1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Lối thoát” cho DNNN thoái vốn ngoài ngành bớt chật hẹp

(Dân trí) - Giữa bối cảnh thị trường chứng khoán còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị mất giá thì việc bảo toàn vốn nhà nước sẽ là một yêu cầu ngặt nghèo và đầy thách thức để các DNNN thực hiện thoái vốn nếu "trót" đầu tư ngoài ngành.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2013/NĐ-CP về việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Nghị định ban hành ngày 11/7/2013 và có hiệu lực từ 1/9/2013.

Hoạt động đầu tư của khối DNNN sẽ được quản lý và giám sát chặt chẽ hơn.
Hoạt động đầu tư của khối DNNN sẽ được quản lý và giám sát chặt chẽ hơn.

“Siết” đầu tư vào bất động sản, tài chính, ngân hàng

Một trong 5 nguyên tắc quan trọng được đưa ra tại Nghị định, yêu cầu khi đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, DNNN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ khi ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản)

Đồng thời cũng không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính Phủ.

Nếu doanh nghiệp đã “lỡ” góp vốn, đầu tư vào những lĩnh vực “cấm” trên thì phải có phương án cơ cấu lại và thực hiện thoái hết số vốn đã đầu tư theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Nghị định cũng chỉ rõ, công ty mẹ không được nhận vốn góp đầu tư của công ty con.

Trong khi đó, công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty hạch toán phụ thuộc cũng không được góp vốn cùng công ty mẹ để thành lập doanh nghiệp mới, không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hóa công ty con khác trong cùng tập đoàn, tổng công ty hoặc tổ hợp công ty mẹ-công ty con.

Mở lối để tăng tiến độ thoái vốn

Một quy định luôn được đánh giá là khó khăn và thách thức trong việc thoái vốn ngoài ngành đối với DNNN đó là yêu cầu chuyển nhượng vốn cổ phần nhà nước theo nguyên tắc “bảo toàn vốn”. 

Yêu cầu này đã gây áp lực không nhỏ cho các DNNN khi thực hiện thoái vốn ngoài ngành nhất là giữa bối cảnh thị trường chứng khoán khó khăn, giá cổ phần của các doanh nghiệp đều mất giá.

Hoạt động đầu tư của khối DNNN sẽ được quản lý và giám sát chặt chẽ hơn.

Giai đoạn đầu năm đã có tới 76 doanh nghiệp của 23 tập đoàn kinh tế nhà nước, DNNN trực thuộc bộ, ngành và địa phương xin lùi cổ phần hoá sau năm 2015.

Tuy nhiên, Nghị định 74 đã mở ra những hướng mới và bớt hà khắc cho những doanh nghiệp "trót" đã đầu tư ngoài lĩnh vực chính. Theo đó, doanh nghiệp được chủ động thoái vốn với những khoản đầu tư ngoài ngành tại công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM qua các hình thức khớp lệnh, đấu giá, thỏa thuận hoặc chào bán cạnh tranh, nhưng không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán.

Đối với chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty chưa niêm yết, doanh nghiệp phải thực hiện đấu giá trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn. Các khoản đầu tư trên 10 tỷ đồng phải đấu giá qua Sở Giao dịch Chứng khoán. Dưới 10 tỷ đồng, doanh nghiệp được thuê công ty chứng khoán bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp hoặc qua Sở giao dịch chứng khoán.

Trường hợp khi chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhưng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán (tức chấp nhận lỗ) thì doanh nghiệp báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định. Trước đó, doanh nghiệp phải bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư vốn theo quy định và các lợi ích thu được từ đầu tư vốn.

Từng trao đổi vấn đề này với Dân trí, người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nếu vội vàng và kiên quyết áp tiến độ như tính toán trước đây sẽ dẫn đến thua thiệt trong giá bán.

Song với một số lĩnh vực, một số doanh nghiệp, dù không được giá nhưng vẫn cần thiết phải bán bởi càng để càng mất giá, chấp nhận “lỗ ít còn hơn lỗ nhiều”.

Theo Nghị định, công ty mẹ sẽ được quyền bảo lãnh cho công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% để vay vốn ngân hàng, song tổng giá trị các khoản bảo lãnh vay không được vượt quá giá trị vốn góp của công ty mẹ tại công ty con.

Trong những trường hợp này, chủ sở hữu phải giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng vốn huy động tại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiếp ử dụng vốn huy động không đúng mục đích hoặc huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu nhưng không được chủ sở hữu chấp thuận thì Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty sẽ bị xử lý trách nhiệm.

Trong đầu tư mua sắm tài sản cổ định, nếu tài sản không phù hợp, lạc hậu kỹ thuật, không sử dụng được thì người quyết định sẽ phải chịu trách nhiệm.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm