Yêu cầu Vicem thoái vốn tại hàng chục công ty “con, cháu”

(Dân trí) - Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) thoái 100% vốn góp của công ty mẹ tại 5 doanh nghiệp và thoái một phần vốn để Công ty mẹ không nắm cổ phần chi phối tại 9 doanh nghiệp…

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) giai đoạn 2013-2015. Theo đó, nghề kinh doanh chính của Vicem là sản xuất, kinh doanh xi măng và các sản phẩm vật liệu xây dựng (bê tông, cốt liệu, vật liệu xây dựng không nung, vôi công nghiệp, các loại sản phẩm từ xi măng và vật liệu xây dựng khác);  vấn đầu tư, xây dựng và phát triển xi măng; nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao bí quyết sản xuất, kinh doanh, công nghệ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

 

Chỉnh phủ yêu cầu từ nay đến 2015 Vicem phải thoái vốn hàng loạt tại các công ty đầu tư ngoài ngành
Chỉnh phủ yêu cầu từ nay đến 2015 Vicem phải thoái vốn hàng loạt tại các công ty đầu tư ngoài ngành

 

Về vốn điều lệ của Vicem do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Tài chính.

 

Về phân loại, sắp xếp, đổi mới các đơn vị thành viên hiện có của Vicem giai đoạn 2013-2015, Quyết định nêu rõ sẽ duy trì các đơn vị trong cơ cấu Công ty mẹ - Vicem gồm: Công ty Tư vấn đầu tư phát triển xi măng (CCID); Viện Công nghệ xi măng Vicem; các Ban Quản lý dự án do Công ty mẹ - Vicem thành lập.

 

Chính phủ cũng yêu cầu Vicem duy trì 3 doanh nghiệp do Công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Công ty TNHH một thành viên xi măng Vicem Hoàng Thạch; công ty TNHH một thành viên xi măng Vicem Hải Phòng; công ty TNHH một thành viên xi măng Vicem Tam Điệp.

 

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu thoái 100% vốn góp của công ty mẹ Vicem tại 5 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú- Kratie, công ty CP Cao su Đồng Nai- Kratie, công ty CP Tấm lợp- Vật liệu xây dựng Đồng Nai, công ty TNHH Bê tổng Lafarge Việt Nam, công ty CP Sông Đà 12; không nắm cổ phần chi phối tại 9 doanh nghiệp, trong đó kinh doanh các ngành nghề như Vận tải, tài chính…

 

Để thực hiện việc tái cơ cấu Vicem, Chính phủ giao bộ Xây dựng hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án tái cơ cấu Vicem sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Xây dựng định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện, ngoài ra bộ này cũng gửi báo cáo đến bộ Tài chính để tổng hợp chung gửi Thủ tướng.

 

T.Chí