1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lũng đoạn, găm hàng, tăng giá thịt lợn: Sẽ điều tra và có thể xử lý hình sự

(Dân trí) - Bộ Công Thương cho biết, đang có kế hoạch thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá thịt lợn gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ.

Lũng đoạn, găm hàng, tăng giá thịt lợn: Sẽ điều tra và có thể xử lý hình sự - 1
Bộ Công Thương cho biết đang có kế hoạch thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá thịt lợn gây bất ổn thị trường.

Trong thông cáo vừa phát đi chiều nay (17/12), Bộ Công Thương cho biết từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019).

Giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao (lợn hơi hiện ở mức 80.000 – 90.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tuần trước, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000 – 180.000 đồng/kg, tăng 15.000 – 20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12 năm 2019).

Bộ Công Thương cho biết, việc tăng giá thịt lợn chủ yếu do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019 và đến cuối tháng 6 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc.

Theo đó, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo do dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa được khống chế, chưa có vaccine chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay).

Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng trong khi đó một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn, Bộ Công Thương nêu.

Để bình ổn thị trường, Bộ Công Thương cho biết, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu; ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch. Bộ cũng chỉ đạo sát sao các cục quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Bộ Công Thương cũng cho biết, đang có kế hoạch thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành (Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và lực lượng công an, thú y…) thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung vào việc kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.

“Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ”, Bộ Công Thương cho biết.

Cũng theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, trong tháng 10/2019, thịt lợn được nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, đứng thứ 2 là thị trường Đức, đứng thứ 3 là thị trường Hoa Kỳ, tiếp theo là Hà Lan.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.

Nguyễn Mạnh

Lũng đoạn, găm hàng, tăng giá thịt lợn: Sẽ điều tra và có thể xử lý hình sự - 2