống đắt gấp đôi các nhà cung cấp khác rồi tính chuyện tăng giá bán cho dân để bù vào khoản ngân sách thâm hụt được. Như thế là không hợp lý”, chị Hoài chia sẻ.
Anh Ngô Văn Nam ở Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng thẳng thắn phản đối việc tăng giá nước sinh hoạt. Theo anh, thay bằng tăng giá nước, Hà Nội cần phải làm tốt hơn nữa khâu kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt của dân.
“Nước Sông Đà nhiễm dầu thải là do có người đổ trộm, đối tượng đổ trộm đang được điều tra xử lý. Thế còn nhà máy nước Sông Đuống chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng bán nước cho dân, mà theo các chuyên gia nói thì đây là vi phạm, thậm chí vi phạm lớn. Vậy sao không thấy cơ quan chức năng Hà Nội vào cuộc xử lý”, anh Nam nói và cho rằng, chính quyền Hà Nội cần phải làm rõ các sai phạm này trước khi tính đến câu chuyện tăng giá nước sinh hoạt.
Chia sẻ về câu chuyện Hà Nội lên kế hoạch tăng giá nước sinh hoạt, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng việc đưa ra những lý do dẫn tới cần phải tăng giá nước sạch có thể là hợp lý nếu những chi phí đầu ra không bù đắp đủ cho những chi phí đầu vào. Tức là có khoản lỗ khi giá nước sạch thấp hơn so với giá thành sản xuất.
“Nếu những lý do này là chính xác, hợp lý thì việc tăng giá nước sạch là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các công ty kinh doanh nước sạch hiện đều có mức lợi nhuận khá lớn. Như vậy, việc tăng giá có hợp lý?”, ông Doanh nói.
Cũng theo ông Doanh, để tăng giá nước, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần phải chứng minh được việc làm này là cần thiết ở thời điểm hiện tại.
"Việc đề xuất điều chỉnh giá nước vào lúc này sẽ không hợp lòng dân. Vì thế các cơ quan liên ngành nên cân nhắc việc điều chỉnh này”, ông Doanh nêu ý kiến và cho rằng, ở thời điểm hiện tại, việc quan trọng nhất lúc này là các cơ quan chức năng cần thiết lập lại quy trình sản xuất, cung cấp nước của các doanh nghiệp. Cần cam kết rằng, nguồn nước khi bán ra cho dân phải đảm bảo sạch.
"Nếu việc tăng giá nước là quan trọng thì nên tổ chức các cuộc hội thảo công khai. Trong đó có ý kiến đóng góp của các chuyên gia và người dân. Việc này rất quan trọng, không nên đưa ra một quyết định hành chính có tính áp đặt mà không có thảo luận với người dân", ông chia sẻ.
Có lợi ích nhóm trong cuộc chiến nước sạch?
Tại tọa đàm “Quản lý thị trường nước sạch - nhìn từ vụ nước nhiễm dầu thải” tổ chức chiều 4/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhận định sự cố nước sông Đà nằm ngoài ý muốn của DN và người dân, sai phạm này là hết sức nghiêm trọng, trước hết thuộc về kẻ vi phạm.
Theo ông Phương, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý, truy tố đối với đối tượng vi phạm, vào cuộc điều tra để xác định nguyên nhân gây ra sự việc là vô ý thức, vô ý hay cố ý. Đặc biệt điều tra làm rõ có hay không việc này có mục đích làm cho DN nước sông Đà mất đi niềm tin của người dân, để các DN khác có cơ hội tranh thủ thực hiện lợi ích của mình. Hay DN khác lấy lợi thế để thu lợi nhuận về DN mình, bản thân tội phạm phải làm rõ có ai xúi giục hay không, mục đích vi phạm này là làm thuê hay không làm thuê, và ai là người đứng sau.
Trong khi đó, việc nhà máy nước chưa đủ điều kiện nghiệm thu nhưng đã bán thương mại theo ông Phương đó là sai phạm hết sức nghiêm trọng, cần dừng ngay việc bán nước để thanh tra xử lý vi phạm. DN tự ý hay cơ quan quản lý làm ngơ thì chắc chắn có biểu hiện của chạy chọt, vì lợi ích, ông Phương nêu quan điểm.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện nhận định, sự cố nước vừa qua “thức tỉnh cả xã hội”. Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước - thông qua thể chế, cơ chế. Theo đó, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có tính chất phá hoại, ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước cần được xử lý triệt để và mang tính răn đe cao.
Theo ông Nhưỡng, hiện đang có một cuộc chiến về thị trường nước, đây là cuộc chiến lớn, đang có sự bừng tỉnh về lợi nhuận và lợi ích, đặc biệt là lợi ích nhóm.
“Tôi cho rằng phải nghiên cứu, phải có sự giám sát chặt chẽ tránh tình trạng lợi ích nhóm, nó không chỉ làm hại đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Đấy là điều rất tệ hại trong nền kinh tế thị trường, người dân có nhu cầu và ý thức rất cao, người dân có thể đánh giá ngay”, ông cho hay.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, với tính chất quan trọng của dịch vụ công thiết yếu với người dân, Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát và hệ thống pháp lý để hàng hóa ổn định về giá cả, chất lượng, nói rộng hơn tức là bảo đảm về kinh tế, xã hội và chính trị.
“Để bảo đảm quyền lợi của người dân khi Nhà nước xã hội hóa dịch vụ công, phải “lấy người dân làm trung tâm”, từ đó nhấn mạnh sự tham gia của người dân, lấy ý kiến của cộng đồng trong quá trình xây dựng các quy hoạch. Là đối tượng thụ hưởng các dịch vụ công, người dân cần được được tiếp cận một cách đầy đủ, công bằng về mọi mặt như giá cả, chi phí... Chính quyền cũng phải công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình với người dân trong mọi quá trình để bảo đảm quyền lợi cho họ”, Phó Chủ nhiệm Lê Quang Huy nhấn mạnh.
Hải Anh