Lê Ân - Số phận kỳ lạ của một đại gia (Kỳ cuối)
Sau khi gặt hái được quá nhiều thành công từ lĩnh vực tài chính ngân hàng, Lê Ân đã muốn nghỉ ngơi. Ông thật sự muốn nghỉ ngơi. Nhưng, đời sống là chuỗi ngày rất dài và đầy biến động. Và những cá nhân như ông, không phải sinh ra là để ngơi nghỉ.
Kỳ cuối: Tâm nguyện về chiều
Cuộc chơi tiền tệ
Quá thành công từ lĩnh vực tài chính này, Lê Ân tự tin hơn trong việc thử nghiệm các phát kiến kinh doanh. Ông là người đầu tiên nghĩ và cho thực hiện loại hình kinh doanh rất mới, chưa từng có trong tiền lệ thanh toán tiền tệ. Đó chính là việc phát hành các loại séc lữ hành để phục vụ khách hàng gửi tiết kiệm không kỳ hạn cũng như mở tài khoản thanh toán của khách vãng lai. Điều này đồng nghĩa, chỉ cần khách hàng đến Quỹ tín dụng Hòa Hưng gửi tiết kiệm thì lập tức có thể rút tiền ở bất cứ quỹ tín dụng hoặc ngân hàng nào trong khối liên kết ngoài quốc doanh, mà không cần phải thông qua trung tâm thanh khoản.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Dễ hiểu hơn, hình thức này cũng giống như việc dùng thẻ ATM rút tiền liên thông các ngân hàng tại các trụ ATM. Khác biệt là bây giờ dùng ATM rút tiền từ ngân hàng khác phải đóng phí, còn thời của Lê Ân là miễn phí. Séc lữ hành của Lê Ân hoàn toàn không thể làm giả mạo ở thời điểm ấy. Không chỉ vậy, Quỹ tín dụng Hòa Hưng của Lê Ân còn cho rất nhiều các quỹ tín dụng quốc doanh khác vay tiền để thanh toán các khoản kinh doanh thua lỗ.
Cũng trong thời điểm ấy, Quỹ tín dụng Hòa Hưng được chấp nhận cho phép nâng cấp thành Ngân hàng CP Đại Nam. Và ngân hàng này hoạt động song song cùng Quỹ tín dụng Hòa Hưng, chứ không phải là vì có ngân hàng nên sẽ xóa sổ tên gọi lẫn công năng của Quỹ tín dụng Hòa Hưng.
Thật ra, việc Quỹ tín dụng Hòa Hưng được giữ lại chính là một thành công của ông Lê Ân. Bởi, ngay trong cuộc họp Hội đồng Quản trị đầu tiên của Ngân hàng CP Đại Nam, ông Lê Ân đã bị gạt khỏi tất cả các chức danh lãnh đạo của Ngân hàng Đại Nam với lý do chính: “Lê Ân từng bị cải tạo vì cung cấp vàng cho người vượt biên trái phép, từ thời ông còn kinh doanh vàng tại tiệm vàng Chí Thành”.
Không sao cả, vì tất cả đã nằm trong dự liệu của ông. Ông không sốc vì lý do bị gạt ra khỏi cuộc chơi được hình thành từ tâm huyết và sự lao tâm khổ tứ của mình. Ông chỉ sốc bởi cái cách mà những người ông tưởng là bạn bè tốt của ông đã đối xử với ông. Không được giữ chức danh tại Ngân hàng CP Đại Nam thì ông về nắm quyền tại Quỹ tín dụng Hòa Hưng với số vốn cực lớn trong tay lẫn ngân hàng
Và có một chuyện không phải ai cũng biết, ngoài việc sáng lập hai ngân hàng là Ngân hàng CP Hướng Thọ Phú và Ngân hàng CP Đại Nam, khai sinh Quỹ tín dụng Hòa Hưng thì Lê Ân còn âm thầm làm cố vấn để giải cứu hàng loạt quỹ tín dụng khác khi những quỹ tín dụng này gặp khó khăn, thua lỗ. Có điều, đây là việc mà ông xem như là trách nhiệm của mình, với lại là người ta có lời nhờ nên ông không muốn nhắc đến quá nhiều. Phải thông qua một người bạn thân thiết của ông, ông mới chịu cất lời kể.
