Lạm phát tháng 1 xuống thấp nhất trong lịch sử thống kê
(Dân trí) - CPI tháng Giáp Tết nguyên đán giảm so với tháng trước chủ yếu do hai lần giảm giá xăng và giá gas giảm tiếp 33.000 đồng/bình 12kg vào ngày 1/1.
Việc CPI giảm so với tháng trước trong đợt Giáp Tết nguyên đán là rất hiếm hoi
Trong 11 nhóm hàng thuộc rổ tính CPI thì chỉ có 3 nhóm hàng là có chỉ số giá giảm, tuy nhiên mức giảm tại những nhóm hàng này lại lớn.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,09%, nhóm giao thông giảm 3,96% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Nguyên nhân khiến chỉ số giá giao thông tháng này giảm mạnh do ảnh hưởng của việc giảm giá xăng dầu liên tiếp trong thời gian gần đây, kéo theo giá cước vận tải như xe taxi và một số tuyến xe khách giảm.
Giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 2 lần (vào ngày 22/12/2014 và 6/1/2015). Trước thời điểm điều chỉnh giá vào ngày 21/1 (nằm ngoài kỳ tính CPI tháng 1), giá xăng A92 có giá là 17.570 đồng/lít, xăng A95 có giá là 18.170 đồng/lít, dầu diezen 0.05S có giá là 16.630 đồng/lít.
Bên cạnh đó, tại nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, từ ngày 1/1 giá gas cũng giảm 2.750 đồng/kg, tương đương với mức giảm 33.000 đồng/bình 12kg. Các mặt hàng khác trong nhóm như sắt thép, xi măng... vẫn giữ ổn định dù hiện nay đang là mùa xây dựng nhưng lượng hàng tồn kho quá nhiều nên các công ty có xu hướng giảm giá để thu hồi vốn.
Các mặt hàng khác như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng 0,28% với mức tăng tại nhóm lương thực là 0,03%, tại nhóm thực phẩm là 0,43% và tại nhóm ăn uống ngoài gia đình là 0,11%.
Với tính chất mùa vụ nên nhóm đồ uống và thuốc lá cũng có mức tăng chỉ số giá ở mức 0,37%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,51%. Các mặt hàng như thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,29%; giáo dục tăng nhẹ 0,08%; văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,13% và hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,53%.
Nằm ngoài rổ tính CPI, chỉ số giá vàng trong tháng 1 tăng 0,55% so với tháng trước, chỉ số giá USD tăng 0,23%.
Tại hội thảo về lạm phát do Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính lo ngại, việc lạm phát giảm xuống mức thấp như hiện nay, ở một mức độ nào đó, là biểu hiện của sự phục hồi kinh tế chưa thật sự mạnh mẽ với mức tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư còn thấp hơn so với mức tiềm năng.
Theo dự báo của TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, CPI năm 2015 sẽ tiếp tục ở mức thấp, có thể giao động trong khoảng 2 - 3%. Mức lạm phát này sẽ kéo dài trong một số năm, và cũng nhiều khả năng sẽ là suốt giai đoạn 2016 – 2020. Theo ông, lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi nào số nợ xấu và những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để.
Bà Ngô Thị Ánh Dương Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá Tổng cục Thống kê cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, không chủ quan trước lạm phát thấp, việc điều hành giá cả vẫn cần phải theo dõi sát sao, khi điều chỉnh giá phải có lộ trình, và trước những phản ứng xấu của thị trường cần linh hoạt, kịp thời điều chỉnh chính sách giá… Bởi vì, giá cả trong 2 năm qua dẫu có ổn định hơn cũng chỉ là tạm thời bởi nền kinh tế Việt Nam thực chất vẫn còn quá nhiều khó khăn, sự phát triển chưa thực sự bền vững.
Theo nhận định của Cục Quản lý giá, áp lực lạm phát từ thị trường thế giới năm 2015 không quá cao, kết hợp với những thành quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được tích cực triển khai thực hiện từ những năm trước là những thuận lợi để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát năm 2015.
Tuy nhiên, năm 2015 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2014, tình hình thiên tai, bão lũ và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu (điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí...).
Bích Diệp