1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Lý do khiến gã khổng lồ dầu khí Nga bốc hơi 40% lợi nhuận

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Ông lớn dầu khí Nga ghi nhận lãi ròng giảm hơn 40% và không còn đủ khả năng trả cổ tức cho nửa cuối năm 2022.

Gazprom hiện là công ty sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và cũng là một trong những doanh nghiệp đóng góp nguồn thu thuế lớn nhất cho Nga.

Tuy nhiên, năm 2022, công ty này đã ghi nhận lợi nhuận ròng giảm hơn 40%, còn 1.226 tỷ rúp (khoảng 359 tỷ đồng). Nguyên nhân là do Nga tăng thuế dầu khí vào nửa cuối năm ngoái.

Trước đó, Gazprom đã thực hiện chi trả cổ tức 1.200 tỷ rúp cho nửa đầu năm 2022. Sau kết quả kinh doanh ảm đạm, công ty quyết định không trả thêm cổ tức cho nửa cuối năm 2022. Ngay sau khi quyết định này được công bố, giá cổ phiếu của Gazprom lập tức giảm 4%.

Ông Gazprom Famil Sadygov, Phó giám đốc công ty, cho biết vì việc chi trả cổ tức nửa năm đã vượt mục tiêu 50% lợi nhuận ròng nên họ không có đủ chi phí để chi trả cả năm.

Lý do khiến gã khổng lồ dầu khí Nga bốc hơi 40% lợi nhuận - 1

Gazprom là một trong những doanh nghiệp đóng góp nguồn thu thuế lớn nhất cho Nga (Ảnh: Reuters).

"Kết quả kinh doanh năm 2022 của Gazprom rất yếu. Ngoài ra, HĐQT cũng không thông báo kế hoạch trả cổ tức cho nửa cuối năm 2022. Theo chúng tôi, thông tin này sẽ khiến cổ phiếu Gazprom ít hấp dẫn hơn", ngân hàng đầu tư Sinara nhận xét.

Năm ngoái, phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga và các công ty của nước này do cuộc chiến với Ukraine. Mặc dù xuất khẩu khí đốt của Gazprom không bị trừng phạt trực tiếp nhưng lượng xuất khẩu cũng giảm gần một nửa xuống còn 101 tỷ m3 năm 2022.

Nửa đầu năm ngoái, Gazprom lãi ròng 2.500 tỷ rúp nhờ giá khí đốt tăng cao trên thị trường quốc tế do lo ngại đứt gãy nguồn cung. Ông Alexei Miller, giám đốc công ty cho biết họ đã nộp 5.000 tỷ rúp tiền thuế cho chính phủ và các chính quyền địa phương trong năm 2022. Con số này đóng góp gần 20% nguồn thu ngân sách của Nga. 

Các chuyên gia đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn do giá khí đốt trên thế giới đã giảm. Lượng khí đốt được công ty giao đến châu Âu hiện cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trước tình hình đó, Gazprom đã chuyển hướng sang thị trường châu Á với lượng khí đốt cung cấp hàng ngày cho thị trường Trung Quốc tăng mạnh.

Theo Reuters