Lộ tiềm lực tài chính "khủng", bầu Đức giàu đến mức nào?

(Dân trí) - “Mất hút” trong xếp hạng người giàu sàn chứng khoán Việt do giá cổ phiếu lao dốc, thế nhưng ông chủ HAGL vẫn có tiềm lực tài chính “khủng”, không những cho công ty vay cả nghìn tỷ đồng mà còn dùng tài sản cá nhân để thế chấp cho hàng loạt khoản vay trị giá hàng trăm, nghìn tỷ của HAGL.

Dùng tài sản riêng bảo lãnh cho hàng loạt giao dịch của HAGL

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã HAG) xác nhận, tại ngày 31/12/2018, tập đoàn này đang là bị đơn trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng góp vốn được ký kết ngày 19/12/2011 giữa Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital), Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế HAGL (tiền thân là Tổng công ty CP Cao su HAGL hay HAG Rubber), ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT công ty (bầu Đức) và HAGL.

FPT Capital khởi kiện yêu cầu HAGL mua lại toàn bộ 2.242.500 cổ phần của HAG Rubber mà FPT nắm giữ với giá trị yêu cầu là 141,35 tỷ đồng. Nội dung của các hợp đồng góp vốn có yêu cầu, trong mọi trường hợp và vào bất kỳ thời điểm nào sau 6 tháng kể từ ngày HAG Rubber thực hiện niêm yết (10/7/2015), HAGL có nghĩa vụ mua lại toàn bộ số cổ phần HAG Rubber mà FPT Capital nắm giữ trong trường hợp ông Đoàn Nguyên Đức không thực hiện cam kết này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Giám đốc HAGL tại ngày BCTC hợp nhất này, các điều khoản của các hợp đồng và cam kết thanh toán nêu trên có các nội dung vi phạm pháp luật dẫn đến vô hiệu hợp đồng cam kết. Vào ngày 19/10/2018, HAGL đã gửi đơn phản tố để yêu cầu TAND TP Pleiku, tỉnh Gia Lai tuyên vô hiệu hợp đồng nói trên.

Đáng chú ý, bản báo cáo này cho biết, “ông Đoàn Nguyên Đức cũng cam kết có đủ khả năng thực hiện các nội dung trong hợp đồng tuỳ vào phán quyết của Toà án mà không yêu cầu HAGL phát sinh thêm nghĩa vụ nào khác liên quan đến hợp đồng cam kết này”.

Lộ tiềm lực tài chính khủng, bầu Đức giàu đến mức nào? - 1

Bầu Đức từng là một trong những doanh nhân đầu tiên sắm máy bay riêng tại Việt Nam

Chi tiết này phần nào đã tiết lộ tiềm lực tài chính “khủng” của vị Chủ tịch HĐQT, người mà 10 năm trước từng được xếp hạng trong top giàu nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo thuyết minh của bản BCTC này thì khoản phải thu của HAGL đối với nhóm An Phú (gần 7.800 tỷ đồng) cũng đã được bầu Đức dùng tài sản riêng để bảo lãnh cùng với tài sản của một số công ty, cá nhân liên quan khác.

Ngoài ra, báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm 2018 cũng cho biết, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAGL là một trong những chủ nợ lớn của tập đoàn này.

Cụ thể, HAGL còn khoản mượn tiền, nhận góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh từ bầu Đức 136 tỷ đồng được tập đoàn này ghi nhận phải trả ngắn hạn khác và 180 tỷ đồng nhận vốn góp thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) được ghi nhận là khoản phải trả dài hạn. Đồng thời, chi phí phát sinh cho các giao dịch này là 4 tỷ đồng phải trả ngắn hạn và 2,4 tỷ đồng chi phí phải trả dài hạn.

Bầu Đức còn cho HAGL vay tín chấp, ngắn hạn thêm 163 tỷ đồng và cho vay dài hạn 130 tỷ đồng. Tổng giá trị các khoản bầu Đức cho tập đoàn vay lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.

“Không bao giờ từ bỏ HAGL”

Không chỉ cho HAGL vay nợ cả nghìn tỷ đồng, bầu Đức còn đem thế chấp hầu hết cổ phần đang nắm giữ tại HAGL cho các khoản vay của tập đoàn này với ngân hàng.

Cụ thể, 44,93 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu của bầu Đức đang được dùng làm một phần tài sản thế chấp cho khoản vay 5.876 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho BIDV đáo hạn vào cuối năm 2026 nhằm bổ sung vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay của tập đoàn này.

Bầu Đức cũng dùng 4,7 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu cá nhân để bảo lãnh khoản vay 991 tỷ đồng bằng trái phiếu phát hành cho VPBank từ 28/7/2019 đến 28/12/2021.

10,8 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu bầu Đức cũng đã được thế chấp cho khoản vay 930 tỷ đồng cho khoản vay trái phiếu phát hành cho Ngân hàng TMCP  Phát triển TPHCM – chi nhánh SGD Đồng Nai đáo hạn tháng 12/2023.

Bầu Đức còn đem 4,7 triệu cổ phiếu HAG của mình để thế chấp cho khoản vay bằng trái phiếu trị giá 145,27 tỷ đồng tại VPBank và 4,7 triệu cổ phiếu HAG khác thế chấp cho khoản vay 344,23 tỷ đồng bằng trái phiếu cũng được phát hành cho VPBank.

Ngoài ra, có 12,96 triệu cổ phiếu HAG của bầu Đức đang được dùng để thế chấp cho khoản vay trái phiếu 180 tỷ đồng phát hành cho Ngân hàng Bản Việt.

Chưa hết, bầu Đức và vợ là bà Hoàng Thị Ngọc Bích còn sử dụng 36 triệu cổ phiếu HAG để làm tài sản thế chấp cho khoản vay 887,5 tỷ đồng tại HDBank; 23,2 triệu cổ phiếu HAG của bầu Đức thế chấp cho khoản vay dài hạn hơn 262,4 tỷ đồng tại Sacombank chi nhánh Đà Nẵng; 18,57 triệu cổ phiếu HAG cũng của bầu Đức thế chấp cho khoản vay 300 tỷ đồng tại Sacombank chi nhánh Sài Gòn.

Còn nhớ, tại phiên họp ĐHĐCĐ của HAGL cách đây 2 năm, bầu Đức từng kêu gọi tất cả cổ đông tin tưởng vào HAG và bản thân ông. “Đừng bao giờ nghi ngờ vào việc tôi lập công ty nào đó để bỏ túi riêng. Chỉ cần 2 năm nữa là mọi người sẽ có quả ngọt”, ông Đức lúc đó chia sẻ.

Thời điểm đó, Chủ tịch HAGL cho biết, suốt ngày ông phải thương thảo và thương thảo, cấu trúc và cấu trúc, không còn tâm trí để công bố thông tin. “Nếu tôi không đủ bản lĩnh, tay lái yếu một xíu thì con thuyền HAG đã chìm, theo đúng nghĩa chết trên đống tài sản” – bầu Đức cho biết và khẳng định rằng:“Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ HAGL. Sau này khi HAGL làm ăn có lãi, chia cổ tức thì tôi sẽ lấy tiền đó, mua lại số cổ phiếu đã mất”

Đến nay, ông Đoàn Nguyên Đức vẫn đang là cổ đông lớn nhất tại HAGL với khối lượng cổ phiếu nắm giữ là 326,73 triệu cổ phiếu HAG, chiếm tỷ lệ 35,23% vốn điều lệ tập đoàn. Giá trị số cổ phần nào vào khoảng 1.767,6 tỷ đồng theo thị giá HAG.

Mai Chi