Ô tô đắt càng thêm đắt vì giá vật liệu "bốc đầu"
(Dân trí) - Ô tô trở lại là phương tiện thịnh hành trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Giá xe ngày càng trở nên đắt đỏ vì sao?
Trong một năm, giá vật liệu thô để sản xuất ra một xe ước tăng 83%
Nhiều vật liệu cần thiết để sản xuất ô tô như đồng, thép và nhôm đều chạm mức cao kỷ lục trong tuần trước do nguồn cung bị gián đoạn và không thể theo kịp nhu cầu. Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index hiện ở mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong đó, giá kim loại đã tăng 21% kể từ đầu năm đến nay.
Nếu đà tăng này biến thành một "siêu chu kỳ" trên thị trường hàng hóa, việc giá ô tô tăng có thể được xem là điềm báo về lạm phát trên diện rộng.
Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase & Co. ước tính, giá các vật liệu thô để sản xuất ra một chiếc ô tô đã tăng 83% trong vòng một năm tính đến tháng 3. Những vật liệu này thường chiếm khoảng 10% chi phí sản xuất, có nghĩa là giá bán của một chiếc xe 40.000 USD sẽ phải tăng 8,3% để bù đắp cho phần vật liệu tăng giá.
Ông Jim Farley - CEO của Ford Motor - cho biết: "Chúng tôi thấy rất rõ "cơn gió ngược" trên thị trường hàng hóa. Lạm phát đã xuất hiện ở nhiều khía cạnh trong ngành xe theo cái cách mà chúng tôi chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây".
Các hãng xe đang cố gắng vượt qua phần chi phí tăng để tiếp tục sản xuất, nhất là trong bối cảnh nhu cầu đang bùng nổ khi các nền kinh tế lớn tái mở cửa và nhiều người tiếp tục hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng. Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu cũng kìm hãm hoạt động sản xuất, khiến hàng tồn kho giảm và giá xe tăng.
Tại Mỹ, nguồn cung ít tới mức các công ty cho thuê xe phải mua ô tô đã qua sử dụng tại các cuộc bán đấu giá thay vì mua mới.
Cả xe chạy xăng và xe điện cùng ảnh hưởng
Ngành ô tô chịu ảnh hưởng lớn từ đà tăng của giá thép, vật liệu cần thiết để sản xuất khung gầm, động cơ và bánh xe. Giá vật liệu này phá vỡ kỷ lục khi Trung Quốc - hiện là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới - thực hiện các biện pháp hạn chế sản lượng để giảm bớt lượng khí thải ra môi trường.
Trong khi đó, ngành xe điện bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ của giá đồng. Xe điện sử dụng lượng đồng nhiều gấp gần 3,5 lần xe chạy xăng vì chúng cần một lượng lớn dây dẫn ở bên trong, theo công ty tư vấn Wood Mackenzie. Vì vậy, đà tăng giá của thị trường hàng hóa có thể ảnh hưởng đến các hãng xe như Tesla và Volkswagen, bởi họ đang cố gắng để xe điện có giá cạnh tranh hơn ô tô truyền thống.
Hiện, phần lớn pin xe điện đều sử dụng kết hợp lithium, cobalt và nickel, mà giá mỗi kim loại này đều tăng ít nhất 47% trong 12 tháng qua. Các hãng xe có lẽ sẽ tìm kiếm các chất hóa học thay thế để sản xuất pin cho xe điện.
Các hãng xe lên kế hoạch
Ford và BMW là hai trong số những hãng ô tô vừa quyết định đầu tư 130 triệu USD cho startup sản xuất pin Solid Power. Công ty này đang nghiên cứu phát triển loại pin không cần sử dụng các kim loại trên, từ đó giúp giảm chi phí sản xuất tới 10 lần.
BMW dự kiến thiệt hại từ việc giá hàng hóa tăng có thể lên tới 1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) trong năm nay, Nicolas Peter - giám đốc tài chính của hãng xe này - cho hay. Ông Peter cho biết rhodium, thép và palladium là những mối lo ngại lớn của hãng trong những tháng tới.
Về dài hạn, BMW đang tìm cách giảm thiểu thiệt hại từ sự bùng nổ trong giá của các vật liệu thô chính. Từ năm 2025, hãng dự kiến sản xuất xe theo thiết kế mới, cho phép tái chế các vật liệu như thép, nhôm và nhựa để chế tạo ô tô mới.
"Chúng tôi đang tìm kiếm đối tác để cải tiến các công nghệ cần thiết", CEO của BMW - Oliver Zipse - tiết lộ.
Hãng sản xuất xe jeep Stellantis - được thành lập từ sự hợp nhất của Fiat Chrysler và PSA Group - cũng cho biết, họ đang phải tính toán để giải quyết phần chi phí tăng thêm và rất may thị trường tiêu thụ đến nay vẫn tích cực.
Trong bối cảnh người tiêu dùng đang xếp hàng để chờ nhận những chiếc xe mới, các hãng xe rõ ràng có thể thuận lợi chuyển phần tác động do tình trạng gián đoạn nguồn cung và tăng giá vật liệu cho khách hàng, theo nhóm phân tích của Morgan Stanley.