Mỗi tháng tiết kiệm được 1 triệu đồng, sau bao lâu có 1 tỷ đồng?

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Nếu mỗi tháng tích lũy 1 triệu đồng với lãi suất kép 7%/năm, sau khoảng 28 năm mới có thể có 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nhiều cách để có 1 tỷ đồng đầu tiên nếu bắt đầu tích lũy ngay từ sớm.

1 tỷ đồng được cho là dấu mốc quan trọng trong thiết lập kế hoạch tài chính cá nhân. Số tiền này đủ để có thể đặt cọc để sở hữu một bất động sản đầu tiên, mua một chiếc ô tô phân khúc trên trung bình, nhận được chăm sóc hay ưu đãi từ các ngân hàng hơn so với khách hàng khác…, hay là động lực và nền tảng để chinh phục những dấu mốc tài chính lớn hơn.

Dù vậy, 1 tỷ đồng lại là con số mà không nhiều bạn trẻ dám nghĩ tới khi vừa ra trường. Với mức lương khi ra trường không lớn, hành trình chinh phục 1 tỷ đầu tiên khiến không ít người ái ngại.

Với công thức tính lãi kép T = A x (1+r)n (trong đó: A là số tiền gốc, n là kỳ hạn, r là lãi suất), nếu mỗi tháng tích lũy 1 triệu đồng với lãi suất kép 7%/năm, sau khoảng 28 năm mới có đủ 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vẫn có cách để rút ngắn thời gian đạt được mốc này.

Đầu tiên là việc xác định mục tiêu. Thay vì đặt dấu mốc lớn 1 tỷ đồng, bạn có thể chia ra làm nhiều mục tiêu nhỏ, trước hết là xóa nợ, sau đó là các mốc 1 triệu đồng, 10 triệu đồng, 100 triệu đồng…

Tiếp theo là tư duy. 1 tỷ đồng đầu tiên không nhất thiết phải là tiền mặt mà đây có thể là 1 tỷ đồng tài sản ròng hay còn được gọi là NAV (tổng tài sản trừ đi nợ). Việc này đòi hỏi tư duy tích lũy tài sản và tư duy quản lý tài sản. NAV cần được theo dõi đều đặn, hàng tháng, hàng quý, hàng năm...

Về phương pháp, bạn cần phải biết quản trị tài chính cá nhân và quản trị danh mục tài sản. Cần đặc biệt lưu ý việc lựa chọn tài sản, phân bổ danh mục tài sản và điều chỉnh tỷ trọng tài sản.

Nên có tối thiểu 2 tài khoản để kiểm soát tài chính. Trong đó, một tài khoản sử dụng cho việc chi tiêu và một tài sản sử dụng cho việc quản lý thu nhập.

Việc quan trọng nhất của tích lũy là vấn đề tăng thu nhập. Cần lưu ý, khi thu nhập càng tăng, tỷ lệ tích lũy sẽ càng lớn.

*Dưới đây là bảng minh họa lộ trình đạt 1 tỷ đồng đầu tiên trong vòng 5 năm, với khởi điểm ở mức lương 10 triệu đồng/tháng với tốc độ tăng thu nhập năm đầu tiên là 50%, năm thứ 2 là 30%, năm thứ 3 là 25%, năm thứ 4 là 15%; tỷ lệ tiết kiệm 50-78% trong 5 năm và chọn những tài sản an toàn để tích lũy.

Mỗi tháng tiết kiệm được 1 triệu đồng, sau bao lâu có 1 tỷ đồng? - 1

(Ảnh: Trịnh Công Hòa).

Bạn cần đầu tư vào năng lực bản thân, phát triển các kỹ năng cũng như gia tăng các mối quan hệ cá nhân để học hỏi phát triển năng lực chuyên môn, kĩ năng marketing và kỹ năng công nghệ. Ngoài ra, bạn cũng phải biết lựa chọn danh mục tài sản tích lũy và tham gia các nhóm học tập tích lũy tài sản.

Thực tế, bạn không cần ép mình chi tiêu thấp đi, nhưng có thể chọn lối sống tối giản. Tốc độ tăng chi tiêu cũng chỉ nên bằng tốc độ tăng lạm phát và nếu muốn tăng chi tiêu, hãy tăng thu nhập trước.

Khi đặt mục tiêu tài chính 1 tỷ đồng, nên tìm động lực xứng đáng để thực hiện. Ví dụ: bạn muốn được tự do tài chính, bạn cần đảm bảo sự an toàn tài chính, bạn có chấp nhận những áp lực gì trên hành trình đạt 1 tỷ đồng đầu tiên?

Ngoài ra, nếu không may gặp phải đổ vỡ về tài chính, bạn cần bắt đầu hành trình tích lũy tài sản lại từ đầu. 

Trịnh Công Hòa

Sáng lập Blog tài chính cá nhân và đầu tư tích lũy TienCuaToi.vn