1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lê Ân - Số phận kỳ lạ của một đại gia (Kỳ 1)

Không phải là ông Phạm Nhật Vượng, cũng không phải là ông Đoàn Nguyên Đức, hay ông Trầm Bê… Mà hiện tại, đại gia được giới truyền thông nhắc đến nhiều nhất chính là Lê Ân.

Hầu như ngày nào truyền thông cũng phát đi một thông tin mới về lão đại gia tuổi đã ngoại thất tuần này. Vì sao lão đại gia Lê Ân lại có sức hấp dẫn đến vậy (?!). Vì người vợ trẻ kém ông tới hơn 50 tuổi, vì khối tài sản hàng nghìn tỉ, về chiếc giường độc nhất vô nhị có giá trị hơn cả một chiếc siêu xe hay về những chuỗi ngày lập nghiệp gian khó.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Kỳ 1: Bắt đầu từ cái máy khâu Singer

 

Đã có một thời gian rất dài, ông Lê An mưu sinh bằng cách đặt cái máy khâu cũ, loại máy đạp bằng chân, trước cửa trại lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cũ.

 

Và, ông đã khởi nghiệp từ chiếc máy khâu ấy.

 

Tiệm may Chiến's tailor

 

Từ hồi 1975, ở các tỉnh miền Nam, khi mà những chiếc tivi trắng đen của các hộ gia đình khá giả luôn bật mở chỉ để xem các vở cải lương, phim hành động hơn là những tin tức chiến sự, thì gần như người xem, ai cũng nhớ như in mẩu quảng cáo về tiệm may Chiến’s Tailor. Một tiệm may chuyên về đồ vest. Chiến’s Tailor, như một thương hiệu đủ sức đảm bảo cho chủ nhân của bộ trang phục ấy một đẳng cấp hơn hẳn bộ vest của người đối diện. Chủ nhân của tiệm may này chính là ông Lê Ân. Như tôi đã trình bày phía trên bài viết, tiệm may bắt nguồn từ chiếc máy khâu cũ đặt trước cổng doanh trại của lính VNCH.

 

Ông Lê Ân tại trang trại của mình
Ông Lê Ân tại trang trại của mình

 

Ông Lê Ân sinh năm Mậu Dần, 1938, trong gia đình đông anh em ở Quảng Nam. Ông là con thứ 5 trong một gia đình. Lê Ân có tuổi thơ nghèo khó, đầy túng thiếu. 20 tuổi, tức năm 1958, Lê Ân trốn quân dịch dưới chế độ của Ngô Đình Diệm. Ông trốn lính vào khu thị xã An Lộc (tỉnh Bình Long, nay là tỉnh Bình Phước).

 

Để kiếm cơm qua ngày, Lê Ân mướn cái máy khâu cũ hiệu Singer đặt trước cổng doanh trại lính VNCH. Thời đó, lính VNCH thường được phát quân trang là những bộ đồ rộng thùng thình, hoặc chật đến bí thở. Muốn quân phục vừa vặn, lính buộc phải bỏ ra một số tiền để nhờ thợ may chỉnh sửa lại cho vừa với thân hình. Và thế là họ tìm đến những người chuyên sửa đồ như Lê Ân.

 

Chính Lê Ân ở thời điểm này cũng không thể ngờ là ông may mắn sở hữu được cái duyên may đồ đến vậy. Bởi chỉ sau hơn năm Lê Ân đã đủ tiền để mua luôn lại cái máy khâu mà ông đã mướn trước đó. Đồng thời, sắm được hai cái máy khâu cùng hiệu và thuê thêm hai thợ may khác về làm để đáp ứng nhu cầu sửa quần áo mà lính đặt chỉnh sửa.

 

Một trưa, vãn khách. Lê Ân bất ngờ tiếp một vị khách lạ, vị khách này nói: “Tôi vào miền Nam từ năm 1948, dân Bắc gốc. Quan sát anh nhiều tháng nay, tôi thấy anh khéo tay, lại chăm chỉ làm ăn. Sở trường của tôi là chuyên may Âu phục, nhất là đồ vest. Nếu anh có ý định phát triển thêm nghề này, tôi sẽ nhận anh làm đệ tử”. Không cần phải suy nghĩ quá lâu, Lê Ân làm lễ bái sư.

 

Sau khi học hết nghề may âu phục của thầy, Lê Ân dùng tiền chạy mua một tấm giấy hoãn quân dịch giả của một sĩ quan ở An Lộc. Tấm giấy này gần như là một dạng “kim bài miễn tử” thời chiến và phải có được tấm giấy này Lê Ân mới có cơ hội thoát không phải ra vùng chiến sự An Lộc.