Bị gạt khỏi cuộc chơi tại Ngân hàng CP Đại Nam, Lê Ân lại trở thành tâm điểm của các hợp tác xã tín dụng, ngân hàng cổ phần nằm trong khối liên kết mà trước đó ông đã được bầu làm chủ tịch. Họ tha thiết mời ông giúp họ qua cơn bĩ cực. Từ đó, Lê Ân đã trở lại để cố vấn cho một số hợp tác xã, trung tâm tín dụng. Ngay cả Quỹ tín dụng Phú Đông, đứng trước nguy cơ phá sản, họ tha thiết mời ông về làm quản lý. Động thái đầu tiên của ông khi nhận lời là lập tức gửi vào quỹ tín dụng này 10kg vàng từ số tài sản tiêng của ông. Có vàng nghĩa là có tiền. Mà có tiền lại đồng nghĩa với việc đứng vững. Trong lúc các “đại gia tín dụng” khác như Nguyễn Văn Mười Hai, Huỳnh Là, Lâm Cẩu… vào tù vì lấy tiền người gửi sau trả cho người gửi trước với lãi suất ngất ngưởng, thì Tín dụng Phú Đông vẫn hoạt động sinh lãi. Chỉ trong vòng 4 tháng điều hành, ông đã giúp Quỹ tín dụng Phú Đông trả được toàn bộ số nợ xấu và lãi gần 100 triệu đồng. Một số tiền mà lãnh đạo Quỹ tín dụng Phú Đông trước đó có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.
Ông nhớ: “Tôi đề xuất với lãnh đạo Tín dụng Phú Đông rằng, các vị nên sáp nhập với tín dụng Thống Nhất để xin nâng cấp lên thành ngân hàng. Đó là việc làm sẽ giúp cả hai quỹ tín dụng cùng tồn tại và phát triển”. Đương nhiên, với khả năng đã được minh chứng, đề xuất này của Lê Ân được chấp thuận lập tức. Việc sáp nhập hai quỹ tín dụng này chính là tiền thân của Ngân hàng Tân Việt.
Sau khi hoàn thành vai trò của mình trong chiến dịch giải cứu Quỹ tín dụng Phú Đông, Lê Ân lấy lại 10kg vàng đã gửi, tuyệt nhiên không lấy lãi và giao lại toàn bộ việc điều hành cho ê-kíp lãnh đạo mới. Đến sao đi vậy, ông nói: “Ngay cả tiền lương, tôi cũng không nhận, huống gì mưu cầu khác. Tuy nhiên, giải quyết xong vụ Phú Đông, tôi thấy mệt mỏi. Hồi đó tôi đã định rửa tay gác kiếm, không tham gia làm ngân hàng hay tín dụng nữa”.
Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời Lê Ân, ông muốn được nghỉ ngơi. Nhưng trời không chiều lòng người.
Thêm ngân hàng mới
Ông có nhắc đến nhiều việc người vợ thứ 3 lấy của ông 27kg vàng để kết thúc một cuộc hôn nhân, nhưng đây không phải là chủ đề chính trong loạt bài này nên chúng tôi không đề cập đến nhiều mà chỉ tập trung vào các chi tiết chính để cố giải mã về sự thành công của đại gia Lê Ân.
