Kiếm bạc triệu từ bán hàng "Made in Vietnam"

(Dân trí) - Người tiêu dùng chuyển thị hiếu sang hàng Việt thay vì tâm lý "sính ngoại" như trước đây giúp việc kinh doanh của hàng loạt các cửa hàng bán đồ thời trang "Made in Vietnam" "ăn nên làm ra".

Vài năm trở lại đây khi hàng hóa Trung Quốc mất dần chỗ đứng tại thị trường Việt Nam thì cũng là lúc hàng Việt được người tiêu dùng để mắt tới nhiều hơn. Riêng về thị trường đồ thời trang như quần áo giày dép, dễ nhận thấy một điều là ngày càng nhiều những cửa hàng mang cùng một biển hiệu "Made in Vietnam" ra đời, thu hút một lượng không nhỏ người tiêu dùng nội địa.

Hàng "Made in Vietnam" hiện không chỉ dừng lại là bán hàng Việt Nam xuất khẩu như trước đây mà còn bao gồm cả các mặt hàng chất lượng do doanh nghiệp trong nước sản xuất và gắn thương hiệu riêng của riêng mình. Trên bất kỳ tuyến phố nào của Hà Nội cũng bắt gặp những cửa hàng này và tại các tuyến chính như Cầu Giấy, Chùa Bộc… thì tần suất xuất hiện lại càng dày đặc.

Không chỉ "nở rộ" các cửa hàng bán đồ quần áo, giày dép gắn mác "Made in Vietnam" trên phố hay tại các trung tâm thương mại mà ngay cả những shop bán đồ online cũng đua nhau quảng bá sản phẩm là hàng Việt Nam xuất khẩu với đủ các mẫu mã, kiểu dáng và cả giá cả. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm là “VNXK” trên mạng xã hội như facebook cũng cho tới hàng nghìn kết quả, trong đó có những shop online có lượng theo dõi lên tới vài trăm nghìn khách.

 

Nơi để xe của một cửa hàng bán đồ “Made in Vietnam” trên phố Chùa Bộc vào giờ tan tầm.

Nơi để xe của một cửa hàng bán đồ “Made in Vietnam” trên phố Chùa Bộc vào giờ tan tầm.

Chưa bàn tới chất lượng của những món đồ "Made in Vietnam" kể trên nhưng điều nhận thấy được ngay rằng bản thân "Made in Vietnam" phần nào đã trở thành một các mác giúp tăng giá trị sản phẩm. Vào thời điểm giao mùa, hay giờ cao điểm trong ngày không khó để bắt gặp những cửa hàng trên phố chật kín xe máy của khách vào mua hàng hay những shop bán hàng online "cháy hàng" sau vài tiếng đăng hàng mới bán. “Cá nhân tôi từng kinh doanh hàng Quảng Châu nhưng cạnh tranh không nổi và thị hiếu của khách hàng thay đổi nên 2 năm nay chuyển qua bán hàng thương hiệu Việt”, chủ một cửa hàng tại Cầu Giấy chia sẻ.

Về phía người mua hàng, chị N.M.T (một nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho hay: "Tôi rất thích và thường tìm mua hàng Made in Vietnam bởi chất lượng tốt, hình thức đơn giản chứ không màu mè như hàng Trung Quốc, giá cả cũng không quá đắt như của các hãng nước ngoài".

Mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng và chất lượng đảm bảo là các yếu tố giúp giữ chân khách hàng.
Mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng và chất lượng đảm bảo là các yếu tố giúp giữ chân khách hàng.
Mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng và chất lượng đảm bảo là các yếu tố giúp giữ chân khách hàng.

Quản lý một cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng bán đồ Việt Nam tại phố Chùa Bộc (Hà Nội) cho hay, vào những ngày cao điểm cửa hàng có tới trên 500 lượt mua hàng. Với mức chi tiêu trung bình của khách mua hàng khoảng 200-300 nghìn đồng, cửa hàng này có doanh thu khoảng trên 100 triệu đồng vào những ngày này. Với các cửa hàng khác nằm trên cùng tuyến phố, để đạt mức doanh thu này cửa hàng có khi phải nỗ lực chèo kéo khách hàng trong cả tháng.

Tương tự, chủ một shop bán online chia sẻ, với lô hàng 30 chiếc váy "Việt Nam xuất khẩu" vừa được đặt hàng, tổng doanh thu mang về gần 10 triệu đồng, trong đó tiền lãi thu được chiếm 20-30%. Không tính tới những lô hàng đặc biệt, trung bình mỗi ngày shop có 30-40 đơn hàng giao cho người mua trong nội thành Hà Nội và cả chuyển đi các tỉnh.

Rất đông khách hàng đứng chờ thanh toán tại một cửa hàng trên phố.

Rất đông khách hàng đứng chờ thanh toán tại một cửa hàng trên phố.

Tuy nhiên, với hàng loạt các cửa hàng ra đời, cạnh tranh cũng không phải là ít. Thêm vào đó, nhiều nơi lợi dụng tâm lý chuộng hàng Việt của người tiêu dung để trà trộn hàng gia công kém chất lượng, hàng nhái mẫu mã, và đặc biệt là hàng Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam”.  “Việc trộn hàng kém chất lượng tại các cửa hàng nhỏ lẻ thực tế là có xảy ra, người tiêu dùng cần sáng suốt trong việc lựa chọn nơi mua hàng và sản phẩm mình mua. Nếu là hàng Việt Nam xuất khẩu hoặc sản phẩm do doanh nghiệp trong nước làm ra đường kim mũi chỉ, chất lượng vải hoặc nhãn mác… sẽ được may chắc chắn, cẩn thận và đẹp hơn”, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng khuyến cáo.

Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”