Kinh tế tuần qua:

Không vì số tiền viện trợ ít ỏi mà “lụy” Trung Quốc tại dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Tuần qua, những thông tin liên quan đến tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng tiếp tục thu hút sự quan tâm của độc giả. Nhiều ý kiến chuyên gia đã phản đối dự án này, cho rằng không nên vì số tiền viện trợ chỉ gần 33 tỷ đồng mà phải “luỵ”.

Bộ Giao thông lên tiếng về tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng Trung Quốc “xin đám” tài trợ

Không vì số tiền viện trợ ít ỏi mà “lụy” Trung Quốc tại dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng - 1

Tuyến đường sắt liên vận Hải Phòng - Lào Cai kết nối với Trung Quốc được Trung Quốc tài trợ chi phí nghiên cứu quy hoạch

Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho hay, năm 2015, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Trên hành lang Đông - Tây, bên cạnh tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hiện hữu được xây dựng từ thời Pháp thuộc có khổ đường 1m kết nối với Trung Quốc tại Hà Khẩu.

Đến nay, tư vấn lập quy hoạch dự kiến toàn tuyến có chiều dài 392km với 38 ga, chạy chung tàu khách và tàu hàng.

Vừa qua, Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương để xin ý kiến về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga trên tuyến làm cơ sở dành quỹ đất phục vụ dự án đầu tư trong tương lai. Sau khi tư vấn hoàn thành nghiên cứu quy hoạch chi tiết, Bộ GTVT sẽ rà soát trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Căn cứ quy hoạch được duyệt, thứ tự ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực đầu tư, Bộ GTVT sẽ triển khai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.

“Với quy mô đầu tư lớn, dự kiến dự án sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua về chủ trương đầu tư, vì vậy khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sau này sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm rõ sự cần thiết đầu tư, quy mô đầu tư, phương án phân kỳ và khả năng huy động vốn; đồng thời, lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương có liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt” - Bộ GTVT cho biết. 

Đường sắt 100.000 tỷ đồng: "Không vì số tiền viện trợ ít ỏi mà “lụy” Trung Quốc"

Liên quan đến dự án đường sắt nói trên, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã bình luận trên Dân Trí:Rõ ràng họ tài trợ để lấy suất xây dựng dự án này; phần tài trợ đó tất nhiên sẽ lái vào lợi ích của Trung Quốc và những điều chỉnh có lợi cho họ ở dự án trên.

Bộ GTVT báo cáo tuyến đường sắt sẽ chạy 15 chuyến/ngày. Việt Nam lấy đâu ra người và hàng để lấp đầy cho những tuyến tàu đó. Nói cho cùng, tuyến đường sắt này sẽ chạy có mục đích phục vụ hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, thậm chí cửa ngõ đi nhiều nước khác.

Tôi rất băn khoăn là liệu những con tàu này ngoài các hàng hoá thông thường, có còn chứa những hàng mà Việt Nam không kiểm soát được hết như hàng gian, hàng lậu, thậm chí hàng giả “Made in Vietnam”. Tôi rất lo ngại tuyến đường có thể thành tuyến buôn lậu mới vì hàng trên tàu này sẽ được đưa lên từ Trung Quốc và được rải dọc đường”.

Vị chuyên gia cũng bình luận, số tiền tài trợ không hoàn lại 10 triệu nhân dân tệ (gần 33 tỷ đồng) là khá nhỏ. Nếu cần chúng ta có thể tự bỏ ra làm chứ không thể vì số vốn ít ỏi mà "luỵ" Trung Quốc, để cho Trung Quốc đưa các kế hoạch của Trung Quốc vào quy hoạch của Việt Nam. 

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Công nghệ Trung Quốc nhưng tiêu chuẩn châu Âu?

Không vì số tiền viện trợ ít ỏi mà “lụy” Trung Quốc tại dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng - 2

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (ảnh: Toàn Vũ)

Một dự án khác cũng đang được công luận quan tâm là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, tư vấn thẩm định Pháp đang đánh giá tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Tổng thầu Trung Quốc thi công.

“Quá trình đánh giá chứng nhận an toàn tuyến Cát Linh - Hà Đông đang được tư vấn Pháp thực hiện và cơ bản đánh giá theo đúng tiêu chuẩn thế giới đã cam kết như quy trình vận hành và bảo dưỡng, biểu đồ chạy tàu, quy trình xử lý sự cố, nhiệm vụ các chức danh” - ông Trường nói.

Việc quản lý vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông theo đúng tiêu chuẩn thế giới, đảm bảo tuyến vận hành an toàn ở mức độ cao. Do các tiêu chuẩn này đã được kiểm nghiệm lâu dài tại các nước có hệ thống đường sắt phát triển, chứng minh tính chính xác của tiêu chuẩn.

“Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến đưa vào vận hành thương mại từ cuối năm 2019, sau khi Bộ Giao thông vận tải nghiệm thu sẽ bàn giao cho Metro Hà Nội vận hành khai thác. Trước khi đưa vào khai thác, việc đảm bảo an toàn trong mọi khâu vận hành cần được khẳng định.” - ông Trường thông tin.

Càng hiện đại càng tiết kiệm chi phí, tại sao giá nước vẫn cao?

Nêu quan điểm tại “Toạ đàm về Giá nước sinh hoạt ” diễn ra sáng 28/11, ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng thư ký hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, nên dùng tư vấn độc lập để xác định giá nước. Để thấy được, các doanh nghiệp đó sử dụng hết bao nhiêu chi phí cho hoá chất, điện, nhân công. Vì nếu doanh nghiệp tự kê khai thì người dân sẽ không tin tưởng.

Theo đó, các đơn vị tư vấn độc lập sẽ có thể tính toán được lượng hoá chất mà nhà máy sử dụng, dù nguồn nước tại sông Đuống có ô nhiễm hơn sông Đà như nhiều người nói.

Hơn nữa, việc doanh nghiệp nói rằng quy trình hiện đại sẽ tốn kém, nhưng càng hiện đại thì tiêu thụ điện càng ít. Chưa kể, nếu tự động hoá cao thì sẽ tiết kiệm nhân lực, ít tốn chi phí nhân công. Vì thế, việc tăng giá gấp đôi nơi khác là chưa rõ lý do.

“Anh nói quy trình của anh hiện đại, nhưng càng hiện đại thì điện tiêu thụ càng ít. Các anh nói tự động hoá rất cao, thì một trong những mục tiêu của việc tự động hoá là để đảm bảo an toàn hệ thống, tiết kiệm nhân lực, như vậy nhân công không cao. Lý do gì mà giá lại gấp đôi nơi khác?” - vị chuyên gia nêu vấn đề.

Bê bối Món Huế: 80 triệu USD đã biến mất?

Không vì số tiền viện trợ ít ỏi mà “lụy” Trung Quốc tại dự án đường sắt 100.000 tỷ đồng - 3

Nhiều dấu hỏi xung quanh câu chuyện tài khoản Món Huế đã "bốc hơi" 80 triệu USD

Theo thông tin mới nhất cung cấp tới Dân trí, đại diện phát ngôn nhóm nhà đầu tư bao gồm: ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital cho biết, họ đã rót hơn 70 triệu USD vào Món Huế kể từ năm 2013 đến năm 2017.

Theo các nhà đầu tư, trong sao kê tài khoản ngân hàng, báo cáo tài chính do nhân sự của ông Huy Nhật cung cấp cho nhóm các nhà đầu tư trước tháng 7/2019 cho thấy Huy Việt Nam có hơn 80 triệu USD trong tài khoản ngân hàng.

“Tuy nhiên, khi nhóm các nhà đầu tư làm việc với ngân hàng để làm rõ thì mới biết rằng số tiền này không tồn tại. Điều này cùng với việc sụp đổ của công ty vào tháng 10/2019 cho thấy rõ dấu hiệu lừa đảo và chiếm dụng vốn của công ty”, đại diện nhóm nhà đầu tư cho biết. Mục tiêu của họ là lấy lại tiền và tài sản đã bị chiếm dụng, đồng thời ngăn ngừa tình trạng mất việc làm và hỗ trợ các nhân viên và các nhà cung cấp tận tâm của công ty nhiều nhất có thể.

Tuy nhiên, theo vị này, ông Huy Nhật đã ngăn cản việc thực hiện các mục tiêu này, do vậy nhóm các nhà đầu tư buộc phải thực hiện các hành động pháp lý chống lại.

Trong diễn biến khác, Cục Thuế TP.HCM cho biết Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, hiện còn nợ 50 triệu đồng. Cục Thuế TPHCM đã tiến hành áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế, nhưng các tài khoản ngân hàng đều không còn tiền, báo chí đưa tin.

SEVEN.AM bị phạt hàng trăm triệu đồng vì "gian dối" nhãn mác hàng hóa

Về vụ lùm xùm nhãn mác hàng hoá tại SEVEN.AM , Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã công bố kết quả xử phạt đối với thương hiệu này do kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa, làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định. Tổng số tiền thương hiệu này bị phạt là 170 triệu đồng.

Thông qua kiểm tra 5 điểm kinh doanh quần áo SEVEN.AM của Công ty công phần MHA và Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ, tại Hà Nội, Đội QLTT số 14 đã phát hiện 4 sai phạm của công ty MHA gồm: “Sản xuất, kinh doanh hàng hoá (váy, quần áo, túi, ví) có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định”; “Kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định (năm sản xuất của mặt hàng túi, ví)”; “Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy” và “Sản xuất hàng hoá có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng (kết quả thử nghiệm tiêu chuẩn polyeste có kết quả 100% trong khi nhãn hàng hóa có ghi thành phần 60% cotton, 40% polyeste)”.

Mai Chi (tổng hợp)