1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh hãi thực phẩm bẩn, dân phố săn lùng đồ quê ăn Tết

(Dân trí) - Vì hương vị quê hương vừa là vì chất lượng thực phẩm ở quê tốt nên Tết Bính Thân 2016, rất nhiều gia đình ở thành phố đã đặt hàng, chở nguyên cả con lợn từ quê lên thành phố để làm thực phẩm.

Thị trường đang chứng kiến xu hướng, người tiêu dùng chọn thực phẩm quê để ăn một cái Tết thực sự trọn vẹn và "sạch" ở cả nghĩa đen, nghĩa bóng.

"Chở củi về rừng"

Những tưởng phố sá, đô thị đồ ăn và đặc sản vùng miền không thiếu thứ gì nhưng không hẳn vậy, lượng người thành phố đổ về quê để sắm Tết ngày một lớn. Những sản phẩm họ mua đủ thứ, từ chiếc bánh chưng xanh, cân lợn thịt, đến cả những cây trái, hoa quả truyền thống.

Nhiều người cho rằng, Tết sắm ở quê giá vừa rẻ, chất lượng lại an toàn mà còn giúp ích được cho quê hương, tiêu thụ các loại nông sản ở quê cho người dân đã vất vả một nắng hai sương.


Nhiều gia đình đụng lợn tại quê những ngày cận Tết rồi chuyên chở về thành phố.

Nhiều gia đình "đụng" lợn tại quê những ngày cận Tết rồi chuyên chở về thành phố.

Gia đình anh Hưng, định cư cùng bố mẹ anh tại Cầu Giấy, Hà Nội, từ hai năm nay anh quyết định sắm các loại thực phẩm Tết ở quê. Do đó, đồ dùng và thức ăn mà anh mang lên dịp Tết này toàn quà quê, nào là bánh chưng tự gói, giò, chả tự đóng khuôn, thịt lợn cùng chung nuôi và giết mổ với anh em họ hàng, rau xanh thì mua tại vườn của cô dì, chú bác họ.

Anh Hưng tâm sự: “Thường thì mọi năm tôi đều được các anh chị em ở quê cho con gà, mớ rau ăn Tết. Thấy vậy, hai năm nay gia đình mới tổ chức tự nuôi, tự giết mổ để lấy thực phẩm sạch sử dụng. Không những là lo cho sức khỏe gia đình, không phải mua thực phẩm trôi nổi trên thị trường, mà mỗi dịp mổ lợn, giết gà là anh em họ hàng tề tựu gặp mặt đông đủ, hâm lại tình cảm quê hương, đây là sợi dây gắn kết nghĩa tình của những người con xa xứ”.

Thực tế, đại đa số người dân thành thị nay sắm Tết ở chợ, cửa hàng chuyên doanh, siêu thị cho tiện; nhưng cũng không ít người xưa nay vẫn “trung thành” với việc sắm Tết ở quê bởi rất nhiều lý do.

"Nhiều người bảo tôi kỹ tính, chở củi về rừng. Nhiều người hỏi, có thể duy trì sắm Tết quê được bao nhiêu lâu khi mà nông thôn bây giờ cũng đang được đô thị hóa nhanh chóng, các nguồn thức phẩm từ quê không ai dám chắc là sạch 100%. Tuy nhiên, tôi khẳng định sẽ tiếp tục duy trì bởi mỗi tháng về 1 lần hoặc 2, không mua thực phẩm thì đi xe không cũng phí. Bên cạnh đó, ăn thực phẩm quê, vừa sạch vừa đảm bảo chất lượng, nên cứ mỗi lần có ý định về quê là cả phòng tôi nhao nhao gửi tiền mua đồ ăn, thức uống: từ gạo quê đến thịt, giò chả, rau các loại", anh Hưng cho biết.

“Né” thực phẩm bẩn dịp Tết

Giống anh Hưng, anh Phạm Việt Khoa, quê Hải Dương cũng là chuyên gia săn lùng quà quê ăn Tết. Anh Hưng tâm sự: “Sợ thực phẩm công nghiệp tại Hà Nội lắm, cứ xem tivi, nghe đài báo loan tin đâu là lợn nuôi bằng chất tạo nạc, rau tưới dầu nhớt hay bắp cải phun thuốc kích thích là mình bỏ ngay ý định sắm thực phẩm ở trên này. Nhiều lúc ra ngoại ô, chứng kiến nhiều người trồng rau ven cống nước thải, sử dụng nước đó tưới lên rau ngon lành, cảm giác rùng mình”.

