1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá thực phẩm, điện, gas gây sức ép lên lạm phát và lãi suất

(Dân trí) - Bộ phận nghiên cứu của ANZ khuyến cáo, giá thực phẩm, điện và gas đang gây sức ép làm tăng lạm phát tháng 3 trở lại. Vì vậy, để neo kỳ vọng lạm phát, NHNN cần chờ đến hết tháng này mới nên giảm lãi suất.

Giá thực phẩm, điện, gas gây sức ép lên lạm phát và lãi suất
NHNN nên chờ hết tháng này mới giảm lãi suất để neo kỳ vọng lạm phát lại.

Ngân hàng ANZ vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo đánh giá chung của ANZ, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn khiêm tốn: nhu cầu nội địa giảm trong hai tháng đầu năm trong khi thương mại có phần mở rộng hơn.

Lạm phát vẫn giữ đà đi xuống, tuy nhiên, đà lạm phát có nguy cơ tăng trở lại. Và ngân hàng này vẫn duy trì quan điểm rằng, Ngân hàng Nhà nước nên chờ đến sau quý I mới đưa ra quyết định cho chính sách cắt giảm lãi suất.

Cụ thể, lạm phát đã liên tục giảm trong 6 tháng liền, và đến tháng 2 thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 16,4% (tính theo năm) so tỷ lệ 17,3% của tháng 1.

Lạm phát theo tháng đã tăng, tuy nhiên, ANZ cũng lưu ý rằng, mức tăng 1,4% trong tháng 2 so mức 1% hồi tháng 1 là hệ quả của việc tăng giá thực phẩm, giá điện và khí đốt.

Giá thực phẩm, điện, gas gây sức ép lên lạm phát và lãi suất
Diễn biến lạm phát ở Việt Nam (nguồn: ANZ).

Chuyên gia Hải Phạm – tác giả báo cáo này cũng khuyến cáo, rủi ro lạm phát sẽ tăng trở lại vào tháng 3 này. Phải chờ đến nửa cuối của năm thì tình hình lạm phát mới có khả năng ổn định hơn.

“Ngân hàng Nhà nước nên chờ đến sau quý I trước khi đưa ra chính sách cắt giảm lãi suất để có thể neo kỳ vọng lạm phát. Nếu đà lạm phát vẫn giảm trong tháng tới thì việc nới lỏng tiền tệ một cách thận trọng có thể tiến hành” – trích báo cáo.

Theo đó, nếu xử lý một cách thận trọng, ANZ cho rằng, việc dần nới lỏng tiền tệ có thể thực hiện, và nếu không có thêm những cú “sốc” nào trên thị trường hàng hóa toàn cầu thì Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu kiềm lạm phát trong 1 con số và đạt mức tăng trưởng trung bình 6-6,5%.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm