Liên tục rớt hạng về vốn hóa, Vinamilk bao giờ mới trở lại đường đua?
(Dân trí) - Từ vị thế luôn nằm trong top 5, Vinamilk rớt xuống hạng 10 trong bảng danh sách các doanh nghiệp được định giá cao nhất trên sàn HoSE.
Tụt lại phía sau
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), đến hết tháng 2, tổng cộng 48 doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu tại HoSE đạt vốn hóa tỷ USD, tăng thêm 4 doanh nghiệp so với tháng trước.
Trong đó, 3 "ông lớn" có vốn hóa lớn nhất thị trường lần lượt là Vietcombank (399.898 tỷ đồng - 17,5 tỷ USD), Vinhomes (337.463 tỷ đồng - 14,8 tỷ USD), Vingroup (293.673 tỷ đồng - 12,9 tỷ USD). 3 doanh nghiệp này cũng có mức định giá vượt mốc 10 tỷ USD.
Trong khi đó, những doanh nghiệp còn lại trong top 10 về vốn hóa có sự xáo trộn về vị trí. Đặc biệt, vốn hóa của Vinamilk sụt giảm còn 163.853 tỷ đồng, tương đương 7,2 tỷ USD. Doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam rơi xuống vị trí thứ 10 về giá trị niêm yết, tụt một bậc so với tháng 1. Đây cũng là vị trí thấp nhất trong nhiều năm qua của Vinamilk trên bảng xếp hạng vốn hóa của HoSE.
Xuyên suốt lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp có thời gian nắm giữ "ngôi vương" về vốn hóa trong thời gian dài nhất. Trong gần 4 năm qua, đại gia ngành sữa không còn giữ vị trí đầu bảng nhưng vẫn thường xuyên nằm trong top 5 doanh nghiệp có giá trị niêm yết lớn nhất trước khi rớt khỏi nhóm này từ giữa năm 2021.
Vinamilk liên tục rớt hạng về giá trị khi cổ phiếu của doanh nghiệp trong một năm qua giảm hơn 20%. Ở chiều ngược lại, VN-Index tăng gần 30% trong cùng khoảng thời gian này.
Đóng cửa phiên giao dịch 2/3, thị giá cổ phiếu VNM của Vinamilk giảm còn 78.500 đồng/cổ phiếu, là vùng giá thấp nhất của VNM trong gần 2 năm qua kể từ tháng 5/2020. Tại thời điểm đó, cả thị trường chứng khoán vừa trải qua đợt lao dốc khi dịch Covid-19 lần đầu bùng phát. Và kể từ đó đến nay, nhiều cổ phiếu bluechip trong nhóm VN30 đã tăng giá vài trăm phần trăm trong khi VNM lại thuộc nhóm số ít đi giật lùi.
Liệu có phục hồi?
Năm 2021, Vinamilk đạt doanh thu 60.919 tỷ đồng, mức cao kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp. Tuy nhiên, biên lợi nhuận suy giảm do chi phí nguyên liệu, sản xuất tăng khiến lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 5% so với cùng kỳ 2020, chỉ đạt 10.633 tỷ đồng. Với việc tăng trưởng âm, doanh nghiệp cũng không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận.
Theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Vinamilk năm nay có thể tăng trưởng doanh thu 7%, lợi nhuận dự kiến tăng 4% so với kết quả 2021.
Nhìn chung, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) dù phục hồi nhanh trong năm 2022 nhưng còn nhiều thách thức. Theo VCSC, sức mua của người tiêu dùng phổ thông năm nay vẫn thấp hơn 5-10% so với thời điểm 2019 khi thu nhập chịu ảnh hưởng sau đại dịch.
Minh chứng cụ thể là vào tháng 10/2021, thời điểm các quy định giãn cách xã hội được bãi bỏ ở nhiều tỉnh thành, doanh số của Vinamilk tại thị trường trong nước tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sau cả quý IV, mức tăng trường giảm còn 7%.
Dù thị phần của Vinamilk tăng thêm 1% trong năm 2021 với năng lực mạnh hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành trong việc duy trì hoạt động kinh doanh ổn định trước những gián đoạn do dịch Covid-19, chuyên gia của VCSC dự báo khả năng lấy thêm thị phần của doanh nghiệp sẽ hạn chế trong tương lai. Lý do là Vinamilk đã chiếm tới 60% tổng thị phần ngành sữa trong nước và thị trường nội địa đang cạnh tranh gay gắt, đặc biệt ở mảng sữa công thức.
Ngoài ra, ban lãnh đạo Vinamilk cũng cho biết đã tăng nhẹ giá bán dưới 5% trong tháng 12/2021 và tháng 1 khi chi phí nguyên liệu đầu vào tăng. Vinamilk đã chốt giá bột sữa đầu vào cho sản xuất đến tháng 6 và kỳ vọng không tăng giá bán từ nay đến cuối năm ngoại trừ xảy ra biến động đáng kể trong cơ cấu chi phí.