Lạm phát không thể là "con ngựa bất kham"
(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí sáng 4/8, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng việc kiểm soát lạm phát không thể loay hoay với những bài toán ngắn hạn, mà quan trọng là phải giảm "lạm phát kỳ vọng" bằng những con số vĩ mô ổn định, tạo được niềm tin.
Năm 2011, nếu kéo lạm phát về được mốc 17% thì tốt, nhưng theo tôi điều quan trọng nhất là không để lạm phát kỳ vọng 2012 trong cách nghĩ của doanh nghiệp cũng như người dân.
Hiện nay, lạm phát đang được coi là "con ngựa bất kham", tức là không kiểm soát được. Muốn giảm được lạm phát kỳ vọng, các chính sách vĩ mô như chính sách tiền tệ và tài khóa phải tạo được niềm tin. Còn năm 2012, vấn đề không phải là kéo hay không kéo lạm phát về một con số, mà Quốc hội phải đặt mục tiêu lạm phát một con số.
Giải pháp thế nào thì Chính phủ sẽ trình vào cuối năm, nhưng đây là trách nhiệm chính trị lớn nhất của Chính phủ. Nếu không, chúng ta lại phải tiếp tục đối phó với lạm phát bằng những giải pháp ngắn hạn, để lỡ thêm một năm nữa trong kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Lạm phát kỳ vọng là biểu hiện thấy rõ hiện nay trong tâm lý của doanh nghiệp và người dân. Để giảm lạm phát kỳ vọng, cần phải làm gì?
Cái đó cần có những chính sách vĩ mô. Lạm phát kỳ vọng căn cứ trên những con số lớn của nền kinh tế: cân đối thu - chi ngân sách, cân đối xuất nhập khẩu, cân đối các yếu tố gây lạm phát như chi phí, khả năng giữ giá của đồng tiền... Những yếu tố đó tạo được niềm tin, thì lạm phát kỳ vọng sẽ giảm xuống.
Mặc dù giá vàng không được tính vào lạm phát, nhưng việc giá vàng tăng không ngừng trong thời gian qua liệu có tác động tích cực hay tiêu cực gì đến nền kinh tế?
Theo tôi thành công lớn của Việt Nam trong khoảng 10 năm qua là giải quyết được thực trạng giá vàng tác động trực tiếp tới giá cả thị trường. Tuy nhiên, biến động giá vàng thời gian qua vẫn có những tác động đến nền kinh tế, vì Việt Nam là nước có tỷ lệ dự trữ vàng trong dân cao.
Tính tích cực của việc vàng tăng giá là tính thanh khoản của nền kinh tế được nâng cao. Nhưng giá vàng tăng sẽ tác động đến tâm lý đẩy giá, vì người dân vẫn hay đối chiếu giá trị một món hàng với vàng trước đây và bây giờ.
Dù thế nào, vàng vẫn được coi là là một phương tiện thanh toán, nên giá vàng tăng tạo những biến động trong tổng phương tiện thanh toán. Để hạn chế tác động này, cần kiên trì chính sách chống vàng hóa và đôla hóa nền kinh tế.
Sau 10 kiến nghị về chính sách kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII, cụm từ "đổi mới lần 2" nền kinh tế đã được nhắc đến, ý nhắc đến cuộc đổi mới "lần 1" năm 1986. Theo ông đã đến lúc và đến mức phải "đổi mới kinh tế lần 2"?
Đó là vấn đề sử dụng từ ngữ thôi. Nhưng tôi cho rằng, đây là một bước đổi mới tất yếu, cần thiết. Mục tiêu là chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế, cần quyết tâm thực hiện nếu không thì khó đạt được mục tiêu chiến lược của năm 2020.
Đây không phải là 10 kiến nghị riêng của Ủy ban Kinh tế, mà là trí tuệ của nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam và cần được tham khảo một cách nghiêm túc.
Hồng Kỹ
(Thực hiện)