Kiến nghị thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp ở Việt Nam: Khó chấp nhận!

(Dân trí) - Hiện tại, giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa ký Hiệp định Hoán đổi tiền tệ, do đó, đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC về việc cho thanh toán đồng Nhân dân tệ trực tiếp ở Việt Nam là không có cơ sở.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

 * Giá dầu giảm, “điềm lành” cho kinh tế châu Á
* Tỷ phú chứng khoán năm 2014: Đại gia ngành thép, thủy sản lên ngôi
* Phong thủy cho hồ non bộ ngoài trời
* PMI sản xuất tháng 12/2014 tăng trưởng mạnh nhất 8 tháng
* Trộm phá ATM, lấy đi gần 1 tỷ đồng
* Thị trường khởi sắc sáng đầu năm

Trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan này cho biết, Hiệp hội doanh nghiệp Trung quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thanh toán đồng Nhân dân tệ (CNY/RMB) trực tiếp ở Việt Nam. 

Bên đề xuất hy vọng NHNN sẽ cho ICBC thực hiện hợp tác về nghiệp vụ Nhân dân tệ với Ngân hàng thương mại Việt Nam (như BIDV) hiện đang thực hiện nghiệp vụ Nhân dân tệ.

Hai tổ chức này này đã phân tích rằng, “nếu thị trường thanh toán RMB từ biên giới được mở rộng đưa vào nội địa Việt Nam và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch, thì Ngân hàng Nhà nuớc Việt Nam có thể quản lý giám sát nguồn vốn này một cách có hiệu quả. Đồng thời có thể tăng cường đóng góp trong việc thu thuế cũng như công tác phòng, chống rửa tiền”.

Kiến nghị thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp ở Việt Nam: Khó chấp nhận!
Do chưa ký kết Hiệp định Hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc, nên hiện tại Việt Nam không bị lệ thuộc về vấn đề tài chính, tiền tệ với nước này.

Về đề xuất này, theo TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thì bản chất, Hiệp hội nào cũng có những đề xuất có lợi riêng cho bản thân họ, song chưa hẳn đã “hợp lý” và “có hiểu biết”. Và nói gì thì nói, đây cũng mới chỉ là một đề xuất mà thôi.

TS. Thành cho rằng, về mặt kỹ thuật, khi hai nước chưa ký Hiệp định hoán đổi tiền tệ (Swap Agreement) với nhau thì bản thân việc giao dịch trực tiếp của tư nhân tại biên mậu đã là phạm pháp. Do đó, đề xuất này của phía hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc và ICBC là không có cơ sở và chắc chắn là Bộ Công Thương sẽ không thông qua khi Ngân hàng Nhà nước chưa “bật đèn xanh” và bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ không thể đồng ý khi hai nước chưa ký Hoán đổi tiền tệ với nhau.

Và cũng chính vì chưa ký kết Hiệp định Hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc, nên hiện tại Việt Nam không bị lệ thuộc về vấn đề tài chính, tiền tệ với nước này.

Ông Thành cũng lưu ý, nếu chấp thuận kiến nghị này thì hệ thống ngân hàng Trung Quốc sẽ “bùng nổ” tại Việt Nam. Vì hiện tại, vốn của ICBC vẫn đang còn nhỏ và có thể quản lý được, song khi tỷ trọng vốn của Trung Quốc trong nền kinh tế Việt Nam trở nên lớn hơn thì sẽ tác động tiêu cực đến an ninh tài chính, an ninh tiền tệ của Việt Nam.

Tất nhiên, đề xuất này về mặt giao dịch thương mại sẽ có lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu Việt Nam, bởi khi thanh toán, sẽ không phải mất chi phí trung gian qua việc đổi VND-USD-RMB. Thế nhưng, điều này chưa tính đến yếu tố dự trữ trong rổ tiền tệ của các ngân hàng, chưa tính đến những vấn đề về chính trị và ảnh hưởng đến hệ thống tài chính.

