Hoàng kim có trở lại với bầu Đức nhờ vào giá cao su?

(Dân trí) - Giá cao su trên thị trường thế giới đã tăng mạnh trở lại trong thời gian gần đây, điều này khiến nhiều người tin rằng, đây là cơ hội để những doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai quay trở lại thời hoàng kim. Thế nhưng có thực doanh nghiệp của bầu Đức sẽ hưởng lợi?

Trong báo cáo thị trường vừa cập nhật cuối chiều 11/1, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, giá phái sinh cao su trên sàn Tokyo đã chứng kiến kỳ phục hồi liên tiếp từ mức giá 154,7 JPY/kg lên mức 183,3 JPY/kg, sau khi giảm từ đỉnh 5 năm vào ngày 27/1/2017 từ mức giá 331,3 JPY/kg.

Diễn biến này xuất phát từ việc chính phủ các nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia tiếp tục cắt giảm diệ̂n tích trồng cao su, nhằm cắt giảm nguồn cung cao su, qua đó đẩy giá cao su cao lên.

Điều này khiến nhiều người tin rằng, đây là cơ hội để những doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai quay trở lại thời hoàng kim. Hiện tại, tập đoàn của bầu Đức đang có khoảng 40.000 ha diện tích trồng cao su, trong đó hơn 17.000 ha có thể khai thác.

Cặp cổ phiếu HAG và HNG trong phiên hôm qua đều tăng giá tốt: HNG tăng 0,3% lên 14.850 đồng và HAG tăng 4,5% lên 5.080 đồng/cổ phiếu.

Hoàng kim có trở lại với bầu Đức nhờ vào giá cao su? - Ảnh 1.

Bầu Đức đã trải qua thời kỳ kinh doanh đầy khó khăn vì giá cao su tuột dốc trước khi tái cơ cấu, dồn lực cho cây ăn quả

Đóng cửa phiên hôm qua, một số mã trong lĩnh vực cao su khác cũng tăng giá tốt như PHR tăng 900 đồng lên 36.000 đồng/cổ phiếu, DPR tăng 600 đồng lên 32.300 đồng, TRC tăng 700 đồng lên 22.200 đồng, TNC tăng 800 đồng lên 13.300 đồng, DRI tăng 300 đồng lên 6.300 đồng.

Tuy nhiên, theo BVSC, các công ty cao su của Việt Nam tuy cũng được hưởng lợi từ việc giá cao su trên thế giới tăng nhưng không nhiều. Nguyên do là mặc dù Việt Nam là 1 trong 3 nước xuất khẩu cao su nhiều nhất thế giới nhưng cao su do Việt Nam làm ra là loại SVL3L, loại này lại không có nhiều nhu cầu lớn trên thế giới.

Trong khi đó những loại cao su được sử dụng nhiều như SVR20, RSS thì các doanh nghiệp lốp xe của Việt Nam phải đi nhập về, do trong nước không tự sản xuất được.

Do vậy, "việc giá cao su tăng có tác động không mấy tích cực đến các doanh nghiệp lốp xe của Việt Nam nhiều hơn là tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất cao su" – BVSC nhận định.

Kết phiên giao dịch cuối tuần 11/1, thị trường ghi nhận có 328 mã tăng, 52 mã tăng trần so với tổng cộng 236 mã giảm, 43 mã giảm sàn. Với độ rộng thị trường đang nghiêng về số mã tăng, các chỉ số đã được hỗ trợ đáng kể.

VN-Index tăng 4,41 điểm tương ứng 0,49% lên 902,71 điểm, chính thức giành lại ngưỡng 900 điểm sau nhiều giằng co. Còn HNX-Index cũng đạt mức tăng nhẹ 0,09% lên 101,87 điểm.

Thanh khoản thị trường tuy vậy chưa có sự cải thiện khi mà toàn phiên chỉ có 131,41 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX, tương ứng 2,841,73 tỷ đồng. Con số này tại HNX là 22,97 triệu cổ phiếu tương ứng 272,49 tỷ đồng. Toàn thị trường vẫn còn 806 mã cổ phiếu không xảy ra giao dịch nào.

Nhận được sự ủng hộ của phần lớn mã cổ phiếu trên sàn, mức tăng của VN-Index trong phiên có đóng góp đáng kể của hai mã trụ cột là VHM và VNM. Trong đó, VHM đóng góp 2,07 điểm và VNM đóng góp 1,24 điểm cho chỉ số chung.

Bên cạnh đó, VJC, VRE, VCB, TCB, BVH… phiên này cũng tăng giá tốt và có ảnh hưởng tích cực đến thị trường. Ở chiều ngược lại, nhóm có tác động tiêu cực đến VN-Index là BID, HPG, GAS, MWG…

BVSC dự báo, lực cung chốt lời sẽ tiếp tục gia tăng khi thị trường tiếp cận các vùng kháng cự mạnh trong các phiên đầu tuần tới. Nếu thị trường điều chỉnh, đây sẽ là phép thử đối với sức mạnh dòng tiền trên thị trường ở thời điểm hiện tại.

Mai Chi

Hoàng kim có trở lại với bầu Đức nhờ vào giá cao su? - Ảnh 2.