1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá nước nhà máy Sông Đuống đắt vì đầu tư khủng: "Không thuyết phục, cần thanh tra làm rõ"

(Dân trí) - Việc Hà Nội mua nước sạch sông Đuống với giá cao thu hút sự quan tâm của dư luận. Một số chuyên gia cho rằng, không chỉ kiểm toán, các cơ quan thanh tra cần vào cuộc làm rõ vấn đề này.

Giá nước nhà máy Sông Đuống đắt vì đầu tư khủng: Không thuyết phục, cần thanh tra làm rõ - 1
Nhà máy nước sông Đuống có tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm.

Giá nước, vì sao nơi cao - nơi thấp?

Sau sự cố nhiễm dầu gây hoang mang cho hàng triệu hộ dân Hà Nội, dư luận lại tiếp tục bày tỏ sự băn khoăn, “khó hiểu” xung quanh vấn đề giá nước: nơi cao – nơi thấp.

Hiện nhà máy nước mặt Sông Đuống và nhà máy nước mặt Sông Đà là hai đơn vị cung cấp nước lớn nhất hiện nay cho Hà Nội. Dưới hai doanh nghiệp này có nhiều công ty phân phối bán lẻ nước đến từng hộ dân.

Mặc dù hai đơn vị này đều xử lý nước mặt của các con sông Đuống - sông Đà để cung cấp nước sạch sinh hoạt, sản xuất cho dân Hà Nội. Tuy nhiên, mức giá mua buôn nước của Hà Nội với hai đơn vị có độ chênh lệch lớn đến mức “khó hiểu”.

Trong khi giá nước Sông Đà rơi vào khoảng hơn 5.000 đồng/m3 và đang có lãi lớn thì khá “băn khoăn”, Hà Nội duyệt cho Sông Đuống giá nước 10.246 đồng/m3.

Trả lời “chất vấn” từ báo chí vì sao giá bán nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống đắt hơn nhiều giá nước sạch của các nhà máy nước sạch khác, đại diện chính quyền Hà Nội - Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà thừa nhận, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT).

Theo ông này, việc tính giá được căn cứ theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch của Chính phủ, có quy định liên quan đến thỏa thuận dịch vụ cấp nước được ký kết giữa UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền với đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn.

“Trong thỏa thuận cấp nước có nội dung liên quan đến giá nước, lộ trình và các nguyên tắc điều chỉnh giá nước. Việc ký kết thực hiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước này được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án, chính vì vậy trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, để có căn cứ lập và tổ chức thực hiện dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, Thành phố đã có văn bản chấp thuận giá nước sạch, tại thời điểm đó giá là tạm tính”, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết.

Cũng theo vị này, lộ trình tăng giá nước được áp dụng cho dự án này tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Nhà máy càng to, giá nước càng đắt?

Để làm rõ hơn vấn đề này, PV đã liên hệ với đại diện phía nhà máy Nước mặt sông Đuống. Trả lời câu hỏi liệu có hay không việc được “ưu ái” về giá nước, phía công ty này cho biết: “Theo quy định giá thành sản xuất nước áp dụng trên địa bàn Thành phố và các khu vực lân cận do UBND thành phố Hà Nội quy định, phụ thuộc chủ yếu vào quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án, được tính đúng, tính đủ theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính (Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT của Bộ Tài chính – Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và được các cơ quan chức năng thẩm định trình phê duyệt theo quy định”.

Theo đại diện công ty này, hiện Nhà máy mặt nước Sông Đuống đang áp dụng mức giá tạm tính 7.700 đồng/m3 trước khi có mức giá chính thức sau khi quyết toán.

Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cũng giải thích, về nguyên tắc tính giá nước của các đơn vị đều giống nhau theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau.

Cụ thể, Nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỷ đồng, còn giá đầu tư của sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng. “Rõ ràng quy mô đầu tư giữa hai dự án khác nhau”, ông Hà nói tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 12/11.

Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng.

“Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước”, lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội thông tin.

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: Về nguyên tắc tài chính không thể nói xây nhà máy to, nhiều tiền nên giá đắt được. Lý do đó không thuyết phục!

“Không phải dự án cứ quy mô càng lớn, chi phí càng cao thì lấy giá đắt hơn. Bao giờ người ta cũng tính toán dựa vào suất đầu tư, hiệu quả đầu tư. Đầu tư bất kỳ vào đâu dù nhiều hay ít vốn thì cũng phải tính hiệu quả, hiệu suất. Thông thường dự án to, quy mô lớn, hiện đại, giá thành chi phí sẽ phải tốt hơn chứ. Còn dự án nhiều khi nhỏ, lạc hậu thì giá thành có thể sẽ cao nếu không tính toán”, ông Long nhấn mạnh: Không riêng gì kiểm toán, các cơ quan thanh tra cần vào cuộc làm sáng tỏ vấn đề này.

Ông Ngô Trí Long cho biết thêm, cũng như điện, nước là nhu cầu thiết yếu đối với người dân, lãi ngành nước hiện rất cao. Việc chọn nhà đầu tư để xây dựng nhà máy nước cần qua đấu thầu công khai để tìm được suất đầu tư phù hợp, hiệu quả.

“Trong vụ việc này, cần thanh tra rõ quy trình phê duyệt, thẩm định và làm rõ có đấu thầu hay chỉ định thầu”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng cần làm rõ vấn đề chi phí lãi vay tính vào giá nước xem có bất hợp lý không, tránh tình trạng “tay không bắt giặc” rồi để dân è cổ gánh.

Theo thông tin Hà Nội cung cấp, Nhà máy Nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm.

Dự án được khởi công từ tháng 3/2017, đến tháng 10/2019 đã hoàn thành xong giai đoạn 1, đạt công suất 300.000m3/ngày đêm, vượt tiến độ 1 năm. Đến năm 2030 công suất nhà máy sẽ đạt 900.000m3/ngày đêm và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Đây là nguồn nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên.

Nguyễn Khánh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm