Lương chưa tăng, đại biểu đề nghị kéo giãn lộ trình tăng giá điện, xăng

(Dân trí) - Cho rằng với bối cảnh ngân sách khó khăn, hoãn tăng lương là thiệt thòi cho hàng triệu công chức, viên chức, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, trong khi công chức, viên chức phải chia sẻ với Chính phủ thì việc điều hành các mặt hàng như điện, xăng…theo lộ trình thị trường cũng phải được kéo giãn.

Về kế hoạch tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có mức lương từ 2,34 trở lên), tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10, ý kiến của các thành viên Chính phủ đều cho rằng tình hình ngân sách khó khăn, khó bố trí được nguồn cho tăng lương.

Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016.

Trước đó, hồi tháng 4/2015, Chính phủ mới chỉ thực hiện tăng lương đối với một số đối tượng ưu tiên có hệ số lương 2,34 trở xuống kể từ 1/1/2015. Mức lương tăng lên hàng tháng tương ứng với 8% hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh nhân với mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng/tháng.

Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện không có nguồn để tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức trong khu vực Nhà nước năm tới.

Việc 4 năm liên hoãn tăng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số 2,34 trở lên ảnh hưởng tới hàng triệu người.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình (ảnh: Bích Diệp)
Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình (ảnh: Bích Diệp)

Trao đổi với phóng viên Dân Trí bên lề phiên họp Quốc hội chiều 30/10, ông Nguyễn Ngọc Phương (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho rằng, hoãn tăng lương sẽ thiệt thòi cho người lao động, cho công chức nhà nước.

Tuy nhiên theo ông Phương, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách chưa có thì công chức cũng phải chia sẻ với nhà nước chứ không thể “đòi hỏi” thêm được.

“Theo tôi nghĩ, so với những thời kỳ trong chiến tranh thì đồng lương hiện nay còn sướng hơn rất nhiều lần! Chính vì thế, Nhà nước chưa tăng lương thì cũng chưa tới mức mà đẩy cán bộ công chức, người lao động vào những tình thế quá khó khăn, quá vất vả. Theo tôi thấy, cuộc sống thường ngày của cán bộ công chức vẫn đủ sống và chưa quá khó khăn”, vị đại biểu này cho hay.

Ông Phương cũng góp ý thêm rằng, “với bối cảnh chưa tăng lương được như hiện nay thì trong điều hành giá cả xăng dầu, điện nước theo thị trường cần phải kéo giãn, theo một lộ trình nhất định để đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân viên chức”.

Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội mới đây, các đại biểu Quốc hội cũng đã tỏ rõ sự nôn nóng với sự chậm trễ của tiến độ tăng lương này.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Minh (TPHCM), lương không tăng tuy nhiên nhiều loại hàng hóa được điều hành theo cơ chế thị trường, nhiều khoản phí khác sẽ được chuyển sang cơ chế giá.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, hiện lương tối thiểu đã cao gấp 2 lần lương cơ sở từ 3 năm qua (1,15 triệu đồng/tháng). Do đó, nếu Chính phủ chưa quyết tăng thì phải có giải trình với Quốc hội.

Còn theo góp ý của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), “muốn tăng lương phải cải tổ bộ máy, tinh giản biên chế”. Vị đại biểu này cũng cho rằng, với bộ máy như hiện nay thì “không có người dân nào nuôi nổi”.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2015, tổng thu ngân sách tăng khoảng 7%, nhưng tăng thu là của địa phương, còn thu ngân sách Trung ương lại hụt thu khoảng 31.000 tỷ đồng, nguyên nhân chính là do giá dầu giảm và do việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bích Diệp

 

Lương chưa tăng, đại biểu đề nghị kéo giãn lộ trình tăng giá điện, xăng - 2