Kỳ 4: Có sự "buông tay" để đường ống dẫn dầu men sông Đuống thu lợi khủng?

Thế Hưng Quân Đỗ

(Dân trí) - Sau 3 kỳ báo về hoạt động buôn xăng dầu trên sông của các tàu không số, tàu dầu cố định và lần ra "ông trùm" đứng sau, một số cơ quan chức năng đã thừa nhận buông lỏng kiểm tra với các hoạt động này.

Buông lỏng kiểm tra

Sau thời gian điều tra, nhóm phóng viên Dân trí ghi nhận dọc tuyến sông Đuống đoạn từ Bắc Ninh về Hải Dương rất nhiều tàu dầu không số, tàu dầu neo đậu cố định không có giấy phép kinh doanh và buôn bán xăng dầu không hóa đơn. Tuy nhiên, cơ quan hữu trách dường như lại bỏ ngỏ hoạt động của các đối tượng này. 

Đặt dấu hỏi về công tác quản lý của quản lý thị trường tại các tỉnh này, phóng viên đã trao đổi trực tiếp với ông Bùi Trọng Thuân, Cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hải Dương thì được biết, kinh doanh xăng dầu có sự chỉ đạo của Bộ Công Thương là ngành chủ quản cấp phép hệ thống xăng dầu. Giấy phép kinh doanh do tỉnh cấp, giấy phép điều kiện kinh doanh thì do Sở Công Thương cấp. 

Kỳ 4: Có sự buông tay để đường ống dẫn dầu men sông Đuống thu lợi khủng? - 1

Cơ quan chức năng thừa nhận buông lỏng kinh doanh xăng dầu trên sông.

Đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên đường bộ, Cục QLTT Hải Dương thường xuyên phối hợp với thanh tra Sở Công Thương làm theo kế hoạch để kiểm tra. "Tuy nhiên, trên sông thì do bận quá chưa kiểm tra được", ông Thuân nói. 

Giải thích về nguyên do "bận", ông Thuân cho biết, từ tháng 7 năm nay, toàn bộ lực lượng của Cục QLTT tỉnh phải tập trung kiểm tra xử lý hoạt động buôn bán than tại 22 cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh. "Toàn bộ lãnh đạo cũng phải đi, do đó thời gian qua cũng chưa kiểm tra được trên sông", ông Thuân nói.

Thế nhưng, khi được thông báo rằng, các hoạt động mua bán xăng dầu lậu trên sông đã diễn ra từ hàng chục năm nay, ông Thuân mới trả lời, những năm trước có kiểm tra, song chưa có báo cáo xử lý dưới sông của các đội.

Ba kỳ báo của Dân trí đã phản ánh rõ ràng việc, ngoài các tàu dầu lưu động, một loạt các tàu dầu neo đậu cố định sát bờ cũng không được cấp phép kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Hải Dương vẫn chưa nắm được thông tin và cho rằng, đặc thù sông nước riêng, kể cả xuống bến bãi cũng không thể ra được.

"Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với địa phương, công an. Một mình quản lý thị trường hơi khó vì nó ở giữa dòng sông, chúng tôi không có phương tiện nên phải phối hợp với bên cảnh sát đường thủy", ông Thuân cho hay.

Sau khi hỏi về trách nhiệm của QLTT với hoạt động kinh doanh xăng dầu lậu trên sông, ông Thuân cho biết, trách nhiệm chính là bên nào thì phải kiểm tra mới biết. 

Ông Thuân thông tin, kinh doanh xăng dầu phải thành lập công ty do Sở kế hoạch đầu tư cấp, sau khi có công ty thì phải đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Phía Sở Công thương cấp giấy kinh doanh có điều kiện, quản lý thị trường chỉ kiểm tra.

Khẳng định trách nhiệm của QLTT chỉ là kiểm tra, ông Thuân nói thêm, kiểm tra ra không có giấy tờ thì sẽ xử lý tại chỗ. QLTT sẽ mời phòng cháy chữa cháy đến xử lý và có thể tạm dừng kinh doanh. Thậm chí các tàu dầu có thể bị khởi tố hình sự nếu trong quá trình điều tra xác minh của cơ quan công an cho thấy trốn thuế nhiều, hàng gian, hàng lận nhiều.

Đối với hàng hóa không hóa đơn chứng từ, ông Thuân cho biết, nếu xăng dầu là hàng trôi nổi, không nguồn gốc có thể là từ nước ngoài về. Chắc chắn các đơn vị buôn bán không giấy phép, hóa đơn là buôn lậu. 

Thừa nhận thời gian qua có sự thả lỏng dưới sông, Cục phó Cục QLTT tỉnh Hải Dương cũng nhận định, việc buông lỏng kinh doanh xăng dầu trên sông có thể mở ra nguồn xăng dầu lậu từ biển về.

Trao đổi với Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh, phóng viên được sắp xếp làm việc với Đội QLTT số 4. Song, dù sự việc diễn ra ngay trên địa bàn của đội nhưng ông Vũ Trang, Đội trưởng Đội QLTT số 4 vẫn chần chừ và phải xin thông tin các cơ sở không được cấp phép để xác minh. 

Sau hai ngày làm việc, đội QLTT số 4 tỉnh Bắc Ninh vẫn phản hồi xác minh theo phản ánh của báo Dân trí.

Trách nhiệm của Chi cục Thủy lợi

Sau phản ánh trong kỳ 3 của Dân trí, "ông trùm" đã nhắc tới một trong những mấu chốt có thể dấm dúi hoạt động của các tàu dầu cố định là sự "buông tay" của các đoàn kiểm tra. Theo đó, tàu dầu muốn đỗ cố định ven sông thì chỉ cần không bị "đê điều" xua đuổi.

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh được biết, chi cục không theo dõi hoạt động của các tàu này mà thuộc về Sở Giao thông và Sở Công Thương.

Kỳ 4: Có sự buông tay để đường ống dẫn dầu men sông Đuống thu lợi khủng? - 2

Đường ống dẫn dầu, cầu và dây neo được bắn vào mặt kè.

"Anh quản lý anh biết, em phải xuống tận hiện trường kiểm tra. Đường ống bọn em nêu thì phải kiểm tra là ống dẫn dầu hay ống bơm cát", ông Dũng nói. 

Sau cuộc trao đổi, phóng viên tiếp tục làm việc với ông Trương Văn Thịnh, Trưởng phòng nghiệp vụ, Chi cục đê điều Bắc Ninh, theo sự phân công của ông Nguyễn Hữu Dũng. Tại buổi làm việc, ông Thịnh thừa nhận sự tồn tại của đường ống dẫn dầu trên mái kè đê thì có.

Đơn vị chức năng cũng thừa nhận có sự việc các tàu bắc cầu và đường ống dẫn dầu lên mặt kè. Thế nhưng, ông Thịnh lại vô tư khẳng định, các tàu dầu chỉ bắc cầu vào mái kè. Đường ống thực ra rất nhỏ, không ảnh hưởng đáng kể (?).

Đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Ninh đưa ra một số biên bản xử phạt trong năm 2020 với việc neo đậu tàu dầu trong hành lang bảo vệ kè Vạn Ninh và các tàu treo 4 dây neo trên kè. Mức xử phạt với các chủ tàu chỉ 3 triệu đồng. Tuy nhiên, không có biên bản nào xử phạt hành vi bắc cầu và làm đường ống dẫn dầu trên mặt kè.

Phóng viên đặt câu hỏi về sự an toàn của hệ thống đê, kè, thì được ông Thịnh trả lời rằng, muốn xác định ảnh hưởng phải làm đánh giá. "Anh em chỉ làm chức năng nhiệm vụ, xuống mà bê được nó đi thì tốt quá, động vào người ta đánh cho", anh Thịnh cho hay.

Trả lời Dân trí về việc vì sao có sự "buông tay" của cán bộ chức năng, ông Thịnh không trả lời và chỉ thông tin rằng, vừa rồi cũng tham gia kiểm tra do Sở Giao thông mời. Biên bản sai phạm do Sở Giao thông lập.

Nhóm phóng viên đã tới Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương để làm việc, nhưng chưa nhận được câu trả lời.