Lãnh đạo SCIC: "Ai cũng có thể mua cổ phiếu Vinamilk, chưa có tiền thì vay"
(Dân trí) - Số lượng mua tối thiểu để đủ điều kiện giao dịch thỏa thuận theo quy định phải đạt 20.000 cổ phiếu, như vậy, nhà đầu tư phải có ít nhất khoảng 3 tỷ đồng thì mới có cơ hội tham gia đấu giá mua cổ phần Vinamilk.
Chiều nay (30/11), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức họp báo giới thiệu về phiên chào bán cổ phần nắm giữ tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Trước đó, theo thông báo việc tổ chức chào bán cạnh tranh cổ phần của Vinamilk, SCIC cho biết, tổng công ty này sẽ thực hiện chào bán hơn 130,6 triệu cổ phần VNM (tương ứng chiếm tỷ lệ 9% vốn điều lệ) vào chiều ngày 12/12. Giá khởi điểm là 144.00 đồng/cổ phiếu.
Nói về mức giá khởi điểm nói trên, theo đại diện của SCIC, tổng công ty này đã báo cáo cấp có thẩm quyền và căn cứ trên các phương pháp định giá khác nhau đối với VNM. Bên cạnh đó, còn dựa trên mức giá giao dịch bình quân của VNM trong 30-60-90 phiên gần đây nhất để xác định và đưa ra mức giá phù hợp với kỳ vọng.
Trong đó, số lượng mua tối thiểu để đủ điều kiện giao dịch thỏa thuận theo quy định phải đạt 20.000 cổ phiếu và số lượng được đăng ký mua tối đa là gần 39,2 triệu cổ phiếu (tương đương với 2,7% vốn điều lệ). Như vậy, nhà đầu tư phải có ít nhất khoảng 3 tỷ đồng thì mới có cơ hội tham gia đấu giá mua cổ phần VNM. Và nếu bán thành công thương vụ này, SCIC có thể thu về ít nhất 18.810 tỷ đồng, tức khoảng trên 840 triệu USD.
Trả lời câu hỏi báo chí tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, việc không chế tỷ lệ tối đa 2,7% cho một nhà đầu tư tham gia đã được SCIC bàn rất kỹ trong nội bộ.
"Vì chỉ đạo của Chính phủ là bán rộng rãi cho nhà đầu tư, chúng tôi muốn nhiều nhà đầu tư có thể mua được cổ phiếu. Đây là 1 cổ phiếu mà thị trường đánh giá tốt và nhiều nhà đầu tư muốn mua", ông Chi chia sẻ.
Vị lãnh đạo SCIC cũng hóm hỉnh cho rằng: "Ai chơi chứng khoán đều có thể mua cổ phiếu VNM. Ai cũng có khả năng tham gia, nếu chưa có tiền có thể vay".
Ông Chi cũng bình luận rằng, việc Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cảnh báo thiệt hơn khi bán nhỏ giọt cổ phần VNM là do quan điểm. "Đối với phương án bán, mỗi người đều có phương án khác nhau và ai cũng nghĩ phương án của mình hiệu quả nhất". Đồng thời khẳng định đã làm việc với VAFI và đối chiếu các phương án để báo cáo Chính phủ, chọn phương án tối ưu.
Theo chia sẻ của lãnh đạo SCIC, thông tin bán cổ phần VNM đã được công bố rộng rãi cả ở thị trường ngoài nước. Bên cạnh các phương tiện thông tin đại chúng, các báo chuyên ngành về kinh tế đầu tư của quốc tế thì tổng công ty cũng đã tổ chức 3 buổi roadshow ở 3 thị trường lớn là Singapore, Hồng Kông và London với gần 100 nhà đầu tư tham gia thảo luận trực tiếp.
Trong phiên giao dịch hôm nay (30/11), cổ phiếu VNM bất ngờ được khối ngoại mua mạnh 3 triệu đơn vị, nhờ đó, đẩy giá cổ phiếu tăng vọt 3.700 đồng (2,8%) lên 138.000 đồng. Bên mua được phỏng đoán là MSCI Frontier Markets Index ETF do hôm nay là ngày cuối cùng trong đợt cơ cấu danh mục của quỹ này.
Trước đó, cổ phiếu VNM liên tục sụt giảm do áp lực bị khối ngoại bán ròng cả tuần liền. Động thái của khối ngoại đặt trong bối cảnh hiện nay được cho có thể là một chiêu "dìm giá" cổ phiếu này.
Bích Diệp