Lãi suất tăng vọt, Ngân hàng Nhà nước bơm hơn 15.500 tỷ đồng

An Hạ

(Dân trí) - Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt ở thời điểm cận Tết và để tăng tính thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng hơn 15.500 tỷ đồng.

Theo ghi nhận từ thành viên tham gia thị trường, trong tuần từ 25/1 - 29/1, lãi suất VND liên ngân hàng biến động theo xu hướng tăng, đặc biệt tăng mạnh phiên cuối tuần. Chốt phiên 29/1, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức qua đêm 0,33%; 1 tuần 0,52%; 2 tuần tăng 0,68% và 1 tháng tăng 0,84%.

Đến ngày 2/2, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND có thêm bước tăng đột biến sau xu hướng rất mạnh cuối tuần qua.

Cụ thể, hôm qua (2/2), lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng rất mạnh, thêm 0,84% ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó; qua đêm đã lên 1,44%, 1 tuần 1,64%, 2 tuần 1,76% và 1 tháng 1,88%/năm.

Như vậy, lãi suất VND đã tăng khoảng gấp đôi trên thị trường liên ngân hàng. Diễn biến này đi cùng với nhu cầu của thị trường vào mùa cao điểm thanh toán và chi trả cận Tết Nguyên đán.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng lượng lớn để hỗ trợ cân đối thanh khoản hệ thống.

Lãi suất tăng vọt, Ngân hàng Nhà nước bơm hơn 15.500 tỷ đồng - 1
Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, hỗ trợ vốn cho sản xuất, kinh doanh

Cụ thể, ngày 2/2, nhà điều hành đã thực hiện 2 phiên chào thầu với tổng nguồn 21.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ 2,5%/năm. Kết quả có hơn 15.568 tỷ đồng trúng thầu qua kênh này với lãi suất thầu 2,5%/năm. Đồng nghĩa các tổ chức tín dụng chấp nhận vay hơn 15.500 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước mức lãi suất 2,5%/năm.

Đặc biệt đây là động thái can thiệp trở lại trên trường mở của Ngân hàng Nhà nước sau nhiều tháng không có hoạt động nào.

Theo bản tin thị trường tiền tệ của bộ phận phân tích chứng khoán SSI, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất tốt, cùng với đó là đợt bùng phát của dịch Covid-19 tại Việt Nam những ngày gần đây có thể khiến cầu tín dụng yếu đi, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn.

Tuy nhiên hiện đang tồn tại một thực tế đó là nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nên không còn khả năng đáp ứng đầy đủ quy định cho vay chặt chẽ của ngân hàng. Trước thực tế đó, các ngân hàng đã thực hiện nới nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng này và một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Thậm chí hiện nhiều ngân hàng đã chuyển sang cho vay dựa trên quản lý dòng tiền, thay vì yêu cầu tài sản thế chấp.

Theo khảo sát của Vụ Dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước mới đây, hầu hết các ngân hàng thương mại đều kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan trở lại trong năm 2021.

Tính đến ngày 31/12/2020, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 12,13% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,65%).

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 được tổ chức ở TP.HCM chiều ngày 7/1, Phó Thống đốc Ngân hành Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: Tín dụng năm 2020 tăng trưởng thấp hơn các năm trước do cầu tín dụng suy yếu bởi tác động Covid- 19. Năm 2021, ngành ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% để  định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ.