Kỳ 2: Lộ diện đường ống dẫn dầu men theo sông Đuống mang về lợi nhuận khủng
(Dân trí) - Thâm nhập trực tiếp vào những cuộc giao dịch ngầm trên sông, phóng viên Dân trí đã mở toang những bí mật kinh doanh đem về lợi nhuận khủng của tàu không số chở dầu trên tuyến sông tấp nập này.
Chạm mặt tàu không số
Trong vai nhân viên công ty chuyên vận chuyển cát đá trên sông đang tìm nguồn dầu giá rẻ, nhóm phóng viên kết nối được với một số tàu không số bán dầu đang qua lại địa phận cầu Bình Than (Gia Bình, Bắc Ninh). Thấy người lạ mặt, nhóm người trên tàu đã lập tức bật dậy nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét.
Dù đã cung cấp một số "từ khóa" từ người giới thiệu, các chủ tàu buôn dầu này vẫn không ngừng kiểm tra rà soát thông tin. Tuy nhiên, sau một vòng từ tra xét đến thẩm tra, nhóm người này từ chối cung cấp bất kể được đặt mua với lượng lớn ra sao.
Sau một tuần liên lạc với các đầu mối buôn bán xăng dầu, nhóm phóng viên mới có thể đặt chân lên được một tàu vận tải đang tra nạp nhiên liệu tại gần khu vực Cầu Bình Than (Quế Võ, Bắc Ninh). Trao đổi với chủ tàu, tôi và người bạn là chủ một doanh nghiệp vận tải muốn lấy báo giá dầu để nhập nhiên liệu cho các tàu chở cát.
Được trấn an bằng những thông tin trong nghề khác đã thu thập được, chủ tàu mới dần cởi bỏ sự hoài nghi. Người này cho biết, sau mỗi chuyến hàng, các tàu vận tải qua lại khu vực này đều nạp nhiên liệu. Mỗi lần nạp, chủ tàu thường mua khoảng 500-2.000 lít dầu.
Tuy nhiên, các tàu vận tải tư nhân đều không có nhu cầu lấy hóa đơn, nên được chủ các tàu dầu không số chiết khấu trực tiếp vào giá. Tùy theo thời điểm và số lượng, mức chiết khấu có thể dao động từ 700-1.000 đồng với mỗi lít dầu không hóa đơn.
Thế nhưng, khi được hỏi về việc muốn lấy hóa đơn, chủ tàu không số thừa nhận không thể tự cấp. Chủ tàu sẽ mua hóa đơn thông qua một công ty khác, vì đối tượng này kinh doanh dầu nhưng không giấy phép, không thành lập công ty.
"Hóa đơn phải lấy chỗ khác vì tôi toàn bán cho tư nhân nên không có nhu cầu lấy hóa đơn, nếu có chỗ viết hóa đơn thì lại chiết khấu thêm", chủ một tàu không số bán dầu nói với phóng viên và khẳng định lại, do không có công ty nên việc lấy hóa đơn sẽ khó khăn hơn.
Theo một chủ tàu không số kinh doanh tại khu vực chân cầu Bình Than (đoạn giáp ranh giữa Hải Dương và Bắc Ninh), khách muốn lấy hóa đơn thì mỗi lít dầu sẽ mất thêm 500 đồng. Như vậy, tại thời điểm điều tra, sau khi chiết khấu mỗi lít dầu 1.000 đồng về còn 17.400 đồng, khách sẽ phải trả thêm 500 đồng/lít dầu nếu muốn mua hóa đơn.
"Hóa đơn cuối tháng sẽ lấy từ kho, muốn lấy hóa đơn phải làm hợp đồng", chủ tàu không số tại Hải Dương nói và cho biết thêm, nếu khách lấy nhiều và đều sẽ giảm thêm 200 đồng/lít.
Đáng chú ý, dù hoạt động ở 2 khu vực khác nhau, nhưng các tàu không số đều nhắc tới cùng một doanh nghiệp đứng sau chuyên cung cấp hóa đơn. Thậm chí, theo chủ một tàu không số, doanh nghiệp này còn cung cấp dầu và bán hóa đơn cho vài chục tàu không số, tàu dầu cố định dọc tuyến sông Đuống.
Ngang nhiên kinh doanh dầu không hóa đơn trên sông
Khai thác thêm thông tin từ chủ tàu thì được biết, mỗi ngày tàu không số tiêu thụ 3-7 khối dầu, tương đương 90-210 khối dầu/tháng. Tàu dầu cố định mỗi ngày tiêu thụ 5-7 khối dầu, có tàu lên tới 10 khối dầu/ngày, tương đương 150-300 khối dầu/tháng.
Đáng chú ý, các tàu không số, tàu dầu cố định sẽ làm hệ thống đường ống dẫn dầu để nhận trực tiếp từ xe bồn.
Hiện nay, so với giá dầu đã bao gồm thuế GTGT tại vùng 1 là 18.380 đồng/lít, giá dầu các tàu không số bán ra đang rẻ hơn khoảng gần 1.000 đồng/lít. Với lợi thế lớn này, các tàu không số, các tàu dầu cố định bán không hóa đơn trên sông đã vượt mặt các đơn vị được cấp phép và kinh doanh có hóa đơn trên sông.
Theo điều tra của phóng viên, các tàu không số, tàu dầu cố định trên sông nhập hàng từ các tổng kho với mức chiết khấu khoảng 1.800 đồng/lít. Trừ đi số tiền đã chiết khấu cho khách bán lẻ, các đối tượng đã bỏ túi 800 đồng với mỗi lít dầu không hóa đơn.
Giữ nguyên mức chiết khấu này, mỗi tháng các tàu không số có thể "bỏ túi" 72-168 triệu đồng/tháng, tương đương 864 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/năm. Các tàu bán dầu cố định trên sông thu về 120-240 triệu đồng/tháng, tương đương 1,44-2,88 tỷ đồng/năm.
Song, tùy từng thời điểm, mức chiết khấu thậm chí còn dao động tới 2.000-3.000 đồng/lít dầu. Lợi nhuận từ việc bán dầu không hóa đơn sẽ cao hơn nhiều lần.
Bên cạnh đó, các đối tượng này cũng làm thất thu lượng thuế lớn của Nhà nước. Bởi, với mức thuế Giá trị gia tăng tương đương 1.838 đồng/lít dầu, tàu dầu không số làm thất thu 164,7-386 triệu đồng/năm. Tàu dầu cố định thất thu khoảng 276-551 triệu đồng/năm.
Với hàng chục tàu dầu kinh doanh không hóa đơn trên một khúc sông Đuống, số tiền thất thu lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Chưa kể, hoạt động kinh doanh xăng dầu này hiện đang diễn ra ngang nhiên ở khúc sông này.
Theo luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), Nghị định số 99/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, trường hợp các hành vi vi phạm trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý về những tội danh tương ứng tội trốn thuế theo điều 200 Bộ luật hình sự.
Cụ thể, theo luật sư Diện, người nào thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này; hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Những đường ống dẫn dầu và các cuộc mua bán công khai một cách ngang nhiên trên sông với lợi nhuận khủng xảy ra nhiều năm qua đã đặt một dấu hỏi về quản lý của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bí ẩn lớn nhất lại chính là nhân vật đứng sau phân phối dầu cho các tàu không số này là ai? Điều này sẽ này được Dân trí mở ra tại kỳ 3 của tuyến bài.