Khủng hoảng chưa từng có, 10 tỷ USD lung lay, triệu dân Việt lo sợ
2019 là năm thứ 3 liên tiếp ngành hàng thịt lợn bị khủng hoảng. Đây được xem là năm sóng gió nhất trong lịch sử, bởi người chăn nuôi không chỉ đối diện với dịch bệnh mà còn quay cuồng trong cơn “bão giá”.
Đại dịch lớn chưa từng có trong lịch sử
Đó là câu nói được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần tại các cuộc họp của các bộ ngành, thậm chí còn xuất hiện cả ở nghị trường Quốc hội dịp vừa qua.
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện và tồn tại khoảng 100 năm nay, khiến cả thế giới khiếp sợ vì lây lan nhanh, qua nhiều con đường nhưng vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị. Lợn bị nhiễm virus DTLCP sẽ chết 100%.
Thế nên, ngay từ khi dịch bệnh này xuất hiện ở nước láng giềng Trung Quốc, Bộ NN-PTNT đã cùng cơ quan chức năng liên quan xây dựng nhiều kịch bản phòng chống, chặn dịch bệnh xâm nhập vào nước ta. Song, như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nói: điều không muốn đã chính thức xảy ra. Vào tháng 2/2019, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) thông báo, nước ta đã xuất hiện 2 ổ DTLCP đầu tiên.
Ngay sau đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc chống dịch với hơn 60 văn bản chỉ đạo, từ chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng, Chính phủ, hướng dẫn của Bộ NN-PTNT và các tỉnh,... Chốt kiểm dịch thú y cũng được dựng lên khắp các ngả đường.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chưa có dịch bệnh nào lại gây ra tác hại lớn, gây khó khăn vất vả trong quá tình ứng phó như DTLCP. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ra công điện chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, phải “chống dịch như chống giặc”.
Vậy nhưng, sau 7 tháng kể từ ngày xuất hiện ổ dịch đầu tiên, tháng 9 năm nay, DTLCP đã lây lan ra khắp 63 tỉnh, thành cả nước.
Lợn chết, giá chạm đáy, dân kiệt sức
Còn nhớ năm 2017, người chăn nuôi rơi vào cuộc khủng hoảng thừa cung, giá thịt lợn giảm xuyên đáy. Khi ấy, một cuộc giải cứu thịt lợn cấp quốc gia được triển khai để giúp nông dân giảm bớt khó khăn. Kết thúc năm, khoảng 900.000 hộ chăn nuôi phải treo chuồng, nhiều hộ vướng nợ nần, phá sản.
Sang đến 2018, không phải đối diện với “bão giá” thì người chăn nuôi lại phải đối diện với dịch bệnh lở mồm long móng. Cả năm vất vả cuối cùng nhận lại làcon số 0 tròn trĩnh.
Sau hai năm gặp không ít sóng gió, năm 2019, hàng triệu hộ chăn nuôi hy vọng sẽ có một năm thuận lợi khi giá thịt lợn hơi xuất chuồng dịp đầu năm ổn định ở mức cao, đủ để người chăn nuôi có lãi, còn người tiêu dùng không phải ăn thịt với giá quá đắt đỏ.
Song, bao nhiêu hy vọng cuối cùng đều bị dập tắt. Ngành chăn nuôi lợn lại rơi vào cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có trong lịch sử. Dịch bệnh hoành hành, người dân gồng mình tìm đủ mọi cách để chống chọi. Từ cho lợn ăn trứng, ăn bỗng rượu, mắc màn cho lợn,... họ đều làm đủ cả. Thậm chí, nhiều người còn tự giam mình, không tiếp xúc với bên ngoài, cũng không cho ai bước chân vào trang trại để giảm tối đa nguy cơ virus dịch tả xâm nhập.
Vậy nhưng, dịch vẫn xuất hiện khắp nơi, cướp đi những đàn lợn vừa mới sinh, những đàn lợn đang độ lớn, những đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng. Còn người nuôi ứa nước mắt nhìn hàng triệu con lợn mà mình đổ bao công sức chăn nuôi nay phải đem chôn.
Các thủ phủ chăn nuôi tan hoang vì dịch bệnh. Có hộ bị vài chục con, có hộ bị tới cả trăm con, cả ngàn con. Lợn chết, dân treo chuồng không dám nuôi, nhiều hộ còn phá dỡ chuồng trại vì đã cạn vốn, ngập trong nợ nần.
Chưa có con số thống kê chính xác về thiệt hại vì dịch tả lợn châu Phi, song ở giai đoạn đỉnh điểm tháng 4 tháng 5 năm nay, lợn chết nhiều đến mức một số địa phương phải than không còn quỹ đất để chôn. Lãnh đạo bộ mất ăn mất ngủ. Còn lãnh đạo tỉnh thì phát sốt do ngân sách hỗ trợ cho việc tiêu hủy lớn chưa từng có.
