Mitsubishi chật vật ở Đông Nam Á

(Dân trí) - Sự chậm trễ trong việc ra mắt các mẫu xe mới của Mitsubishi đã ảnh hưởng đến độ phủ của thương hiệu này tại khu vực Đông Nam Á.

Đối với Mitsubishi Motors, Đông Nam Á là một thị trường đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hãng ô tô Nhật Bản này đang phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để tồn tại khi bị kẹt giữa các đối thủ trong nước vốn sở hữu thị phần lớn và những hãng xe mới nổi của Trung Quốc với dòng xe điện giá rẻ.

Mitsubishi có độ phủ khá lớn ở Đông Nam Á, khi chiếm gần 15% thị phần ô tô ở Philippines, 10% ở Indonesia và 7% ở Thái Lan. Tuy nhiên, tại quê hương Nhật Bản, hãng xe này lại có thị phần rất ít ỏi là 1,7%.

Đông Nam Á chiếm 77% trong tổng lợi nhuận hoạt động hợp nhất 366,1 tỷ yên (3,3 tỷ USD) mà Mitsubishi kiếm được trong hơn 5 năm qua tính đến năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020.

Mitsubishi chật vật ở Đông Nam Á - 1

Mẫu xe bán tải Triton của Mitsubishi (Ảnh: Mitsubishi Motors).

Tuy nhiên, sự sụt giảm nghiêm trọng trong biên lợi nhuận hoạt động của Mitsubishi lại đặt ra một thách thức lớn.

Trong năm tài chính 2015, khi hãng xe Nhật Bản này ghi nhận lợi nhuận hoạt động cao kỷ lục, biên lợi nhuận tại Đông Nam Á đạt 15,3%. Con số này giảm xuống 11,5% trong năm tài chính 2019 và lao dốc xuống 2,9% trong năm tài chính tiếp theo. Lợi nhuận hoạt động trên mỗi chiếc xe bán ra cũng giảm 279.000 yên trong năm tài chính 2015 xuống 49.000 yên trong năm tài chính 2020.

Dù không thể so sánh trực tiếp, song lợi nhuận trên mỗi chiếc xe bán ra của Toyota Motor đạt 357.000 yên ở khu vực châu Á, bao gồm Trung Quốc, trong năm tài chính 2020. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 đang hủy hoại nền kinh tế thế giới, con số này vẫn cao hơn gần 20.000 yên so với 5 năm trước.

Sự chậm trễ trong việc ra mắt các mẫu xe mới của Mitsubishi đã ảnh hưởng đến độ phủ của thương hiệu này tại khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, đã được 6 năm rưỡi kể từ khi mẫu xe bán tải Triton bán chạy của Mitsubishi được thiết kế lại hoàn toàn mới. Các đối thủ Nhật Bản như Isuzu Motors và Toyota đều đã đánh bại được Mitsubishi về tốc độ ra mắt mẫu xe mới.

Tất nhiên, Mitsubishi không thể ngồi yên. Hãng xe này sẽ ra mắt thị trường ít nhất 5 mẫu xe mới ở Đông Nam Á từ năm tài chính 2022. Mẫu Triton và xe minivan Xpander sẽ được thiết kế lại hoàn toàn. Công ty cũng sẽ phát triển những mẫu ô tô dành riêng cho thị trường Đông Nam Á. Một nền tảng chung sẽ được xây dựng và được sử dụng cho nhiều mẫu xe mới nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình lăn bánh.

Điện khí hóa cũng là một phần quan trọng trong chiến lược của Mitsubishi. Hãng xe đang tìm cách để sản phẩm xe điện của họ chiếm 50% doanh số toàn cầu vào năm 2030, tăng từ mức chỉ 8% của năm tài chính kết thúc vào tháng 3.

Dự kiến, mẫu xe Triton sẽ được thiết kế lại thành phiên bản hybrid và vào năm 2023, Mitsubishi sẽ tung ra thị trường loại xe điện nhỏ với giá chưa tới 18.000 USD.

"Xe điện chưa phổ biến rộng rãi ở Đông Nam Á, thị trường này vẫn đang ở trong giai đoạn định hình giá cả. Vì hoạt động kinh doanh phụ thuộc nhiều vào khu vực này nên Mitsubishi không thể chậm trễ trong việc ra mắt các dòng xe điện nữa", Koichi Sugimoto - chuyên gia phân tích tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities - cho hay.

Ngoài các đối thủ ở trong nước, Mitsubishi cũng phải đối đầu với nhiều hãng xe điện của Trung Quốc đang cố thu hút khách hàng với những sản phẩm giá rẻ. Hãng xe SAIC Motor có trụ sở tại Thượng Hải bắt đầu bán xe điện từ năm 2019 thông qua một liên doanh với Tập đoàn Charoen Pokphand. Trong khi đó, Great Wall Motors chuẩn bị ra mắt dòng xe điện ở Thái Lan với mức giá chưa tới 10.000 USD.

"Để cắt giảm chi phí sản xuất xe điện, việc Mitsubishi chia sẻ các bộ phận chung với Nissan là điều cần thiết. Chúng tôi sẽ cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc trong trung và dài hạn", Takao Kato - Chủ tịch của Mitsubishi - nói.

Hãng xe này đặt mục tiêu nâng biên lợi nhuận hoạt động nói chung lên 6% trong năm tài chính 2025, gần bằng với mức 6,1% của 10 năm trước.