TP.HCM:
Hàng giả, hàng nhái, thực phẩm “tẩm” hóa chất "lộng hành" dịp Tết
(Dân trí) - Khi thị trường hàng hóa đang vào cao điểm dịp tết Nguyên Đán cũng là thời điểm xuất hiện hàng loạt các loại hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, giả về chất lượng và giả về hình thức là thực trạng phổ biến, đáng báo động.
Sáng 29/1, Đội Quản lý thị trường 4A - Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết, đơn vị này đã niêm phong hơn 100 tấn bột ngọt của công ty Trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn Ve Wong (địa chỉ 1707 quốc lộ 1, phường An Phú Đông, quận 12) để làm rõ về hành vi sản xuất bột ngọt giả thương hiệu nổi tiếng.
Trước đó, ngày 26/1, Đội 4A đã kiểm tra công ty trên, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện công nhân của Công ty Sài Gòn Ve Wong đang đóng gói sản phẩm bột ngọt, thay đổi bao bì bột ngọt được nhập từ Thái Lan và Trung Quốc loại 25 kg/bao rồi chiết ra bao bì nhỏ loại 100 đến 500 gram, nhãn mác ghi xuất xứ tại Việt Nam. Trên thực tế, Công ty này không hề có dây chuyền sản xuất bột ngọt mà chỉ có máy đóng gói, sang chiết từ bao lớn sang bao nhỏ.
Theo Đội QLTT 4A, hành vi của công ty Sài Gòn Ve Wong có dấu hiệu vi phạm về: Hàng hóa có nhãn mác, bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất. Lực lượng chức năng đã niêm phong hơn 100 tấn bột ngọt, đình chỉ hành vi vi phạm nêu trên và tự bảo quản không được xuất bán hoặc đưa vào đóng gói. Lực lượng QLTT đã niêm phong 4.200 bao (khoảng 105 tấn) tấn ngọt xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan để chờ điều tra, làm rõ.
Trong tháng 1/2016, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán. Đơn vị này đã phối hợp với các đoàn liên ngành của 24 quận, huyện kiểm tra, phát hiện 362 vụ vi phạm, trong đó có 106 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lực lượng chức năng đã tạm giữ gần 10.000 đơn vị thực phẩm nhập lậu, chủ yếu là bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, đường cát…tạm giữ khoảng 2.500 đơn vị sản phẩm quá hạn sử dụng. Ngoài ra cơ quan chức năng còn phát hiện 64 vụ buôn bán hàng giả, tạm giữ 7.300 đơn vị sản phẩm gồm túi xách, đồng hồ đeo tay, dày giép…Các đội QLTT phát hiện 223 doanh nghiệp kinh doanh buôn bán hàng lậu, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc. Riêng thuốc lá lậu, lực lượng QLTT đã thu giữ khoảng 75.000 gói.
Một số loại thực phẩm khác thiết yếu với người tiêu dùng hàng ngày và dịp Tết như măng tươi và mứt.. cũng bị các đối tượng tẩm ướp hóa chất để tẩy trắng, tạo màu để dễ dàng tiêu thụ.
Cuối năm 2015, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM phối hợp với Công an quận Bình Tân tiến hành kiểm tra cơ sở Trường Thọ, số 48/13 đường Trương Phước Phan (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) do bà Lư Thị Mỹ Hạnh làm chủ. Thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện và tạm giữ một túi ni-long chứa chất bột màu trắng, Bà Hạnh khai nhận đây là chất tẩy sử dụng để làm sạch và trắng mứt bí đao.
Tiếp tục kiểm tra một cơ sở sản xuất mứt khác trên địa bàn quận Bình Tân, cảnh sát môi trường phát hiện vi phạm tương tự. Hiện mẫu chất bột màu trắng và mứt thành phẩm của hai cơ sở trên đã được đưa đi giám định.
Cũng trong chiến dịch truy quét thực phẩm độc hại, Cảnh sát môi trường tiếp tục kiểm tra cơ sở chế biến măng đóng tại số 61/8 quốc lộ 1A (phường Tân Thới Nhất, quận 12) do bà Nguyễn Thị Nhỏ làm chủ, Cảnh sát môi trường phát hiện công nhân dùng chất cấm nguy hại để chế biến măng tươi. Trong số 10 tấn măng thì có khoảng 300kg đã được ngâm chất tẩy trắng và chất tạo màu vàng tươi, đây là những hóa chất chỉ được phép dùng trong sản xuất công nghiệp, dệt may. Bà Nhỏ khai nhận mua hóa chất ở chợ Kim Biên với giá 26.000 đồng/kg, trong quá trình chế biến, một muỗng chất tẩy trắng dùng cho khoảng 200 kg măng, 1 muỗng chất tạo màu vàng tươi cho 1 tấn măng.
Tại cơ sở chế biến măng Tùng Hương số 7/3B đường Nguyễn Thị Sóc (xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) do bà Nguyễn Thị Hồng (41 tuổi) làm chủ, lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng loạt sai phạm. Chủ cơ sở chế biến măng này khai nhận đã mua hóa chất phụ gia tạo màu vàng để chế biến măng tươi cho đẹp mắt, loại măng được bà Hồng nhập về có màu trắng đục, sau 5h ngâm trong hóa chất măng sẽ được chuyển sang màu vàng tươi rồi được chuyển đến các điểm tiêu thụ.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Viện phó Viện Vệ sinh y tế cộng đồng TP.HCM cho rằng, việc dùng hóa chất, phụ gia không rõ nguồn gốc để ngâm, tẩy trắng, nhuộm vàng măng có nguy cơ gây nguy hại đến sức khỏe người dân hiện nhà nước nghiêm cấm việc sử dụng các hóa chất, phụ gia công nghiệp trong sản xuất thực phẩm.
“Nếu măng chua tại các lò này sử dụng chất tẩy trắng công nghiệp (chuyên dùng để tẩy vải, giấy…), chất nhuộm vàng (dùng trong sản xuất màu, sơn…) để ngâm tẩy trắng măng, làm đẹp, loại măng này sẽ gây tổn hại dạ dày, có thể gây thủng ruột, tổn hại thận, phá nát gan người dùng. Những loại phụ gia hóa chất công nghiệp này khi vào cơ thể con người có thể tích lũy, tồn dư và kích hoạt hàng loạt bệnh nguy hiểm” – Bác sĩ Mai khẳng định.
Bác sĩ Mai cho rằng, việc dùng chất cấm, chất tẩy, phụ gia, hóa chất công nghiệp trong sản xuất thực phẩm, sản xuất măng là hành vi bị nhà nước nghiêm cấm, xã hội lên án. Cần tịch thu toàn bộ hàng hóa tang vật để tiêu hủy, xử phạt thật nặng chủ hàng.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc hàng hóa và phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Đặc biệt, việc người tiêu dùng từ chối dùng hàng giả và cung cấp thông tin về hàng gian, hàng giả phát hiện được cho cơ quan chức năng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong việc chống hàng gian, hàng giả. Một thực tế đáng lo hiện nay là mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường nhiều giải pháp như tuyên tuyền, vận động, ra quân truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… thế nhưng vì lợi nhuận thu được quá “khủng” nên hàng giả, hàng nhái vẫn tiếp tục lộng hành, nhất là trong dịpTết.
Trung Kiên