Ngay khi ông Lê Ân chưa kịp làm lễ tuyên bố “Rửa tay gác kiếm”, thì bất ngờ ông nhận được lời năn nỉ của Quỹ tín dụng Hội Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Lãnh đạo của quỹ tín dụng này đã rất nhiều lần lên TP HCM, tìm mọi cách để gặp gỡ, nói chuyện lẫn thuyết phục ông về Bà Rịa - Vũng Tàu, giúp họ vượt qua khó khăn mà quỹ tín dụng này đang gặp phải. Quỹ tín dụng hiện tại đang lỗ 10 tỉ đồng, đã dự tính ngày tuyên bố phá sản. Ban đầu, ông kiên quyết từ chối, lý do: “Tôi đã mệt mỏi rồi”. Nhưng rồi ông lại động lòng trước những lời khẩn cầu.
“Tôi rủ người bạn chí cốt của tôi là anh Võ Ngọc Chuyển xuống Vũng Tàu, làm quản lý cho Quỹ tín dụng Hội Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Họ đã cùng đường mới nhờ đến mình. Với lại, thật sự là tôi muốn làm việc để quên đi nỗi buồn trong hôn nhân”, ông Lê Ân kể vậy.
Ngay khi tiếp nhận quỹ tín dụng này, ông Lê Ân đã tổ chức họp báo, nhờ các phương tiện truyền thông loan đi cam kết của chính ông rằng, chỉ trong khoảng thời gian cực ngắn, Quỹ tín dụng Hội Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo sẽ hoàn trả toàn bộ cả lãi lẫn gốc của những khách hàng có nhu cầu rút tiền. Hoàn toàn không còn tình trạng hứa hão, xin khất lần như trước đây. Hứa được, làm được, toàn bộ tiền gửi tiết kiệm cộng với phần lãi suất theo quy định cho các cá nhân đã gửi tiết kiệm tại đây được Lê Ân thanh toán sòng phẳng, đàng hoàng. Tiếp đến, Lê Ân bàn với lãnh đạo Quỹ tín dụng, nộp hồ sơ xin nâng cấp Quỹ tín dụng Hội Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo lên thành Ngân hàng Thương mại CP Vũng Tàu (tên giao dịch là VCSB).
Ngày 9/10/1991, trụ sở của VCSB chính thức được khai trương tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với giấy phép hoạt động có thời hạn là 99 năm. Ngoài việc khai sinh ra Ngân hàng VCSB, Lê Ân còn xin thành lập làng cô nhi lấy tên là Nghĩa Ân. Theo cách tính của Lê Ân, thì một phần lợi nhuận của VCSB sẽ được trích lại để chăm lo cho các mảnh đời bất hạnh tại làng cô nhi này. Đề án Làng cô nhi Nghĩa Ân đã được chấp thuận thông qua vào năm 1993, với sự ủng hộ tuyệt đối của các trung tâm, tổ chức bảo vệ trẻ em trong và ngoài nước. Với quy mô của làng Nghĩa Ân, có thể tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng cả nghìn trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Hoàn tất giai đoạn 1 của làng Nghĩa Ân, Lê Ân đã đầu tư với số tiền 7,5 tỉ đồng. Một số tiền rất lớn vào năm 1993. Tiếc rằng, về sau và cho đến tận bây giờ, Làng cô nhi Nghĩa Ân đã không thể thành hiện thực bởi cách làm tiền hậu bất nhất của những người có trách nhiệm. Hiện tại, ông Lê Ân vẫn đang tiếp tục theo đuổi vụ kiện liên quan đến Làng cô nhi Nghĩa Ân.