 

Gom hết vốn liếng dành dụm được, Lê Ân về Sài Gòn. Tại đây, ông thuê một căn nhà trên đường Trần Quý Cáp (đường Võ Văn Tần hiện nay), mở tiệm chuyên may đồ vest với tên gọi Chiến’s Tailor. Với phương châm: “Tốt, đẹp, rẻ và đúng hẹn”, chỉ trong một thời gian cực ngắn, Chiến’s Tailor đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị phần âu phục trong giới thượng lưu ở Sài Gòn.

 

“Từ ngày mở tiệm may Chiến’s Tailor, tôi có thói quen ra đường là mặc đồ vest. Cũng là cách để tự quảng bá cho tiệm may của mình. Cho đến giờ, tôi vẫn giữ thói quen đó”, ông Lê Ân tâm sự.

 

Từ thành công của Chiến’s Tailor, ông Lê Ân tiến thêm một bước mới, ông quyết định nâng cấp Chiến’s Tailor trở thành Trung tâm Âu phục - Thời trang Chiến’s Tailor. Từ đây, tiền chảy vào két của nhà ông như nước chảy chỗ trũng. Có tiền, Lê Ân mở rộng đầu tư vào các ngành nghề kinh doanh khác, như: thành lập xưởng sản xuất giày dép da hiệu Italy, kinh doanh xe lam, xe buýt chạy tuyến đường Sài Gòn - Bảy Hiền - Bà Chiểu, thành lập công ty kinh doanh địa ốc, mua trái phiếu của người cày có ruộng, công phiếu quốc gia… Ngoài ra, ông còn trúng 5 năm liên tiếp trong việc độc quyền cung cấp thực phẩm, dụng cụ y tế cho toàn vùng 2 chiến thuật của chế độ Sài Gòn. Không chỉ dừng lại ở các nguồn lợi này, Lê Ân còn mua tiền Việt rồi dùng nó để mua đôla của Mỹ từ nhiều nguồn rồi đưa về Sài Gòn tiêu thụ. Chính vì việc này, Lê Ân bị tổ chức tình báo Mỹ (CIA) hoạt động tại miền Nam Việt Nam nghi là cơ sở kinh tài cho cách mạng. Từ tin báo của CIA, chính quyền Sài Gòn khi đó đã cử hẳn một đội biệt kích dùng máy bay trực thăng nhảy dù xuống Lại Khê (Bến Cát - Sông Bé (cũ) để bắt gọn Lê Ân khi ông đang chỉ đạo việc thu mua đôla tại đây.

 

Sau hơn 2 tháng bị tạm giam, chịu đủ thể loại hỏi cung của mật vụ VNCH. Cuối cùng, Lê Ân được trả tự do. Đơn giản, ông chỉ là một nhà kinh doanh nhạy cảm trước món lợi do thời cuộc mang lại, ông không làm chính trị.

 

Vận hạn

 

Việc bị tạm giam 2 tháng cộng với đồn đại là cơ sở kinh tài cho Cộng sản khiến Lê Ân gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác kinh doanh. Không chỉ có khó khăn này, trong đợt Tổng tiến công Sài Gòn dịp tết Mậu Thân (1968), pháo kích của quân đội VNCH đã vô tình rót nguyên một trái đạn pháo 175 ly vào trúng tầng thượng Trung tâm Âu phục - Thời trang Chiến’s Tailor, cũng là nơi gia đình ông đang cư ngụ. May mắn là ông và người thân không ai bị thương vong. Tuy nhiên, sức công phá của quả đạn đại bác này khiến mọi thứ tan hoang, ông phải gây dựng lại cơ sở.

 

Vừa xây sửa xong trung tâm, thì Lê Ân bị nhân viên công quyền bắt giữ vì tội “Sử dụng giấy hoãn quân dịch giả”. Bắt buổi sáng, thì ngay buổi trưa ông bị tống ra Sư đoàn 5, bộ binh. Chiều ra đến Sư đoàn, ngay tối ấy ông đào ngũ, quay ngược về Sài Gòn.

 

Rất thận trọng, Lê Ân tung tiền ra để mua chuộc các tướng lĩnh nhằm xóa được cái án đào ngũ. Bằng tiền, cộng với mối quan hệ cá nhân, Lê Ân đã xóa được án tích này.

 

Chiếc máy khâu Hiệu Singer
Chiếc máy khâu Hiệu Singer

 

Sau ba biến cố liên tiếp xảy ra, Lê Ân muốn chơi “một canh bạc lớn nhất đời mình” (theo lời của ông, tính vào thời điểm này - PV). Ông gom hết vốn liếng để thành lập Ngân hàng tư nhân Sài Gòn, (một dạng ngân hàng cổ phần bây giờ). Thế nhưng, khi mà ngân hàng mới bắt đầu hoạt động chưa kịp sinh lãi thì Sài Gòn được giải phóng. Toàn bộ tiền mặt, công phiếu của chế độ Sài Gòn (cũ) nhanh chóng biến thành mớ giấy lộn, hoàn toàn không còn giá trị. Những công phiếu, trái phiếu và chứng từ tài sản của ngân hàng do ông sáng lập trở thành giấy lộn.

 

Lê Ân trắng tay, những chuỗi ngày khốn khó bắt đầu hiện hữu. Lục lại các mối quan hệ thân quen, ông may mắn được một người bạn từng kinh doanh chung cho mượn một số vốn. Ngạc nhiên là, ông không đầu tư vào bất cứ ngành nghề kinh doanh nào mà mình đã từng làm qua. Thay vào đó, ông đăng ký xin đấu thầu một cái nghề rất lạ, đó là thu gom phế liệu thời hậu chiến. Cứ tưởng sắt, thép… của các thứ vũ khí sau cuộc chiến là thứ bỏ đi. Nhưng thật ra, đó chính là món hàng mang lại mối lợi khổng lồ. Thêm lần nữa, Lê Ân khẳng định được sự nhạy cảm kinh doanh của mình.

 

Thành công từ nghề thu gom phế liệu sau thời hậu chiến, ông trả lại vốn vay của người bạn và đầu tư tiếp vào mặt hàng rất mới là “mua bán thuốc Tây được gửi từ nước ngoài về”. Thời điểm này, người Việt ở nước ngoài bắt đầu gửi quà về cho gia đình và quà hầu hết là những thùng thuốc Tây. Hợp tác với dược sĩ Gia theo phương châm “anh bỏ chất xám, tôi bỏ tiền”, ông lập một hệ thống thu gom thuốc Tây - trong đó đặc biệt là các loại thuốc “nằm” - là những thuốc đặc trị những bệnh hiếm gặp. Ông nói: "Chính vì là thuốc "nằm" nên khi thu vào giá rất rẻ nhưng nếu có ai cần đến thì lại bán được với giá rất đắt. Mới nghe qua thì thấy phi đạo đức nhưng cứ thử nghĩ, tôi bỏ ra 1 cây vàng chẳng hạn để mua 1 thùng thuốc “nằm” rồi 1 năm sau, không bán được cho ai, thuốc hết “đát” phải vứt bỏ là tôi mất luôn cả 1 cây vàng”. Đắt xắt ra miếng, có các loại thuốc đặc trị trong tay, Lê Ân thu được những khoản lãi khổng lồ. Sau 2 năm kinh doanh thuốc Tây, ông hầu như thuộc lòng các mặt hàng thuốc, từ tên gọi đến công dụng, liều dùng, giá cả. Từ khoản lợi nhuận này, ông tiếp tục đầu tư xưởng sản xuất xe đạp và nhà máy chế biến xà phòng, đồng thời ông mở thêm tiệm vàng Chiến Thành với giấy phép kinh doanh là gia công vàng nữ trang. Và thế là, mỗi đêm tiệm vàng Chiến Thành âm thầm phân kim hàng chục lượng vàng từ nhiều nguồn khác nhau để bán lại cho những người đặt cược tương lai mình vào những ngày lênh đênh trên biển để vượt biên trái phép.

 

Chính vì hành vi này mà Lê Ân bị bắt và phải đi cải tạo một thời gian.

 

Cay đắng tình đời

 

Ông thầy lấy lá số tử vi cho ông Lê Ân từng bảo, “số nhiều của cải, nhưng gặp nhiều sóng gió. Gia đạo rối ren”. Có lẽ lá số này vận rất đúng vào cuộc đời lẫn sự nghiệp của đại gia Lê Ân.

 

Mãn hạn tù, Lê Ân trở về với cuộc sống thường nhật. Thế nhưng, khi chưa kịp nghĩ ra mình sẽ kinh doanh gì tiếp theo thì Nhà nước thực hiện chủ trương cải tạo công thương nghiệp, gia đình ông thuộc thành phần phải đi kinh tế mới. Sau thời gian đi kinh tế mới về, ông lại khởi nghiệp lại bằng nghề mua bán phụ tùng, sản xuất khung xe đạp và mua bán vải tại khu chợ nổi tiếng nhất thành phố du lịch Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) - khu Chợ Đầm. Vốn liếng ông kinh doanh trong giai đoạn này, cũng do một người bạn thân thiết giúp đỡ.

