Lộ diện những khoản tiền "không phải dạng vừa" của nhà ông Trần Quí Thanh

Kim Ngọc

(Dân trí) - Gia sản của những người lãnh đạo tập đoàn Tân Hiệp Phát dần được hé lộ qua các vụ đấu giá, kiện tụng... Dù là xuất hiện trong hoàn cảnh nào, số tiền đều được nhắc tới ở mức hàng trăm, nghìn tỷ đồng.

Nhiều sổ tiết kiệm hàng trăm, nghìn tỷ đồng

Tra cứu thông tin từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho thấy bà Trần Uyên Phương - con gái ông Trần Quí Thanh và bà Nguyễn Thị Nụ - vợ ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tân Hiệp Phát có nhiều sổ tiết kiệm tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng làm tài sản bảo đảm để đăng ký giao dịch bảo đảm. Trước đó, từ năm 2019, việc dùng tài sản để đăng ký giao dịch bảo đảm như thế này cũng được 2 cá nhân trên thực hiện nhiều lần với giá trị lớn.

Thông tin thể hiện rõ từ đầu năm nay đến giờ, bà Nguyễn Thị Nụ có 5 lần thực hiện giao dịch bảo đảm với tài sản bảo đảm là nhiều thẻ tiết kiệm, tổng giá trị 1.794 tỷ đồng.

Lộ diện những khoản tiền không phải dạng vừa của nhà ông Trần Quí Thanh - 1

Thống kê một số hợp đồng giao dịch qua các năm (Nguồn: Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm).

Trong ngày 27/3 (ngày có hiệu lực của hợp đồng), bà Nụ cầm 7 thẻ tiết kiệm tổng giá trị 1.369 tỷ đồng làm tài sản bảo đảm tại BIDV chi nhánh Nam Bình Dương. Các thẻ này đáo hạn vào tháng 2 - 4 - 5/2024, lãi suất 12,5-13%/năm.

Vào 2 ngày 28/3 và 29/3, bà Nụ mang 3 thẻ tiết kiệm tổng giá trị 330 tỷ đồng làm tài sản đảm bảo ở ngân hàng trên. Các thẻ này đến hạn vào tháng 3/2024.

Giống như mẹ mình, bà Trần Uyên Phương từ năm 2019 đến nay phát sinh nhiều khoản tài sản bảo đảm bằng tiền mặt hoặc thẻ tiết kiệm. Trong các tháng đầu năm nay, 4 thẻ tiết kiệm tổng giá trị 819 tỷ đồng được bà Phương làm tài sản bảo đảm cho các giao dịch. BIDV chi nhánh Nam Bình Dương là bên nhận bảo đảm.

Lộ diện những khoản tiền không phải dạng vừa của nhà ông Trần Quí Thanh - 2

(Nguồn: Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm).

5.190 tỷ đồng liên quan tới đại án Phạm Công Danh

Cái tên Tân Hiệp Phát cùng ông Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích cũng được biết đến nhiều ở đại án Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CBBank). Trong vụ án này, bà Bích (cùng một số người thân trong gia đình) gửi hơn 5.000 tỷ đồng tại VNCB dưới hình thức 124 sổ tiết kiệm, sau đó thế chấp sổ tiết kiệm cho VNCB để vay tiền tại VNCB. Tuy nhiên, khi tiền vay về tài khoản bà Bích thì bị cáo Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới chuyển sang tài khoản của mình để tất toán các khoản vay khác không hồ sơ, chứng từ trước đó.

Hội đồng xét xử phúc thẩm sau đó đã tuyên thu hồi 5.190 tỷ đồng vì đây là vật chứng của hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; đồng thời buộc bà Trần Ngọc Bích và ông Trần Quí Thanh phải trả cho VNCB 5.190 tỷ đồng; buộc bị cáo Phạm Công Danh phải có nghĩa vụ trả cho nhóm bà Bích 5.190 tỷ đồng (như bản án sơ thẩm). Khoản tiền bị cáo Danh nợ nhóm bà Bích sẽ được tách ra bằng một vụ kiện dân sự khác nếu nhóm bà Bích có yêu cầu.

Ngoài ra trong lời khai tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh còn nói đã phải trả 2.700 tỷ đồng tiền lãi ngoài cho ông Trần Quí Thanh.

Từng đấu giá nhiều khu đất lớn, giá trị nghìn tỷ đồng

"Nhà Tân Hiệp Phát" cũng từng lộ diện với khối tài sản cả nghìn tỷ đồng khi chi tiền đấu giá đất. Tập đoàn Tân Hiệp Phát từng chi hơn 537 tỷ đồng trúng đấu giá quyền sử dụng khu đất gần 8ha tại khu An Hải, An Hội, huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Trần Quí Thanh chi 394 tỷ đồng trúng đấu giá một khu đất gần 2ha ở phường 10, ngay trung tâm TP Vũng Tàu. Bà Trần Ngọc Bích, con gái ông Thanh, chi 250 tỷ đồng để làm chủ 2 mảnh đất đấu giá gần 3ha ở huyện Côn Đảo và huyện Đất Đỏ. Tổng số tiền đấu giá những lần này khoảng 1.200 tỷ đồng.

Tân Hiệp Phát cũng là cái tên "đáng gờm" trên thị trường đồ uống Việt Nam, cạnh tranh ngang ngửa với nhiều đại gia nước ngoài như Coca-Cola, Pepsi.

Giai đoạn 2014-2017, Tân Hiệp Phát ghi nhận doanh thu trung bình 7.000 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm. Sang năm 2018, doanh thu tăng lên 8.300 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.000 tỷ đồng. Đến năm 2019, Tân Hiệp Phát thu về 9.200 tỷ đồng, lãi 3.300 tỷ đồng. Ông Trần Quí Thanh từng tuyên bố mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2030.

Đăng ký giao dịch bảo đảm là hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản. Theo đó bên bảo đảm cam kết với bên nhận bảo đảm về việc dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Các trường hợp cần đăng ký giao dịch bảo đảm như thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển.

Một số biện pháp bảo đảm cũng sẽ được đăng ký khi có yêu cầu như thế chấp tài sản là động sản khác; Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.