Trở lại việc điều hành của Lê Ân tại VCSB. Năm 1994, VCSB xin được phép thanh toán quốc tế. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VCSB phải hội đủ điều kiện là tăng vốn điều lệ lên 70 tỉ đồng. VCSB đã đáp ứng được điều kiện này. Cũng cần nói thêm rằng vào thời điểm 1994, trong số các ngân hàng ngoài quốc doanh, duy nhất VCSB đủ khả năng đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ lên 70 tỉ đồng. Như rồng gặp mây, hổ thêm cánh… được chấp thuận cho phép thanh toán quốc tế, VCSB có được khoản lợi nhuận cực lớn. Say đà chiến thắng, VCSB lập xưởng chế biến vàng miếng kiểu dáng công nghiệp với nhãn hiệu “Vũng Tàu Việt Nam tiền vàng”, được Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam cấp giấy phép vào tháng 9-1995. Tiếp đến, Lê Ân lập Công ty Lê Hoàng để triển khai kinh doanh các tài sản thu nợ. Đồng thời, VCSB thành lập Dự án làng du lịch Chí Linh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không đồng ý cho phép VCSB thành lập khu du lịch này, bởi VCSB không có chức năng kinh doanh du lịch. Chính vì vậy, VCSB đã chuyển toàn bộ Dự án kinh doanh khu du lịch Chí Linh cho Công ty Lê Hoàng. Chính từ đây, vận hạn của Lê Ân bắt đầu xuất hiện.
Lại lâm cảnh tù tội
Với hợp đồng chuyển nhượng của VCSB cho Công ty Lê Hoàng, có dư luận nghi ngờ Lê Ân đã lạm quyền khi chi đến 82 tỉ đồng cho Công ty Lê Hoàng (nơi Lê Ân làm Chủ tịch Hội đồng quản trị). Từ nghi ngờ này, cá nhân gửi tiết kiệm tại VCSB đâm ra hoang mang, hàng nghìn người kéo đến VCSB đòi rút tiền trước thời hạn. Không đủ khả năng đáp ứng lượng tiền mặt của các cá nhân yêu cầu rút quá lớn, Ngân hàng Nhà nước đặt VCSB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VCSB phải chuyển toàn bộ tài sản gồm tài sản thu hồi nợ, tài sản hình thành bằng nguồn vốn điều lệ, tài sản khách hàng thế chấp đảm bảo nợ vay chưa đến hạn trả nợ… cho tổ kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước để quản lý. Cùng lúc, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đề nghị khởi tố vụ án “Cố ý làm trái, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lập ngân hàng huy động vốn nhằm chiếm đoạt tài sản, mất khả năng chi trả” đối với ban lãnh đạo của VCSB. Đó là vụ án cực kỳ nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm của báo giới lẫn dư luận vào thời điểm đó. Bóng ma “nước hoa Thanh Hương” vô hình xuất hiện khiến giới kinh doanh tiền tệ rúng động, dư luận hoang mang.
Ngày 11/2/2000, Lê Ân cùng 6 thành viên trong ban lãnh đạo VCSB bị bắt nhằm phục vụ cho công tác điều tra. Ngày 28/5/2001, Lê Ân bị tuyên phạt 20 năm tù giam với tội danh “Cố ý làm trái”, án phạt chung thân với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và án tử hình với tội danh “Lập ngân hàng huy động vốn để lừa đảo”. Tổng cộng hình phạt là tử hình. Cả 6 thành viên trong ban lãnh đạo VCSB cũng chịu các mức án tù giam khác nhau. Lê Ân làm đơn kháng cáo và giao nộp toàn bộ các chứng từ của VCSB cho Cơ quan điều tra để minh chứng rằng mình vô tội. May mắn, trong lần kháng cáo này, Lê Ân đã thành công. Các tội danh ban đầu của Lê Ân được giảm xuống thành “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”, với mức án phạt tù 12 năm. Trong thời gian thụ án tại Trại giam Z30D - Bộ Công an, có câu chuyện rất cảm động về Lê Ân mà ai cũng phải nhắc tới. Đó là do cải tạo tốt, Lê Ân được cho ra ở “nhà ngoài”. “Nhà ngoài” là cách gọi những tù nhân học tập tốt, được cán bộ trại giam đặc cách cho ở riêng để tiện việc lao động, sản xuất. Được ở “nhà ngoài”, nghe người trong Công ty Lê Hoàng báo rằng, mẹ già 92 tuổi của ông không có người trông coi. Lê Ân viết đơn xin lãnh đạo Trại giam Z30D cho mình được phép đưa mẹ vào trại giam chăm sóc. Bởi khi ông bị bắt, gần như toàn bộ người thân (kể cả người vợ thứ 4) cũng đã ngoảnh mặt lại với ông. Vì lòng nhân đạo, lãnh đạo Trại giam Z30D đã chấp thuận đơn của Lê Ân. Mẹ ông được phép sinh sống tại căn nhà cấp 4, vốn dĩ là phòng làm việc cũ của cán bộ trại giam. Lê Ân vừa học tập lao động, vừa chăm sóc mẹ. Hơn năm sau, mẹ ông ốm nặng, lãnh đạo trại giam cho phép ông nhờ người ở Công ty Lê Hoàng lên đón mẹ ông về thành phố để có điều kiện hơn trong việc chạy chữa.
