Dân buôn vừa bán hàng vừa ngủ gật, kinh tế Việt Nam ảm đạm vì corona
(Dân trí) - Việc người dân hạn chế đến những nơi đông người, giao thương khó khăn… vì dịch bệnh corona đang tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.
Thương mại dịch vụ đìu hiu vì virus
Có mặt ở một ngôi chùa nổi tiếng ở Thái Bình với mệnh danh là ngôi chùa cổ đẹp bậc nhất Việt Nam, một không gian vắng vẻ hiếm có trong những ngày đầu năm.
Nhiều gian hàng hàng bày đồ ăn, đồ lưu niệm… vắng vẻ, thậm chí có những người bán hàng chán ngán vì vắng vẻ, thưa khách quay sang gục mặt “ngủ gật".
Tình trạng này diễn ra ở nhiều khu vực khác. Theo phản ánh hầu hết các nơi tâm linh khác đều ghi nhận tình trạng sụt giảm mạnh, có nơi lượng khách giảm đến 80%. Nguyên nhân do lo ngại virus corona, dân bản địa hay du khách đều hạn chế những nơi đông người.
Một số nơi vốn tập trung đông người khác như các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội cũng rơi vào cảnh “vắng như chùa Bà Đanh".
Những cửa hàng ăn uống, thời trang, đồ dùng vắng bóng khách. Một nhân viên tại cửa hàng trà sữa vừa đeo khẩu trang kín mít vừa chia sẻ, lượng khách vào quán sụt giảm mạnh, cũng có một số ít khách đến mua nhưng chủ yếu mang về.
Tại báo cáo nhanh vừa công bố về tác động của dịch corona, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng dịch bệnh sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, cũng giống như Trung Quốc, khu vực dịch vụ của Việt Nam được đánh giá sẽ bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh corona, điển hình là các ngành vận tải, lưu trú, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, hoạt động giải trí.
Trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,6%. Mặc dù tỷ trọng này chưa cao như Trung Quốc nhưng khu vực dịch vụ chiếm tới 45% trong tổng mức tăng GDP của Việt Nam.
Trong đó, những ngành có mức tăng trưởng cao hơn hẳn bao gồm: Bán buôn và bán lẻ (tăng 8,82%); vận tải, kho bãi (tăng 9,12%)... Đây đều là những ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh.
Dưới tác động của dịch cúm do virus corona, BVSC dự báo GDP trong quý I/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6,5%, thấp hơn 0,2-0,4% so với cùng kỳ năm 2019 và không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý II/2020.
Nông sản bí đầu ra, lại lo cảnh khắp nơi giải cứu
Ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona, nhiều lô hàng xuất khẩu qua Trung Quốc bằng cả đường bộ lẫn đường biển đều gặp khó khăn vì không thông quan được.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn, thời gian có thể từ 6 đến 8 tháng.
“Phạm vi ảnh hưởng của dịch và biện pháp chống dịch tới hoạt động xuất nhập khẩu là tương đối rộng nhưng thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hiện nay, kim ngạch XNK qua các cửa khẩu đất liền là khoảng 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu theo đường chính thức khoảng 3,7 tỷ USD, xuất khẩu theo đường trao đổi cư dân khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu là nông, thủy sản”, Bộ Công Thương cho biết.
Theo phản ánh, dưa hấu ở các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là ở Gia Lai, đang rớt giá thảm do ảnh hưởng từ dịch virus corona. Trong khi đó, bà con trồng thanh long cũng “khóc ròng" vì cảnh rớt giá thảm khi “tắc đường” sang Trung Quốc.
Rõ ràng tác động dịch corona đến nông sản Việt là không hề nhỏ. Bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%.
Theo chuyên gia BVSC, nếu hoạt động giao thương với Trung Quốc bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tăng trưởng của khu vực nông - lâm - thuỷ sản (vốn đã ở mức thấp) sẽ có nguy cơ suy giảm thêm, từ đó kéo theo cầu tiêu dùng của người lao động thuộc khu vực này cũng giảm theo.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, thanh long, khoai lang, dưa hấu hay các mặt hàng nông sản khác trước nay vẫn đi sang Trung Quốc nhiều nhưng hiện nay bắt đầu bị ứ đọng. Giải pháp lúc này chỉ có thể là đưa quay trở lại tiêu thụ tại thị trường trong nước.
“Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế, không phải loại quả nào mang về cũng tiêu thụ hết được trong nội địa. Ví dụ như thanh long với số lượng hàng ngàn tấn, dưa hấu cũng như vậy. Trong thời gian này chúng ta đang tìm mọi giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ trong nước bằng các hệ thống phân phối, vận chuyển…. Vì số lượng hàng này là rất lớn, nếu cố gắng chúng ta có tiêu thụ được 30% lượng hàng xuất khẩu, còn 70% chưa biết làm thế nào”, ông Phú nói.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng kéo dài.
Đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp, trình Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ tương tự để giúp đỡ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là với trái cây, vốn có thời gian bảo quản rất ngắn...
Nguyễn Mạnh