 

Vốn dĩ, Lê Ân được trời ban cho cho cái duyên buôn bán, nên bất cứ ngành nghề nào khi ông đặt mục tiêu kinh doanh đều nhanh chóng phát sinh lợi nhuận. Việc buôn bán phụ tùng, sản xuất khung xe đạp lẫn mua bán vải ở Chợ Đầm đều thành công ngoài dự liệu. Không hiểu vì lý do gì, cũng trong thời điểm này, ông Lê Ân đều quy đổi tài sản thành vàng và hột xoàn (kim cương) và giao cho vợ cất giữ. Năm 1984, vợ ông Lê Ân chủ động đâm đơn ra tòa xin ly hôn. Lý do, mâu thuẫn gia đình không thể hàn gắn. Chán nản, ông giao lại toàn bộ tài sản cho vợ cũ, bỏ Nha Trang lang bạt vào Sài Gòn với dự tính tái khởi nghiệp.

 

Thêm lần nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, ông mở shop bán quần áo thời trang nhỏ tại quận 3, TP HCM. Như là một công thức được định sẵn, shop thời trang mang đến cho ông rất nhiều tiền, đủ để ông phát triển thành một chuỗi cửa hàng chuyên buôn bán quần áo thời trang tại nhiều quận khác nhau trên địa bàn TP HCM.

 

Có tiền từ chuỗi cửa hàng thời trang này, Lê Ân quay lại ngành nghề kinh doanh trước đây mà ông đã từng làm rất thành công, ông lập thêm hàng loạt tiệm bán thuốc Tây tại quận 1 và quận 3 và quận 10. Duyên trời run rủi, ông gặp một cô gái lai Mỹ vào thời điểm này, giữa ông và cô có một người con chung. Về sau, người phụ nữ này mang con sang Mỹ định cư theo dạng đoàn tụ nhân thân.

 

Hạnh phúc mới như tiếp thêm động lực kinh doanh, Lê Ân đặt hết niềm tin vào ngành nghề mà ông rất tâm huyết, kinh doanh ngân hàng. Rút kinh nghiệm từ những “cái chết” của các ngân hàng tư nhân sau 1975, ông không vội vã thành lập ngân hàng mà chỉ thành lập quỹ tín dụng với tên gọi Quỹ tín dụng Hòa Hưng. Lê Ân tập trung số vốn của Quỹ tín dụng Hòa Hưng để thu mua đồng rup. Hạ mức lãi suất từ 15%/tháng như các ngân hàng khác xuống còn 12%, bởi ông biết có tài thánh cũng không thể sinh lợi với mức lãi suất cao như vậy. Một bài tính đơn giản, muốn trả được lãi suất cho người gửi tiền là 15%/tháng thì ngân hàng phải biến số tiền khách gửi phình lên 25%/tháng để có thể đảm bảo lợi nhuận sau khi đã thanh toán chi phí hoạt động của ngân hàng, từ tiền trụ sở, an ninh cho đến nhân viên. Đó là điều không tưởng và dự liệu của Lê Ân rất chính xác. Cuối năm 1987 đầu 1990, hàng loạt các quỹ tín dụng sập tiệm vì không làm gì ra để trả lãi cao ngất ngưởng, nhưng Quỹ tín dụng Hòa Hưng của ông vẫn có lãi. Suốt một thời gian dài, biểu tượng “Con gà trống đứng trên đồng tiền vỗ cánh rướn cổ như đang gáy vang” của Quỹ tín dụng Hòa Hưng trở thành niềm tin của những người gửi tiết kiệm.

 

Quỹ tín dụng ngày càng phát triển, ông đặt thêm nhiều chi nhánh tín dụng ở khắp nơi và quyết định đầu tư thêm vào ngành kinh doanh vàng.

 

Sau khi Quỹ tín dụng Hòa Hưng đã thật sự trở thành một “thế lực” trong giới đầu tư tài chính, ông Lê Ân quyết định sáng lập Ngân hàng Cổ phần Hướng Thọ Phú, đặt trụ sở chính tại tỉnh Long An. Trong Ngân hàng Cổ phần này, ông Lê Ân chiếm tổng cộng 50% trên tổng số vốn điều lệ của ngân hàng. Khối tài sản của ông không dừng lại ở đây, mà ngoài ra ông còn nắm giữ rất nhiều phần hùn lớn ở các ngân hàng lẫn quỹ tín dụng khác. Năm 1989, Lê Ân được bầu làm Chủ tịch Khối liên kết các Trung tâm tín dụng, Ngân hàng ngoài Quốc doanh. Và Quỹ tín dụng Hòa Hưng là Trung tâm giao hoán đảm bảo cho khối liên kết này.

 

(Xem tiếp kỳ sau)

 

Theo Phan Phan

Petrotimes
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm