1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Lạm phát" quy hoạch do bộ, tỉnh nào cũng muốn có quyền và tiêu tiền ngân sách

(Dân trí) - Đâu đâu cũng muốn cấp ngân sách nhiều, có nhiều dự án. Tất cả đều bắt đầu từ quy hoạch. Bộ nào, địa phương nào có quyền phê duyệt quy hoạch cũng sẽ kéo theo quyền quyết định rất nhiều chương trình, dự án đầu tư công. Đó là vấn nạn quyền gắn với tiền ngân sách thông qua quy hoạch.

Đây là báo cáo thực trạng công tác quy hoạch trong từ năm 2001 đến nay vừa được Vụ Quản lý quy hoạch (QLQH), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đánh giá, tổng kết.

"Lạm phát" quy hoạch gia tăng chi ngân sách

Theo đó, hiện cả nước có 19.285 bản quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực (trong đó có cả quy hoạch sản phẩm như quy hoạch sắn, cá rô phi…). Đáng ngại, từ năm 2011 trở lại đây, đã xuất hiện tình trạng "lạm phát" quy hoạch.

Quy hoạch chồng chéo khiến số tiền chi Ngân sách lớn, không hiệu quả, kìm hãm phát triển địa phương, ngành, của người dân, doanh nghiệp (ảnh minh hoạ)
Quy hoạch chồng chéo khiến số tiền chi Ngân sách lớn, không hiệu quả, kìm hãm phát triển địa phương, ngành, của người dân, doanh nghiệp (ảnh minh hoạ)

Cụ thể như thời kỳ 2001 - 2010 cả nước mới chỉ lập được 3.114 quy hoạch, nhưng đến thời kỳ 2011 - 2020 đã lập 12.860/19.285 quy hoạch tăng gấp 6 lần giai đoạn trước. Trong số 19.285 bản quy hoạch thì có 2.326 bản quy hoạch đô thị và 9.864 bản quy hoạch xây dựng. Và hơn 8.000 tỷ đồng đã chi ra để lập các quy hoạch này. Những bất cập, tồn tại, yếu kém của hệ thống quy hoạch lỗi thời hiện nay đang vận hành, đang tạo ra những đồ án quy hoạch “cọc cạch”, “đầu Ngô mình Sở”.

Theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ QLQH: Khi chưa có Luật Quy hoạch hiện trạng quy hoạch của Việt Nam không chỉ là chồng chéo, mâu thuẫn nhau, mà còn có tình trạng người lãnh đạo muốn quy hoạch cho tương lai rất… lãng mạn, rất mạnh, mà không cần biết nguồn lực và năng lực thực tế là bao nhiều, cũng như tình trạng “cát cứ” quyền lực của các bộ, ngành, địa phương, tạo ra những quy hoạch làm “kìm hãm sự phát triển của đất nước”, thay vì đóng vai trò dẫn đường, dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế.

Cơ quan của Bộ KH&ĐT khẳng định: Đâu đâu cũng muốn cấp ngân sách nhiều, có nhiều dự án. Tất cả đều bắt đầu từ quy hoạch. Vậy là bộ nào, địa phương nào có quyền phê duyệt quy hoạch cũng sẽ kéo theo quyền quyết định rất nhiều chương trình, dự án đầu tư công. Đó là vấn nạn quyền gắn với tiền ngân sách thông qua quy hoạch.

“Phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chỉ quy định chung chung không quy định cụ thể về danh mục dẫn đến thực trạng “quy hoạch đẻ quy hoạch” nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp... “, Vụ QLQH khẳng định.

Những điển hình hóa của "quy hoạch chồng quy hoạch"

Theo dẫn chứng của Bộ KH&ĐT, một số quy hoạch sản phẩm của các Bộ, ngành hiện đi ngược lại thị trường và thực tế đòi hỏi của quy luật phát triển. Quy hoạch ngành cà phê đặt mục tiêu đến năm 2020 tổng diện tích trồng cà phê cả nước đạt 500.000 ha. Tuy nhiên, đến năm 2015 thì tổng diện tích trồng cà phê của cả nước đã đạt 670.000 ha (vượt 170.000ha).

Trước thực trạng quy hoạch bị phá vỡ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thay đổi mục tiêu diện tích trồng cà phê đến năm 2020 từ 500.000 ha (theo quy hoạch) lên 600.000 ha.

Hiện nay có nhiều văn bản luật quy định về việc lập quy hoạch sản phẩm như: Luật công chứng, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật Hóa chất, Luật Thú ý, Luật Thủy sản... không gây cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh mà còn gây khó khăn cho các DN khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Luật Thủy sản số 17/2003/QH11 quy định về lập quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, dẫn tới nhiều quy hoạch sản phẩm được lập như: Quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi; quy hoạch phát triển nuôi nhuyễn thể hàng hóa tập trung, quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm; quy hoạch phát triển cá nước lạnh…

Bộ KH&ĐT khẳng định: Từ “quy hoạch” thường xuyên bị lạm dụng, nhiều ngành, lĩnh vực chỉ cần xây dựng đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí để quản lý và đưa ra những dự báo, định hướng, chính sách phát triển cũng được lập thành quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực.

Theo dẫn chứng của Bộ KH&ĐT, giai đoạn 2011 - 2020, nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng trong các quy hoạch là khoảng 385 - 390 tỷ USD, trong khi thực tế chúng ta chỉ có khả năng huy động khoảng 210 - 215 tỷ USD (khoảng 50%). Ở Hà Nội có trường hợp bà con ở một huyện ngoại thành sau 9 năm không có đất kinh doanh. Tại Phú Yên, mảnh đất nhỏ như thế mà có hơn 200 bản quy hoạch đè lên.

Quy hoạch cảng biển dự báo hàng hóa vận chuyển qua các cảng biển Việt Nam năm 2010 là 200 triệu tấn nhưng số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam, lượng hàng hóa năm 2009 đã đạt 213,08 triệu tấn, đến năm 2010 đạt 259 triệu tấn, vượt 30% so với dự báo.

Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là ví dụ điển hình của cách làm đơn lẻ, riêng rẽ giữa cơ quan du lịch và cơ quan bảo tồn thiên nhiên. Điều này biến Sơn Trà thành các điểm lưu trú, khu vui chơi giải trí với mật độ lớn xung đột với với yêu cầu bảo tồn cho lâu dài, làm gia tăng tốc độ suy giảm môi trường sống tự nhiên.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm