Lỗ tại Hoàng Anh Gia Lai đã vượt dự kiến của bầu Đức

Mai Chi

(Dân trí) - HAGL đặt mục tiêu doanh thu thuần cả năm ở mức 5.082 tỷ đồng và lỗ hợp nhất trước thuế 356 tỷ đồng, kết thúc 9 tháng, trong khi doanh thu mới hoàn thành chưa tới phân nửa thì lỗ đã là 702 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) đã chính thức công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ có cải thiện đáng kể, tăng 135 tỷ đồng so với quý 3/2019 lên 701 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) kỳ này, doanh thu trái cây đóng góp 527 tỷ đồng, tăng 175 tỷ đồng so với quý 3/2019 chủ yếu do diện tích thu hoạch trái cây tăng.

Doanh thu mủ cao su chỉ mang lại 54 tỷ đồng, giảm 15 tỷ đồng so cùng kỳ. Doanh thu cung cấp dịch vụ khác tăng 37 tỷ đồng lên 99 tỷ đồng còn doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa khác lại giảm 63 tỷ đồng xuống mức 21 tỷ đồng trong quý 3 năm nay. Theo lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai, trong kỳ vừa rồi, tập đoàn này chủ trương chỉ tập trung đầu tư cây ăn trái.

Lỗ tại Hoàng Anh Gia Lai đã vượt dự kiến của bầu Đức - 1

Nợ phải trả của HAGL sau 9 tháng đã tăng 4.522,7 tỷ đồng, trong đó giá trị nợ ngắn hạn vượt giá trị tài sản ngắn hạn

Cùng với sự gia tăng của doanh thu thì giá vốn hàng bán cũng tăng đáng kể, tăng 203 tỷ đồng lên 757 tỷ đồng.

Do kinh doanh dưới giá vốn, tập đoàn của ông Đoàn Nguyên Đức ghi nhận lỗ gộp 56,2 tỷ đồng trong quý 3 (cùng kỳ có lãi gộp 3,4 tỷ đồng).

Đáng chú ý, số liệu tại báo cáo kết quả kinh doanh thể hiện sự sụt giảm rất mạnh doanh thu tài chính. Chỉ tiêu này trong quý 3 giảm tới 1.308 tỷ đồng so với cùng kỳ xuống còn 139 tỷ đồng. Nguyên nhân là trong quý 3/2019, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận lãi từ việc thanh lý các khoản đầu tư, khoản thu nhập này không phát sinh trong quý 3/2020

Trong khi đó, chi phí tài chính giảm 17 tỷ đồng so cùng kỳ 2019 xuống mức 264 tỷ đồng. Cụ thể, tuy lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái tăng 25 tỷ đồng lên 46 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay giảm 36 tỷ đồng xuống 213 tỷ đồng chủ yếu do số dư nợ vay giảm.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng giảm 19% còn 73,8 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13% lên 154,7 tỷ đồng. Hoàng Anh Gia Lai cũng giảm được khoản lỗ khác từ 773,1 tỷ đồng của cùng kỳ xuống 162,6 tỷ đồng trong quý 3 năm nay.

Theo đó, khép lại quý 3/2020, tập đoàn của bầu Đức báo lỗ trước thuế 570 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 109 tỷ đồng), lỗ sau thuế 568 tỷ đồng, lỗ ròng (lỗ sau thuế thuộc về công ty mẹ) là 187 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng lên tới 1.369 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai đạt 2.171 tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ, tuy nhiên do chi phí lớn nên tập đoàn này vẫn lỗ 702 tỷ đồng, lỗ ròng 80 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Hoàng Anh Gia Lai mục tiêu đạt doanh thu thuần cả năm dự kiến ở mức 5.082 tỷ đồng và lỗ hợp nhất trước thuế 356 tỷ đồng. Như vậy, đến thời điểm này, công ty đã vượt dự kiến lỗ cho cả năm.

Tại ngày 30/9, Hoàng Anh Gia Lai có 42.077,8 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 3.445,4 tỷ đồng, trong đó, tài sản ngắn hạn tăng 2.031,5 tỷ đồng lên 9.105,2 tỷ đồng. Đáng chú ý là giá trị các khoản phải thu ngắn hạn lại tăng từ 4.569,3 tỷ đồng hồi đầu năm lên 6.186,2 tỷ đồng vào cuối tháng 9.

Nợ phải trả sau 9 tháng tăng 4.522,7 tỷ đồng lên con số 26.346,4 tỷ đồng. Riêng nợ ngắn hạn là 11.298,9 tỷ đồng, tăng 3.209,1 tỷ đồng. Tính ra, nợ ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang vượt giá trị tài sản ngắn hạn tại ngày 30/9 gần 2.200 tỷ đồng.

Vào ngày 10/9, Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua nghị quyết về việc chuyển đổi số dư nợ phải thu của Chăn nuôi Gia Lai với số tiền 5.865,6 tỷ đồng thành 586,56 triệu cổ phần tương ứng 88,03% quyền sở hữu trong Chăn nuôi Gia Lai. Theo đó, Chăn nuôi Gia Lai trở thành công ty con của tập đoàn từ ngày này.

Thay đổi này khiến tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai tại ngày 30/9 tăng hơn 1.800 tỷ đồng so với quý 2 và lợi thế thương mại tăng đột biến từ 909 tỷ đồng thời điểm cuối quý 2 lên 6.560 tỷ đồng.