1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lạm phát cả nước 0,16% - thấp kỷ lục vì sao?

(Dân trí) - Đây là mức tăng giá thấp kỷ lục kể từ năm 2010 cho đến nay. Mức giá tháng 3 tăng nhẹ chủ yếu do giảm giá lương thực, thực phẩm - nhóm hàng hóa chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ tính CPI.

Lạm phát cả nước 0,16% - thấp kỷ lục vì sao?

Với những lo ngại về an toàn thực phẩm đã khiến giá nhóm này giảm trong tháng.

Tổng cục Thống kê ngày hôm nay ( 24/3) công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của cả nước.

Theo đó, trong tháng này, CPI cả nước đã tăng 0,16% so tháng 2 và tăng 2,55% so tháng 12/2011. Đây là mức tăng thấp so dự báo rất nhiều trong bối cảnh nhiều lo ngại cho rằng tình hình giá gas và giá xăng dầu sẽ tác động tiêu cực lên chỉ số chung cũng như tác động kép lên việc tăng giá các mặt hàng.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2012, CPI đã tăng 25,95% so cùng kỳ năm 2011.

Mức tăng CPI tháng này cũng là mức thấp kỷ lục kể từ tháng 12/2010. Trước đó, mức tăng thấp nhất rơi vào tháng 10/2011 với 0,36%.

Tuy nhiên, sự tăng thấp của CPI vẫn phù hợp với quy luật hàng năm bởi tính từ năm 1995 đến nay, hầu hết năm nào chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 cũng đều thấp hơn tháng 2 (so sánh tháng – tháng).

Chỉ duy nhất trường hợp năm ngoái, với mức lạm phát tháng 2,17%, CPI của tháng 3 năm 2011 đã đạt mức kỷ lục trong vòng 34 tháng.

Cụ thể, trong tháng, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống, vốn chiếm tới 40% rổ tính giá giảm tới 0,83% so với tháng trước. Trong đó, giá lương thực và thực phẩm đều lần lượt giảm 1,21% và 1,25%. Duy giá ăn uống ngoài gia đình thì vẫn tăng giá 1,02%.

Nhóm thứ hai vẫn duy trì đà giảm là nhóm bưu chính viễn thông, giảm 0,02%.

Còn lại, các mặt hàng khác đều tăng giá, nhưng do chiếm tỉ trọng nhỏ hơn nên mức tăng không đủ tác động mạnh để có thể gây hiện tượng kích giá tiêu dùng chung lên.

Đáng kể, phải tính đến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (gồm tiền thuê nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng), tăng 2,31% so tháng trước. Đây không phải là tin vui cho đông đảo bộ phận người dân phải sống làm việc và học tập tại các trung tâm thành phố lớn.

Trong khi đó, nhóm giao thông tăng 1,08% cùng nhiều than phiền về việc tăng giá xăng, dầu. Dự kiến, tác động của giá xăng, dầu sẽ thể hiện nhiều hơn ở CPI tháng 4 chứ không phải tháng 3 này.

Trong tháng, chỉ số giá vàng và giá USD đều giảm. Cụ thể, giá vàng giảm 0,44% và giá USD giảm 0,63%.

Can thiệp giảm được lượng tiền thừa trong lưu thông

Với quyết định hạ trần lãi suất huy động xuống 13%/năm, đã có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại rằng đây là tín hiệu nới lỏng tiền tệ sớm của cơ quan điều hành, song đúng như nhận định của nhóm chuyên gia HSBC, việc hạ lãi suất chỉ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nếu lãi suất có thể kích cầu.

Trong khi đó, lãi suất qua đêm vẫn còn thấp đáng kể so với lãi suất trên thị trường mở OMO và được tiên đoán sẽ duy trì ở mức này cho đến hết năm thì việc giảm lãi suất khó có thể thay đổi nhu cầu trong nước. Về mặt ngắn hạn, nhu cầu thấp, tăng trưởng tín dụng kém và mức khởi điểm về giá thuận lợi sẽ giúp duy trì mức giá cả ổn định hơn trong năm nay.