Mặc dù vậy, ông Thành cho rằng, thời điểm này cũng không cần thiết phải khuyến khích mặt này. Vì với tỷ trọng thương mại chiếm 10% xuất khẩu và 25% nhập khẩu thì rổ dự trữ thanh toán sẽ phải giảm tỷ trọng USD và thêm vào đó tỷ trọng RMB – làm phức tạp hơn cho quản lý trong bối cảnh trình độ quản lý tiền tệ của Việt Nam vẫn còn chưa có nhiều kinh nghiệm.

Hơn nữa, nếu thúc đẩy việc này sẽ không bao giờ “dẹp” được giao dịch trực tiếp qua biên mậu, và theo đó, những vấn đề như nhập siêu, quản lý chất lượng hàng hóa sẽ không thể cải thiện được.
 
Chuyên gia kinh tế cao cấp - TS Lê Đăng Doanh thì cho rằng, đề xuất này được đưa ra giữa bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực đưa RMB thành đồng tiền chuyển đổi quốc tế và trở thành đồng tiền số 1. Tuy nhiên, những đề nghị của phía Trung Quốc sẽ cần phải được Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng.

Ông Doanh cho rằng, nếu đề nghị chỉ dừng lại ở mong muốn chính thức hóa thanh toán biên mậu bằng RMB sang quản lý bằng ngân hàng thì có thể chấp nhận được. Nhưng mong muốn của họ lại là muốn các giao dịch khác trong nước cũng dùng RMB và cho phép ngân hàng Trung Quốc thực hiện thì đó là một điều cần hết sức thận trọng.

“Ngân hàng Trung Quốc dùng tiền Trung Quốc lại có quyền chuyển đổi với VND là một điều khó có thể chấp nhận được. Vì trong tình hình hiện nay, chúng ta đã phụ thuộc nhập siêu từ Trung Quốc, nay lại chỉ thanh toán bằng RMB thì sẽ rất khó khăn. Nếu như thiếu RMB, chúng ta sẽ phải vay từ phía Trung Quốc chứ không còn cách nào khác, trong khi đó nếu sử dụng USD thì còn có hy vọng xuất các thị trường khác. Và như vậy, chúng ta sẽ phụ thuộc vào phía Trung Quốc, và nếu xét trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang phức tạp, nếu cho phép như vậy thì Trung Quốc có thể dùng kênh đổi tiền để gây sức ép cho Việt Nam” – ông Doanh lo ngại.

Được biết, theo khảo sát của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) công bố hồi tháng 9/2013, RMB đã là một trong 10 đồng tiền được giao dịch mạnh nhất thế giới. Đầu năm 2004, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội biến Hong Kong thành một trung tâm của RMB ở nước ngoài khi chỉ định Bank of China Hong Kong làm ngân hàng được thanh toán đồng tiền này; kế đến là London vào năm 2009. Năm 2013, Singapore trở thành trung tâm tiếp theo khi Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) được chỉ định thanh toán bằng đồng RMB tại đây.

Ít nhất trên thế giới đã có ba quốc gia là Mỹ, Nhật Bản và Australia có giao dịch tiền tệ trực tiếp với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Brazil cũng đã ký Hiệp định hoán đổi tiền tệ trong 3 năm với nước này. Và vào giữa tháng 10/2014 vừa rồi, đến lượt Nga tiến hành ký kết hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương với Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư trực tiếp hai bên.

Với vị thế là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, tham vọng của Bắc Kinh là biến động RMB trở thành một trong những đồng tiền dự trữ toàn cầu. Tất nhiên, đây vẫn là viễn cảnh trong tương lai.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2014, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VIệt Nam với kim ngạch ước đạt 43,7 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2013. Nhập siêu cả năm từ Trung Quốc ước tính ở mức 28,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm trước.

Về mặt đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung Quốc hiện có 1.082 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 7,94 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư tại Việt Nam. 

Quy mô các dự án đầu tư trung bình cho mỗi dự án đầu tư của Trung Quốc chưa đến 7,34 triệu USD/dự án – mức thấp so với trung bình của các nhà đầu tư khác tại Việt Nam.

Có mặt tại 55/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam nhưng các dự án đầu tư của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi.

Trong khi đó, tính đến nay Việt Nam mới chỉ có 13 dự án đầu tư sang Trung Quốc với tổng vốn đăng ký là 15,93 triệu USD chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.


Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”