Những điều đó phần nào cho thấy được dịch bệnh này khủng khiếp ra sao. Tuy nhiên, đó chưa phải tất cả những gì người chăn nuôi lợn gánh chịu. Với những hộ may mắn không bị DLTCP “hỏi thăm” thì cũng lao đao vì giá. Bởi, trong cuộc khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi, dân hạn chế ăn, thịt lợn ngoài chợ ế ẩm. Hậu quả, lợn tới ngày xuất chuồng không bán được, giá lợn một lần nữa lại chạm đáy, giảm chỉ còn 25.000-28.000 đồng/kg.
Dù được nhà nước hỗ trợ khi lợn bị tiêu hủy vì dịch. Nhưng những khoản tiền hỗ trợ đó không thể khiến người chăn nuôi thoát khỏi thua lỗ, phá sản.
Trong một buổi tọa đàm trực tuyến hồi giữa năm, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã phải kêu gọi người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt lợn, cùng nhau hành động để duy trì ngành chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt lợn và chung tay cùng cơ quan nhà nước chống dịch bệnh này.
Các cuộc họp khẩn cũng được tổ chức ngay sau đó để bàn giải pháp bình ổn, giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp được kêu gọi mua lợn cấp đông nhằm chặn đà giảm giá.
Cả một năm quay cuồng với giảm giá và dịch bệnh, người chăn nuôi dường như đã kiệt sức. Dịch bệnh đã cướp đi gần 6 triệu con lợn. Đến nay, số lượng lợn phải tiêu huỷ vẫn tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại dù dịch bệnh về cơ bản dần được khống chế.
Giá tăng kỷ lục nhưng người nuôi hết lợn rồi!
Sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng dịch bệnh, những ngày cuối năm ghi nhận giá lợn đảo chiều, tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Giá thịt hơi xuất chuồng đã vọt lên 95.000 đồng/kg do nguồn cung khan hiếm. Tại chợ, giá thịt lợn cũng tăng lên 140.000-200.000 đồng/kg, thậm chí tại siêu thị có loại còn được niêm yết 280.000 đồng/kg, đắt hơn cả giá thịt bò.
Trước cơn sốt giá thịt lợn chưa từng có, cuối tháng 11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phải tổ chức cuộc họp khẩn với các địa phương, các doanh nghiệp chăn nuôi đầu ngành để tìm cách bình ổn giá thịt lợn, bàn giải pháp tăng nguồn cung ra thị trường khi mùa Tết - mùa tiêu thụ thịt lợn lớn nhất năm đang đến rất gần.
Cùng thời điểm đó, tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu bộ ngành tính toán chuyện nhập khẩu thịt lợn để đảm bảo cung cầu dịp Tết. Song, phải đảm bảo hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối.
Theo quy luật, giá thịt lợn tăng, người chăn nuôi sẽ vui vì lãi lớn. Nhưng trên thực tế, phần đa người nuôi đã hết lợn. Bởi, trải qua một năm dịch bệnh hoành hành, hộ bị dịch buộc phải tiêu huỷ cả đàn, hộ không bị dịch cũng e ngại không dám tái đàn. Thành ra, giá tăng nhưng người dân đã hết lợn bán.
Một chủ trang trại lợn lớn ở Nam Định từng tâm sự, để giữ được đàn lợn 2.000 con của mình, anh đã tự biệt giam trong trại 4 tháng trời. Người lạ cũng không được phép vào. Cuối cùng, anh giữ được đàn lợn, bán được giá cao và có chút lời. Song, trường hợp thành công như anh là khá hiếm. Nhiều hộ đã treo chuồng từ lâu, có hộ liều vào đàn rồi dịch lại tái phát. Người nuôi hết lợn rồi!.
Trong khi đó, các chủ trại lợn lớn ở Hưng Yên cũng chia sẻ, dù lợn hơi xuất chuồng được giá, bán một con lợn họ lãi vài triệu đồng, nhưng lãi này vẫn không đủ bù đắp thiệt hại cả tỷ đồng do một thời gian dài giá thịt lợn rẻ, chỉ quanh mốc 20.000-25.000 đồng/kg.
Do đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua về vấn đề giá thịt lợn tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao hơn, đồng thời cũng là dịp chia sẻ khó khăn người chăn nuôi gánh chịu.
Đến nay, dịch bệnh đã dần được kiểm soát, giá lợn đã phục hồi. Song, như lời người đứng đầu ngành nông nghiệp nói thì DTLCP vẫn chưa có vắc xin và thuốc đặc trị, chúng ta vẫn phải sống chung với nó. Và như thế, người chăn nuôi vẫn phải đối diện với bức tranh tương lai mịt mùng, còn người tiêu dùng chịu ăn thịt với giá đắt đỏ chưa từng có.
Theo Tâm An
VietnamNet