Doanh nghiệp Trung Quốc kiến nghị cho thanh toán đồng Nhân dân tệ trực tiếp ở Việt Nam

(Dân trí) - Theo phía doanh nghiệp Trung Quốc, nếu thị trường thanh toán Nhân dân tệ được đưa vào nội địa Việt Nam và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch, thì Ngân hàng Nhà nuớc Việt Nam có thể quản lý giám sát nguồn vốn này một cách có hiệu quả.

Doanh nghiệp Trung Quốc kiến nghị cho thanh toán đồng Nhân dân tệ trực tiếp ở Việt Nam
Đa số giao dịch thanh toán biên mậu bằng Nhân dân tệ nói trên được thực hiện ở Việt Nam thông qua con đường không chính ngạch.
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Hiệp hội doanh nghiệp Trung quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thanh toán đồng Nhân dân tệ trực tiếp ở Việt Nam. 

Theo phía Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc và ICBC, nhu cầu giao địch thanh toán bằng Nhân dân tệ tại Việt Nam là khá lớn và tăng lên rõ rệt theo đà phát triển không ngừng của thương mại Việt - Trung nhưng  hiện phương thức lưu thông Nhân dân tệ chưa được pháp luật Việt Nam quy định.

Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể mở rộng phạm vi sử dụng Nhân dân tệ tại Việt Nam hơn ở mức độ hợp lý, đồng ý cho ICBC thực hiện hợp tác về nghiệp vụ Nhân dân tệ với Ngân hàng thương mại Việt Nam (như BIDV) hiện đang thực hiện nghiệp vụ Nhân dân tệ (CNY).

Theo 2 cơ quan này, tại thị trường biên mậu Việt - Trung, cuối năm 2013, ước tính kim ngạch thanh toán bằng Nhân dân tệ đã đạt khoảng 15 tỷ USD. Tuy nhiên, đa số giao dịch thanh toán biên mậu bằng Nhân dân tệ nói trên được thực hiện ở Việt Nam thông qua con đường không chính ngạch.

"Nếu thị trường thanh toán Nhân dân tệ từ biên giới được mở rộng đưa vào nội địa Việt Nam và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch, thì Ngân hàng Nhà nuớc Việt Nam có thể quản lý giám sát nguồn vốn này một cách có hiệu quả. Đồng thời có thể tăng cường đóng góp trong việc thu thuế cũng như công tác phòng, chống rửa tiền", kiến nghị cho biết. 

Kiến nghị cũng cho biết, hiện tại đã có ngân hàng của Việt Nam thực hiện nghiệp vụ đổi CNY-VND nhưng chưa có ngân hàng Trung Quốc được thực hiện nghiệp vụ này. Theo đó, nếu đồng tiền thanh toán thương mại từ đồng USD... được thay bằng Nhân dân tệ chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán mà không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất siêu hay nhập siêu.

Trên thực tế, kể từ khi Hồng Kông trở thành thành phố đầu tiên ngoài Trung Quốc cho phép các ngân hàng địa phương có thể chấp nhận tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ vào năm 2004, Trung Quốc đã nỗ lực không ngừng để thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ với mục tiêu trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô mới công bố của China International Capital Corporation (CICC), hiện có khoảng 10.000 định chế tài chính quốc tế thực hiện kinh doanh bằng đồng Nhân dân tệ, tăng hơn 900 so với năm 2011. Dự báo đến năm 2015, cùng với USD và EUR, Nhân dân tệ sẽ là một trong ba đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong thương mại toàn cầu với khoảng 30% kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc được thanh toán bằng đồng tiền này.

Ngoài ra, về quản lý ngân hàng chi nhánh như đối với ngân hàng con tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc và ICBC cho rằng, theo Luật Tổ chức tín dụng số 29/2013/TT-NHNN ngày 6/12/2013 có một số quy định hạn chế mức dư nợ cấp tín dụng lớn nhất của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một khách hàng và người có liên quan.

Cụ thể, theo quy định: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mai, chi nhánh ngân hàng nuớc ngoài; Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo kiến nghị, tổng tài sản của Hội sở chính của ICBC là 3000 tỷ USD, nhưng vốn điều lệ của ICBC — Chi nhánh Hà Nội chỉ có 50 triệu USD. Nếu thực hiện theo tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng như quy định, thì chi nhánh ngân hàng ICBC chỉ có thể cho vay được 7,5 triệu USD đối với 1 dự án của 1 khách hàng. Trong khi đó ngân hàng con và ngân hàng chi nhánh về quản lý không giống nhau, toàn bộ rủi ro của ngân hàng chi nhánh đều do Hội sở chính chịu trách nhiệm.

"Vì vậy, hạn chế này một mặt là trở ngại cho cho sự phát triển của chi nhánh ngân hàng nước ngoài chúng tôi, một mặt là giảm thiểu cơ hội chọn lựa tài chính cho các dự án lớn tại Việt Nam, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc chủ đầu tư Việt Nam có được dịch vụ hỗ trợ tài chính và báo giá tốt", Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc và ICBC cho hay.

Phương Dung
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”