Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt vào thị trường Trung Đông – Châu Phi?
(Dân trí) - Thị trường Trung Đông – Châu Phi là đối tác thương mại tiềm năng của Việt Nam, là thị trường duy nhất mà chúng ta xuất siêu trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, hướng đi trong sự cạnh tranh quốc tế và đa dạng hóa cơ hội ở thị trường này vẫn là một bài toán của các doanh nghiệp Việt.
Nhận định tại Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông – Châu Phi của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức vừa qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với diện tích và dân số tương đối lớn, Trung Đông – Châu Phi là khu vực có nhu cầu nhập khẩu cao, trong đó, nhiều mặt hàng phù hợp với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Cùng với đó, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 70 quốc gia trong khu vực này. Điều đó cho thấy cơ hội mở rộng thị phần của hàng hóa Việt Nam là rất lớn.
Trong bối cảnh các thị trường khác còn nhiều khó khăn, nhưng những mặt hàng thuần Việt xuất khẩu vẫn tăng trưởng tại Trung Đông – Châu Phi. Điều này được thể hiện qua việc hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này ngày càng phong phú, đa dạng. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống như: gạo, cà phê, hồ tiêu, giầy da,... còn xuất hiện nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như: linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng,…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Khải Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) khẳng định: Các nước thuộc khu vực Trung Đông – Châu Phi có nhu cầu nhập khẩu lớn về thủy sản, lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng,… Bên cạnh đó là nhu cầu về chất dẻo nguyên liệu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, khí đốt, máy móc thiết bị,… từ các nước Trung Đông.
Theo thống kê từ Cục xúc tiến thương mại, năm 2015, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông khoảng 5,648 triệu USD mặt hàng điện thoại di động và linh kiện, chiếm 63,5% tổng kim ngạch xuất khẩu tới khu vực này. Đây là những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam và đang có chiều hướng gia tăng.
Tuy nhiên, với 40% dân số châu Phi theo đạo Hồi nên nhiều sản phẩm vấp phải các rào cản. Điển hình như các sản phẩm giết mổ của Việt Nam khi xuất sang phải phù hợp với các thủ tục quy định của đạo Hồi và phải có giấy chứng nhận Halal. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về chất lượng cũng như giá cả với các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia,… cũng là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Việt.
Tuy là một khu vực còn nhiều bất ổn trong vấn đề an ninh, chính trị kèm theo rào cản kỹ thuật, bảo hộ thị trường trong thương mại nhưng trước mối quan hệ ngoại giao lâu dài cùng yếu tố thuận lợi trong sự tiêu thụ các hàng hóa tại thị trường Trung Đông – Châu Phi, các chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ từ Cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội ngành hàng đến các doanh nghiệp.
Theo ông Lê Thái Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp phải đánh giá lại chiến lược phát triển của mình để có thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang thị trường Đông Âu – Châu Phi. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ về văn hóa và xã hội các nước Trung Đông - châu Phi để có những sản phẩm phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đặc trưng từ thị trường.
Đối với những doanh nghiệp mới bắt đầu bước vào thị trường quốc tế, khi lên kế hoạch cho chiến lược phát triển các thương hiệu của mình thì việc quan trọng là cần phải đăng kí thương hiệu ở cả trong và ngoài nước, ông Nguyễn Liên Phương, Giám đốc Học Viện Doanh Nhân Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Phương, khi đã có được chiến lược dài hạn cho việc phát triển sản phẩm lẫn thương hiệu cùng với sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thì khả năng khai thác thị trường Trung Đông - Châu Phi sẽ hiệu quả và đa dạng hơn rất nhiều.
Ngọc Trang