Lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Thị trường lao động nước ngoài ngày càng mở rộng, phát triển. Từ 9 thị trường năm 2013, đến nay Việt Nam mở rộng được lên 25 thị trường.

Thông tin nêu trên được đưa ra tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" (Chỉ thị 16) diễn ra sáng nay (25/8).

Ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo và ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Đại diện các địa phương tham dự tại các đầu cầu trực tuyến.

Thu nhập bình quân của người lao động làm việc ở nước ngoài là 200 triệu đồng/năm

Báo cáo tóm tắt Tổng kết, ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 16, chất lượng lao động và chuyên gia của Việt Nam được nâng cao; công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài cơ bản được triển khai hiệu quả.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - 1

Ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - phát biểu tại hội nghị (Ảnh: BTC).

Theo báo cáo, quy mô tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tăng nhanh qua các năm. Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài cũng ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã lên tới 25 thị trường.

Có khoảng hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, tạo việc làm cho khoảng từ 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.

Một con số tích cực khác là thu nhập của người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân đạt 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề.

Kết quả đạt được nêu trên không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn có tích lũy, đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đóng góp vào nguồn ngoại tệ của đất nước.

Ngoài ra, chất lượng của người lao động, chuyên gia cũng được nâng lên. Theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong làm việc của người lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài được nâng cao, bước đầu hình thành đội ngũ chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi trở về Việt Nam.

Đóng góp thêm ý kiến tại hội nghị, ông Lâm Minh Đằng - Phó bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh - cũng cho biết nhiều lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài khi trở về nước quen tác phong công nghiệp, có tay nghề cao, đóng góp sự phát triển của địa phương.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết, do điều kiện canh tác nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, có hiện tượng dư thừa lao động, thu nhập thấp, nên nhu cầu sang nước ngoài làm việc lớn. Còn theo đại diện tỉnh Hà Tĩnh, lao động, chuyên gia đi nước ngoài làm việc có đóng góp rất lớn trong xây dựng địa phương, nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số tồn tại, hạn chế cũng được chỉ ra. Cụ thể như việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 16 tại nhiều cấp ủy còn mang tính hình thức, chưa được chú trọng; công tác truyền thông về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa rộng rãi, kịp thời đến người lao động có nhu cầu.

Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng còn chậm; chưa xây dựng được quy hoạch, chiến lược nên hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài còn thấp.

Ngoài ra, việc đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động chưa chặt chẽ, chưa có sự gắn kết giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài nên chất lượng tuy đã được tăng lên nhưng chưa cao và đồng đều, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp, số lượng lao động chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều.

Bên cạnh đó, việc chưa khai thác, phát huy và sử dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn lực tài chính của lao động và chuyên gia có được trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài khi về nước… cũng được chỉ ra như một hạn chế cần khắc phục.

Đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài là xu hướng tất yếu

Kết luận tại hội nghị, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo cho biết, 10 năm qua việc thực hiện Chỉ thị 16 của Ban Bí thư đem lại kết quả tốt.

"Việc đưa người lao động, chuyên gia sang nước ngoài lao động thời gian qua là một chủ trương đúng đắn, đem lại hiệu quả thiết thực", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu kết luận tại hội nghị (Ảnh: BTC).

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong 10 năm qua, mỗi năm giải quyết việc làm bình quân cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động trong và ngoài nước, số lao động ngoài nước giải quyết được khoảng 10% số này. Từ năm 2016 đến nay số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng từ khoảng 40.000 cho đến năm cao nhất khoảng 120.000 vào năm 2019. Đến năm 2020-2021, do dịch bệnh nên con số này có giảm xuống và đang tiếp tục tăng trở lại, ước tính đạt khoảng 80.000 lao động vào năm 2022.

Nhiều tỉnh thành đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách địa phương, đóng góp và xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Lực lượng trực tiếp đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài phát triển, nếu năm 2016 chỉ có khoảng 80 doanh nghiệp thì đến năm 2022 tăng lên 451 tổ chức, doanh nghiệp, cao hơn 2 lần so với thời điểm ban hành Chỉ thị.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần phải nhìn nhận khách quan cái được và cái chưa được trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16, trên sơ sở đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh trong thời gian tới.

Cụ thể hơn về phương hướng thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức đúng và đủ về công việc này, coi đây là xu hướng tất yếu. "Tôi nhận thấy, địa phương nào, cấp ủy chính quyền quan tâm thì công việc này rất tốt", Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, cần có công tác tuyên truyền, chính sách tốt, đồng thời giải quyết nhiều vấn đề cả về kinh tế, an sinh xã hội, chăm lo đời sống tinh thần…

Ngoài ra Bộ trưởng cũng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, đặc biệt chú ý đàm phán với các quốc gia; nâng cao năng lực hiệu quả quản lý Nhà nước; chú ý đến cung - cầu lao động, hướng tới gắn kết giữa lao động trong nước, lao động ngoài nước; hướng tới công việc tay nghề cao, xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững…

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau hội nghị hôm nay, Ban Chỉ đạo mà trực tiếp là Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án. Từ đó, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét ban hành những chủ trương, chính sách về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình mới.

Nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngày 8/5/2012, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành Chỉ thị 16 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW, Ban Bí thư giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiến hành tổng kết Chỉ thị 16-CT/TW nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện, thực chất tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị số 16-NQ/TW ở các cấp, các ngành và địa phương trên phạm vi cả nước