Kinh tế bị “đe dọa" bởi virus: Giá vàng “nhảy múa" ít ngày, không đáng lo?

(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cho rằng, biến động giá vàng do yếu tố tâm lý người dân lo ngại dịch bệnh và cũng có yếu tố đầu cơ. Tuy nhiên không có vấn đề gì lớn, đáng lo ngại...

Kinh tế bị “đe dọa bởi virus: Giá vàng “nhảy múa ít ngày, không đáng lo? - 1

Chuyên gia đặt vấn đề, kinh tế chúng ta lại dựa quá nhiều vào xuất khẩu, vậy làm sao tăng trưởng thuận lợi được khi nguyên liệu đầu vào gặp khó?

Xung quanh câu chuyện về tác động dịch Covid-19 tới nền kinh tế, khá nhiều ý kiến bình luận với nhiều góc nhìn khác nhau về giải pháp sẽ như thế nào.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng, rất khó để có thể giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế trước những tác động lớn từ dịch virus.

Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn chia sẻ:

Đây là vấn đề của cả thế giới. Nền kinh tế thế giới hiện nay phụ thuộc, liên quan lẫn nhau. Trước biến động của thế giới, Việt Nam rõ ràng sẽ phải chịu ảnh hưởng theo.

Mức độ như thế nào sẽ tuỳ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, nhưng có điều có thể thấy, rõ ràng khó có thể giữ được nhịp độ tăng trưởng như kỳ trọng trước đây được.

Không chỉ một số ngành chịu tác động trực tiếp như du lịch, nông nghiệp, hàng không… Dịch bệnh này đã ảnh hưởng nhiều đến vấn đề xuất khẩu lẫn nhập khẩu.

Nguyên liệu không có thì lấy đâu hàng xuất khẩu. Kinh tế chúng ta lại dựa quá nhiều vào xuất khẩu, vậy làm sao tăng trưởng thuận lợi được?

Trong bối cảnh lo ngại về sự giảm phát trước sự tác động của dịch bệnh không chỉ phạm vi ở một nước mà còn mang tính quốc tế. Một số ý kiến đặt vấn đề về gói kích thích, các biện pháp tiền tệ… Ông nghĩ sao?

Có thể tính tới việc đưa ra một gói kích thích, gói phản ứng vừa phải. Không cần lớn nhưng mục tiêu rõ ràng. Mình nhắm vào lĩnh vực sản xuất nào và đối tượng nào cần được hỗ trợ. Theo đó, các biện pháp như giảm lãi suất, hay chưa vội đòi nợ thuế, giãn thuế, giảm thuế…

Khi thực hiện chính sách này cần phải chú trọng đến tính minh bạch và trúng được nhóm đối tượng cần thiết. Để đúng đối tượng, phải có thống kê, số liệu đánh giá thiệt hại chính xác.

Nền kinh tế Việt Nam vốn trông chờ điểm sáng trong xuất khẩu nông sản, khu vực này cũng chiếm phần lớn tầng lớp xã hội, nếu họ mà thua thiệt thì rõ ràng bất ổn xã hội tăng.

Ngoài virus cúm ra thì nông nghiệp bấy lâu nay cũng phải đối mặt với biến đổi khí hậu, bấp bênh về thị trường đầu ra. Do vậy, đối tượng khu vực nông nghiệp cần được hướng tới.

“Giải cứu” không mang tính dài hạn. Chưa kể ở Việt Nam lạm dụng vấn đề này quá. Phải tính tới nền nông nghiệp lớn, quy mô hiện đại. Không cần dịch cúm thì cũng cứ phải giải cứu liên tục. Mà vấn đề cốt lõi ở đây tôi cho rằng quy mô sản xuất còn quá manh mún, nhỏ lẻ, khó tập trung cánh đồng mẫu lớn với cơ chế hiện nay. Cần phải sớm thay đổi, có cơ chế tích tụ ruộng đất... 

Còn với du lịch, biện pháp tốt nhất là kiểm soát dịch bệnh thật tốt. Không còn cách nào khác cả. Có kiểm soát được, người dân yên tâm mới đi du lịch.

Giá vàng sau phiên tăng kịch trần, “đỉnh" suốt nhiều năm thì bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhưng cũng phần nào thể hiện tâm lý bất ổn. Ông có nghĩ tới những kịch bản xấu về suy thoái?

Biến động giá vàng do yếu tố tâm lý. Người dân lo ngại nên dịch chuyển tài sản. Cũng có cả yếu tố đầu cơ. Hôm nay, giá vàng quốc tế giảm và giá vàng trong nước còn giảm mạnh hơn. Tôi cho rằng không có vấn đề gì lớn, có tin tốt từ việc kiểm soát dịch bệnh thì giá cả lại bình thường, dân bán ra ầm ầm thôi. 

Vàng chỉ lên dữ dội khi kinh tế bất ổn kéo dài, người ta ít niềm tin vào triển vọng kinh tế. Còn nếu chỉ ngắn hạn 1, 2 ngày, theo phiên thì không đáng lo. 

Khi dịch bệnh được kiểm soát, tôi tin kinh tế phục hồi trở lại. Tôi nghĩ hệ thống kinh tế toàn cầu vẫn ổn định, không thấy những dấu hiệu bất ổn như khoảng thời gian hơn 10 năm trước.

Chỉ là vấn đề tăng trưởng sẽ không giữ được nhịp độ “hoành tráng” như trước thôi. Đây tôi cũng cho rằng như quá trình thanh lọc tự nhiên, đào thải doanh nghiệp.

Không thể phủ nhận kinh tế đang "buồn" đi trông thấy vì corona. Vậy theo ông, giải pháp cốt yếu nào để chống lại dịch bệnh trong bối cảnh này?

Trước mắt cật lực kiểm soát dịch bệnh. Đó là quan trọng nhất. Ngoài ra xem xét một số biện pháp cụ thể như tôi đã nêu về gói hỗ trợ với những mục đích rõ ràng. 

Một giải pháp mà chúng ta nói nhiều đến để hỗ trợ doanh nghiệp ngay cả khi chưa có dịch bệnh là hạ lãi suất.  Những năm vừa qua, mặt bằng chi phí lãi vay cho sản xuất – kinh doanh có giảm, nhưng chưa đáng kể. Do đó, nếu chúng ta có được giải pháp hiệu quả nhằm giảm chi phí lãi vay cho doanh nghiệp thì sẽ rất có ý nghĩa. Không chỉ trong thời điểm dịch bệnh này mà còn mang tính dài hạn.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Mạnh (ghi lại)