Dữ liệu của ReutersNDHMoney mới đây cho biết, trong tuần 12-18/3, thông qua hai nghiệp vụ cho vay thế chấp trên thị trường mở (OMO) và phát hành tín phiếu các kỳ hạn thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng về lượng vốn đạt gần 9.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo thông tin của NHNN thì tính đến 20/2 (trong kỳ tính CPI tháng 3), tổng phương tiện thanh toán đã giảm khoảng 0,64% so tháng trước và giảm 0,11% so cuối năm 2011, trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng giảm tới 12,62%.

Trong khi đó, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng lại ước tăng 1,66% so tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng tới 2,24%.

Như vậy, tốc độ tiền chảy vào hệ thống ngân hàng lớn hơn so dòng vốn đi ra thị trường – đây là một yếu tố khá quan trọng trong việc hạn chế tiền thừa trong lưu thông – bản chất của lạm phát.

Có thể thấy, những động thái vừa qua của NHNN cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện đang rất tốt và việc hút về một lượng vốn khả dụng dư thừa từ các ngân hàng thương mại đã phần nào hạn chế lạm phát gia tăng. Mặc dù, có thể nói rằng, so với tổng cung tiền (M2) cũng như quy mô số nội tệ mà NHNN đã tung ra để mua về ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối trong thời gian vừa qua, thì số tiền hút về không đáng kể.

Lạm phát cả nước 0,16% - thấp kỷ lục vì sao?

CPI tháng 4 sẽ chịu áp lực của việc tăng giá điện và giá xăng, dầu.

Lưu ý kỳ tính giá CPI chỉ đến ngày 15

Giá xăng dầu đã tăng từ 7/3, tuy nhiên, do kỳ tính CPI chỉ đến ngày 15 nên nhìn chung tác động của việc tăng giá này chưa tác động nhiều đến lạm phát tháng 3. Tác động của giá xăng, dầu sẽ tập trung vào kỳ tính CPI của tháng 4.

Các tác động này sẽ thể hiện nhiều hơn qua chi phí vận tải, đẩy giá hàng bán lên cao hơn.  

Mặt khác, xét về mặt kinh doanh, cách thu lại lợi nhuận cao của người cung cấp thường là giá cả. Vì vậy, không loại trừ khả năng người bán sẽ lợi dụng, viện cớ các yếu tố đầu vào tăng giá để mạnh tay nâng giá các mặt hàng khác. Để hạn chế điều này sẽ cần sự can thiệp của các cơ quan quản lý thị trường.

Ngoài ra, CPI tháng 3 thấp là nhờ giá lương thực và thực phẩm giảm, một hệ quả từ dịch bệnh và những lo ngại an toàn thực phẩm. Khi các vấn đề này được giải quyết thì mức giảm giá ở mặt hàng này là không bền vững. Vì vậy, không thể chủ quan về chỉ số giá ở những tháng sau kể cả khi lạm phát tháng 3 đã thấp kỷ lục.

Sau những thông tin EVN “đòi” tăng giá điện thì hy vọng rằng, với việc ngày 16/3 vừa qua, Tập đoàn này gửi thông cáo bác bỏ sẽ hỗ trợ giảm lạm phát kỳ vọng trong tháng tới.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Chính phủ đã cho phép EVN được phép điều chỉnh giá điện cứ sau mỗi 3 tháng một lần. Lần gần nhất của đợt điều chỉnh là ngày 20/12, vì vậy, trong tháng 4, nhiều khả năng có thể diễn ra lần tăng giá điện tiếp theo. Việc giá cả “gối đầu” nhau tăng là điều không mong đợi của cả nhà điều hành và người dân. Vì vậy, những quyết định cho phép các mặt hàng thiết yếu nâng giá cần thận trọng.

Bích Diệp