Ngày 31/8/2005, Lê Ân được đặc xá ra tù trước thời hạn. 2 năm sau, năm 2007, mẹ ông mất.
Ân nghĩa phân minh
Phải trải qua rất nhiều khó khăn, Lê Ân mới giữ lại được Công ty Lê Hoàng từ người vợ thứ tư của ông. Ra tù, vừa lo phát triển Công ty Lê Hoàng, vừa phải khắc phục hậu quả của Ngân hàng VCSB và thành lập Làng du lịch Chí Linh (Bà Rịa - Vũng Tàu). Bên cạnh đó, ông còn lo chăm sóc 6 thành viên thuộc Hội đồng Quản trị Ngân hàng VCSB, những người bị bắt cùng với ông trong thời điểm năm 2005. Ngày các thành viên HĐQT dưới quyền Lê Ân thi hành xong bản án, ông đã tìm cách trợ giúp cho từng người. Có người vừa ra tù, ông đã tặng cho chiếc xe hơi Toyota Camry mà ông đang sử dụng. Ngoài ra, ông còn mua cho một căn nhà trị giá 3 tỉ đồng. Những thành viên khác cùng ra tòa và thụ án chung với ông trong vụ Ngân hàng VCSB, ông đều bù đắp cho họ xứng đáng.
Vừa đền đáp xong cái nợ ân tình với những thuộc cấp cũ thì Lê Ân lại gặp hạn. Cơn bão số 9 năm 2006 đã tàn phá gần như toàn bộ Làng du lịch Chí Linh. Ấy thế mà khi vừa khôi phục lại được một phần, thì cũng là lúc Lê Ân nhận được giấy triệu tập của Tòa án tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, yêu cầu ông có mặt để giải quyết vụ ly hôn với người vợ thứ tư. Ly hôn xong với người vợ thứ tư này, ông nghiệm rằng không lẽ mọi sự trên đời này đều là phù du hư ảo.
Ông nói: “Nhìn lên thì tôi không bằng ai, nhưng nhìn xuống, tôi thấy vẫn còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh hơn mình nên vì vậy, tôi quyết định thành lập Quỹ từ thiện Lê Ân. Tất cả tài sản của tôi trị giá khoảng 15 nghìn tỉ đồng, tôi đưa hết vào quỹ. Tôi đã phát nguyện, sau khi tôi qua đời, tất cả tiền thu được từ việc kinh doanh Làng du lịch Chí Linh và các tài sản khác, trừ đi việc trả lương cho cán bộ, công nhân viên cùng các chi phí, thì toàn bộ đều dành cho Quỹ từ thiện Lê Ân để giúp đỡ những người nghèo, những mảnh đời bất hạnh”.
Ông đúc kết lại toàn bộ của đời của mình, gói gọn chỉ trong một câu nói: “Đừng làm những việc ngoài tầm tay và không bao giờ làm những việc ngoài tầm với”.
Theo Phan Phan