Vinamilk "ngậm ngùi" dù lập đỉnh doanh thu, nắm giữ lượng tiền mặt tỷ USD
(Dân trí) - Doanh thu tăng lên mức kỷ lục nhưng tỷ suất sinh lời sụt giảm khiến lợi nhuận của Vinamilk thụt lùi trong năm 2021.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với doanh thu hợp nhất đạt 15.834 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2020. Đây là mức tăng trưởng theo quý nhanh nhất của Vinamilk trong gần 5 năm qua.
Trong đó, doanh số tại thị trường nội địa vượt 13.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 7%. Vinamilk cho biết nếu so với tình hình chung của toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nói chung và ngành sữa nói riêng còn nhiều khó khăn trong 2 tháng 10-11/2021, theo dữ liệu nghiên cứu thị trường. Vinamilk khẳng định công ty đã tăng trưởng nhanh hơn mặt bằng chung toàn ngành, qua đó giành thêm thị phần về cả giá trị và sản lượng sữa trong nước.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu trực tiếp và các chi nhánh nước ngoài đem về cho Vinamilk 5.800 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm. Công ty cho biết các thị trường xuất khẩu đóng góp lớn trong quý vừa qua bao gồm Trung Đông, châu Phi. Đặc biệt, chi nhánh tại thị trường Campuchia của công ty với thương hiệu Angkormilk tăng trưởng trên 40%.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk quý vừa qua lại giảm nhẹ so với cùng kỳ còn 42,5%. Giá hàng hóa, cước phí vận chuyển tiếp tục tăng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp. Vinamilk cho biết đang tiếp tục tích cực thương thảo với các nhà cung cấp để cải thiện chi phí nguyên liệu cho các quý tiếp theo.
Dù đã tiết giảm chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam vẫn sụt giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ 2020, còn 2.213 tỷ đồng. Như vậy, trong cả 4 quý của năm 2021, Vinamilk đều tăng trưởng lợi nhuận âm so với năm trước.
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu hợp nhất của Vinamilk vẫn tăng nhẹ 2% so với 2020, đạt 61.012 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch năm, công ty mới hoàn thành 98% chỉ tiêu. Thị trường nội địa chiếm hơn 80% tỷ trọng doanh số của công ty đi ngang trong khi mảng kinh doanh ở nước ngoài tăng trưởng hơn 10%.
Dù doanh thu tăng, do biên lãi gộp suy giảm, lợi nhuận ròng của Vinamilk cả năm 2021 chỉ đạt 10.633 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ 2020 và hoàn thành 95% kế hoạch năm. Doanh nghiệp này một lần nữa gặp cảnh thụt lùi về lợi nhuận sau 3 năm tăng trưởng liên tục.
Trong năm qua, tổng tài sản của Vinamilk tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng lên hơn 53.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm đến 23.375 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Với lượng tiền mặt quá lớn, Vinamilk nhận hơn 1.200 tỷ đồng tiền lãi trong năm qua. Bình quân mỗi ngày, công ty lại thu về 3 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng.
Đóng cửa thị trường chứng khoán trước Tết Nguyên Đán, thị giá cổ phiếu VNM chốt ở mức 83.100 đồng/cổ phiếu. Trong khi các chỉ số chứng khoán tăng mạnh trong một năm qua, giá cổ phiếu VNM đã giảm 15% trong 12 tháng gần nhất. Từ vị trí luôn nằm trong top 5 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất Việt Nam, định giá của Vinamilk hiện giảm còn 7,7 tỷ USD, đứng hạng 9 trong danh sách doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán.