1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Nước nhà máy sông Đuống đắt đỏ: Kiểm soát chặt từ đầu, đã không như thế…!

(Dân trí) - Theo chuyên gia, chất lượng nước đều theo quy chuẩn của Bộ Y tế về nước sinh hoạt. Đầu tư cao hay thấp, nhiều hay ít tiền do công nghệ, chiến lược, tính toán của doanh nghiệp, không thể lấy đó làm lý do mua giá nước cao gấp đôi.

Nước nhà máy sông Đuống đắt đỏ: Kiểm soát chặt từ đầu, đã không như thế…! - 1

Nhà máy nước sông Đuống có tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm.

Chất lượng nước đầu ra: Dù công nghệ nào cũng phải đảm bảo

Việc Hà Nội chấp thuận mua giá bán nước sạch từ Nhà máy Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm gây nhiều phản ứng trong dư luận trong những ngày qua.

Điều đáng nói, mức giá này không chỉ cao hơn so với các đơn vị khác cung cấp cùng mặt hàng mà còn cao hơn hẳn mức giá bán lẻ hiện nay trên địa bàn TP. Một điều mà theo các chuyên gia nhận định, hết sức vô lý.

Trao đổi với Dân trí, GS.TSKH Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cho biết, chất lượng nước đều theo quy chuẩn của Bộ Y tế về nước sinh hoạt.

Theo đó, bất kỳ công nghệ nào khi sản xuất nước đều phải đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, không có sự khác biệt giữa giá nước thấp, hay giá nước cao gấp đôi thị trường do công nghệ hiện đại hơn.

“Giá nước có quy định rồi, còn đầu tư cao hay thấp, nhiều hay ít tiền do công nghệ, chiến lược, tính toán của doanh nghiệp, chuyện của doanh nghiệp. Hà Nội không thấy lấy đó làm lý do mua giá nước cao. Thực sự không thể lý giải như vậy được”, ông Uyển nhấn mạnh.

Vị này cho rằng, đáng lẽ mức giá phải theo quy định chung, còn doanh nghiệp tự tính toán, miễn sao đầu ra phải đạt chuẩn chất lượng, không đạt được thì không cho bán.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh việc không đồng tình trước lập luận giá nước đắt vì “quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án” lớn của cả Hà Nội lẫn doanh nghiệp.

Trước đó, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội giải thích, về nguyên tắc tính giá nước của các đơn vị đều giống nhau theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau.

Cụ thể, Nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỷ đồng, còn giá đầu tư của sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng. “Rõ ràng quy mô đầu tư giữa hai dự án khác nhau”, ông Hà nói tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 12/11.

Bình luận về ý kiến này, ông Trần Hữu Uyển nói: Nhà máy càng to, công suất càng lớn thì giá nước càng bé. Nói tóm lại, khi lựa chọn nhà đầu tư, đáng lẽ đáp ứng giá cả thì mua, không đáp ứng thì không mua. Làm gì có chuyện biết đắt vẫn mua.

Chưa kể, các chuyên gia cũng cho rằng, UBND TP Hà Nội không thể quyết giá cho nhà máy nước, rồi lại tính chuyện lấy ngân sách cấp bù phần chênh lệch cho doanh nghiệp được.

Không đúng ngay từ đầu

Trao đổi với Dân trí, PGS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) đặt ra hai vấn đề cần làm rõ trong câu chuyện giá nước sông Đuống hiện nay, đó là chi phí lãi vay, liệu có chuyện tính hai lần, bao gồm cả hạch toán vào giá thành dưới dạng khấu hao hay không? Với chi phí lãi vay, ông Bình cho rằng cần phải loại trừ các khoản vốn hóa vào giá trị tài sản theo quy định.

Thứ hai theo ông Bình, cả Hà Nội và doanh nghiệp đều nói do quy mô nhà máy to hơn, công nghệ hiện đại hơn nhưng việc so sánh giữa tổng mức đầu tư như vậy rất khó. Bởi so sánh như vậy là so sánh giữa hai cục tiền, chứ không so về hiệu quả, công suất.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân nên vấn đề tiêu thụ luôn sẵn sàng, người dân cũng không có nhiều chọn lựa. Vì vậy, lợi nhuận của ngành này luôn ổn định, thậm chí tăng trưởng rất lớn.

“Hà Nội hoàn toàn có thể tổ chức đấu thầu công khai để chọn đơn vị đầu tư hợp lý nhất”, vị chuyên gia cho rằng: Trong trường này, nếu kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đã không xảy ra việc giá nước dự án này chênh tới vài nghìn đồng so với mặt bằng giá chung.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính; Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng khẳng định, giá bán buôn của Nhà máy Sông Đuống cho Công ty nước sạch Hà Nội cao hơn giá bán lẻ nước sạch do UBND TP Hà Nội ban hành là không phù hợp với quy định của pháp luật.

“Theo Nghị định 117, giá bán buôn nước sạch không được vượt hơn giá bán lẻ hiện hành. Đây chính là mức cao bất hợp lý không được phép, vượt chuẩn pháp luật”, ông Thoả nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, vấn đề lựa chọn quyết định nhà đầu tư và xử lý các chính sách liên quan đến đầu tư không đúng ngay từ đầu và cốt lõi là chọn nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính. Bởi một dự án mà vốn chủ 20%, vốn vay 80% thì chi phí lãi vay – một khoản chi phí hình thành mức giá – đẩy mức giá cao bất hợp lý là đúng.

“Chúng ta thực hiện đúng, tính đủ nhưng quan trọng là phải gắn liền với “hợp lý, hợp lệ” chứ không phải tính đủ cả những chi phí mà ta biết là không hợp lệ. Mặt khác, khi quyết định đầu tư về giá nước thì Nhà nước đã có quy định là giá bán buôn không được vượt giá bán lẻ thì người duyệt phương án đầu tư phải xử lý hợp lý nguyên tắc này ngay từ đầu”, ông Thoả nêu quan điểm.

Nguyễn Khánh