Anh Khoa nói: “Đã từ rất lâu rồi, gia đình tôi có thói quen dùng những sản phẩm ở nhà mang lên, khoảng cách Hà Nội và Hải Dương ngắn nên việc chuyên chở và đi lại cũng thuận tiện.

Một đàn lợn rừng được nuôi để cung cấp thịt cận Tết
Một đàn lợn rừng được nuôi để cung cấp thịt cận Tết

Mọi năm, gia đình thường hay nuôi gà lai chọi để làm thực phẩm ăn Tết, gà ăn tết không hết thường được để ra Giêng (tháng 2 – 3 âm lịch) dùng dần. Năm nay, gia đình quyết tâm nuôi thêm số lượng lớn vì có nhiều bà con, bạn bè Hà Nội đặt mua để ăn tết. Trong tết, cứ 23 tháng Chạp, tôi lại đánh xe chở đồ lên, còn đâu Tết về dùng dần. Đến Giêng hai, lại tiếp tục chăn nuôi để cho vụ sau".

“Năm ngoái, trong chuyến công tác lên Lai Châu, tôi có mua được 2 cặp lợn rừng cắp nách của bà con vùng cao. Tôi quyết định mua về nuôi bằng cám rau và giun chùn quế. Năm nay mổ thịt lợn ra ai cũng khen thịt nạc, ngon mà không béo”.

Không chỉ có phong trào gia đình, anh em chung nhau nuôi gia súc, gia cầm làm thực phẩm ăn Tết mà gần đây, nhiều người dân thành phố không có gốc gác tại quê đã nhờ nuôi hộ gia súc, gia cầm để sử dụng. Mặc dù giá cao, do thời gian chăn nuôi kéo dài, công phu, nhưng nhiều người cho hay: bỏ tiền mua thực phẩm sạch, ăn uống yên tâm.

Ông Lê Mạnh Chiến, Tây Hồ, Hà Nội cho hay: “Ngày thường ăn thịt lợn là rất bình thường, có ba ngày Tết nên anh em chúng tôi muốn sử dụng các loại thực phẩm vừa độc đáo vừa sạch sẽ. Chúng tôi đã đặt nuôi hộ 2 cặp lợn rừng hơn 30kg ở Sơn La; 30kg gà chọi ở Mộc Châu và rau xanh cũng đặt trước họ tầm 20kg những mặt hàng củ, quả… Gần tết, họ chuyển về hoặc chúng tôi lên lấy, giá có đắt đỏ, nhưng mình yên tâm vì đó đều là những nơi có các loại gia súc, gia cầm gốc mà người chăn nuôi cũng khó khăn, quanh năm đi rừng nên việc làm của gia đình cũng khuyến khích công việc cho họ”.

Đã hơn 3 năm chỉ nuôi lợn, gà và trồng rau “thuê” cho người trong nhà, bà Đàm Thị Lan (Hải Dương) cảm thấy cứ mỗi cái Tết lại là một niềm vui, bà tâm sự: “Nhà neo người, có các cháu đi xa, mỗi năm lại về đông đủ. Hai ông bà già giờ cày cấy không được, chúng nó nhờ nuôi con gà, con lợn, trồng ít rau xanh để ăn Tết. Cứ 29 – 30 Tết, cả nhà như lễ hội, các con cháu về đông đủ, mổ lợn, giết gà và thu hoạch rau…, tôi thấy vui lắm. Tuy nuôi những loại gà, lợn mất công, có khi cả năm mới được một con, nhưng chúng nó vừa mua vừa cho nên chả đi đâu mà thiệt vừa lại đảm bảo sức khỏe cho con cháu và cộng đồng nữa”.

Nguyễn Tuyền

Kinh hãi thực phẩm bẩn, dân phố săn lùng đồ quê ăn Tết - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm